Theo đó, ông Charles Lieber, 62 tuổi, cựu giáo sư công nghệ nano đã bị tòa án Mỹ đưa ra xét xử với các tội danh nói dối chính quyền và ém nhẹm các khoản tài trợ mà ông nhận được từ Chính phủ Trung Quốc.
Theo lịch trình, bồi thẩm đoàn Boston (bang Massachusetts) sẽ tiếp tục nối lại phiên xét xử vào thứ Tư để nghe các luật sư bào chữa cho ông Charles Lieber, cựu chủ nhiệm khoa hóa học của Trường Đại học Harvard, nhân vật có tên tuổi nhất bị buộc tội trong hồ sơ Washington đáp trả ảnh hưởng của Bắc Kinh gây dựng trong hệ thống các trường đại học.
Tại phiên luận tội trước đó, ông Lieber đã không thừa nhận sáu cáo buộc tội danh đã phạm phải và các khoản thuế liên quan. Luật sư của ông là Marc Mukasey cũng nói rằng thân chủ của mình "không giấu giếm bất cứ điều gì và ông ta không được trả các món tiền như Chính phủ cáo buộc".
Các công tố viên đã buộc tội Giáo sư Charles Lieber vào tháng 1 năm 2020 đã can dự như một phần của "Sáng kiến Trung Quốc" của Bộ Tư pháp Mỹ, được bắt đầu dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump nhằm chống lại hành vi đánh cắp nghiên cứu của Trung Quốc, trong bối cảnh lo ngại về gián điệp kinh tế và vi phạm sở hữu trí tuệ.
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã theo đuổi sáng kiến của người tiền nhiệm, bất chấp những người chỉ trích nói rằng nó đã đi quá xa trong việc theo đuổi học thuật và nhắm mục tiêu quá mức đến công dân Trung Quốc. Nguyên do là trước đó, một phiên xét xử đầu tiên đối với một học giả là giáo sư Đại học bang Tennessee - đã kết thúc bằng một vụ án oan và sau đó được thẩm phán tuyên trắng án.
Phát ngôn viên Wyn Hornbuckle của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, một đánh giá của Bộ Tư pháp về cách tiếp cận chống lại các mối đe dọa từ Trung Quốc gây ra dự kiến sẽ được hoàn thành trong những tuần tới.
Các công tố viên cho biết, ông Lieber vào năm 2011 đã trở thành một "nhà khoa học chiến lược" tại Đại học Công nghệ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) và thông qua đó tham gia vào đợt tuyển dụng của Trung Quốc có tên là chương trình “Vạn nhân tài”.
Theo cáo trạng, ông Lieber được Bắc Kinh trả thù lao đến 50.000 USD/tháng cùng với chi phí sinh hoạt lên đến 158.000 USD hàng năm. Bên cạnh đó, ông còn được trả hơn 1,5 triệu USD để thành lập một phòng thí nghiệm nghiên cứu. Đổi lại, vị giáo sư Mỹ sẽ tổ chức các hội thảo quốc tế, xuất bản các bài báo và nhiều lần giúp trường đại học của Trung Quốc nộp đơn xin cấp bằng sáng chế.
Các nhà chức trách Mỹ cho rằng, Bắc Kinh sử dụng chương trình này để lôi kéo các nhà nghiên cứu nước ngoài chia sẻ kiến thức của họ với Trung Quốc để đổi lấy các đặc quyền bao gồm cả các khoản tài trợ nghiên cứu.
Các công tố viên cho biết, ông Lieber đã nói dối các nhà điều tra về sự tham gia của anh ta trong chương trình này và cũng đã đánh lừa cơ quan chủ quản của mình là trường Đại học Harvard, nơi vào năm 2019 đã báo cáo với Viện Y tế Quốc gia rằng ông này không tham gia vào chương trình trên.
Năm 2001, giáo sư Leiber và nhóm của ông trong nghiên cứu về “Liquid Computing” (điện toán lỏng), đề cập đến việc ông Leiber đã đi đầu trong việc giải quyết thách thức lớn nhất của ngành công nghiệp vi điện tử dựa trên silicon - làm cho chip silicon ngày càng nhỏ hơn.
Giáo sư Leiber có thể sử dụng dây nano để tạo ra các mạch logic và bộ nhớ nhỏ - hai thành phần chính của máy tính. Và các mạch này thực sự rất nhỏ, một số trong đó chỉ là có kích thước cỡ vài nguyên tử.
10 năm sau, ông Leiber đã tạo ra một transitor (linh kiện bán dẫn) nhỏ đến mức nó có thể được sử dụng để xuyên qua màng tế bào để thăm dò bên trong mà không ảnh hưởng đến các chức năng giữa các tế bào. Transitor tương thích sinh học với kích thước của virus không chỉ có thể đo các hoạt động bên trong tế bào thần kinh mà còn cả tế bào tim và sợi cơ.
Năm 2017, Giáo sư Leiber và nhóm của ông đã tạo thành công lưới dây nano 3D linh hoạt có thể tiêm vào não hoặc võng mạc của động vật, gắn vào các tế bào thần kinh và theo dõi tín hiệu điện giữa các tế bào.
Theo các chuyên gia, không có gì ngạc nhiên khi các quan chức Trung Quốc đã nhanh chóng coi Giáo sư Lieber là bộ não ưu tú nhất khi nói đến công nghệ nano. Nghiên cứu của ông không những khiến Trung Quốc trở thành một nước quan trọng trong công nghệ tương lai này mà còn giúp nước này tiến bước trong mục tiêu thống trị ngành công nghệ sinh học.