| Hotline: 0983.970.780

Hà Nam phát động 'chiến tranh nhân dân' với nạn thực phẩm bẩn

Thứ Tư 03/03/2021 , 10:22 (GMT+7)

Hà Nam là tỉnh tiên phong trong việc sử dụng mạng lưới cộng tác viên quản lý chất lượng nhằm chống thực phẩm bẩn.

Vụ giò chả tẩm hàn the

Vụ hai người ở xã Liêm Tuyền, TP Phủ Lý bị khởi tố vì làm giò chả có hàn the gây nguy hại sức khỏe cộng đồng là một trong những kết quả của hoạt động cộng tác viên chống thực phẩm bẩn. Trước đó, khi nhận được cấp báo của quần chúng ở xã Liêm Tuyền, cán bộ Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Hà Nam đã xuống tìm hiểu, điều tra. Mọi thông tin được bí mật thu thập từ nguồn nguyên liệu nhập ở đâu, thành phẩm ra tiêu thụ ở chỗ nào rồi một đơn tố giác tội phạm được gửi đến cho Công an Thành phố. Nhân sự kiện nóng trên, đơn vị cũng đẩy mạnh tuyên truyền cho toàn dân hiểu được nguy cơ của hàn the, cho các cơ sở chế biến giò chả trong vùng hiểu được tính nghiêm minh của pháp luật.

Anh Nguyễn Tiến Tùng - cộng tác viên quản lý chất lượng của xã thông tin với tôi rằng trên địa bàn thường có 4 - 5 cơ sở làm giò chả theo thời vụ, lớn thì bán 30 - 40 kg/ngày, nhỏ 10 - 20 kg/ngày: “Có thể trước đây một số cơ sở đã dùng loại thịt không ngon, không đạt tiêu chuẩn và để chúng dai, giòn, giữ được lâu thì họ cho hàn the vào, tuy độc hại nhưng giá của chúng lại rất rẻ. Giờ đây, tình trạng trên đã chấm dứt, các cơ sở chỉ sản xuất số lượng vừa phải để hàng luôn mới chứ không còn để lưu cữu nữa”.   

Sử dụng những cộng tác viên quản lý chất lượng như anh Tùng là sáng kiến mang tính tiên phong của tỉnh Hà Nam. Đa phần họ là người sinh sống ngay tại các xã, phường, là cánh tay nối dài cho Sở NN-PTNT trong cuộc chiến với thực phẩm bẩn bằng việc tuyên truyền từ sản xuất đến kinh doanh sao cho an toàn, khi thấy có nguy cơ vi phạm thì cấp báo.

Cảnh mua bán hoa quả ngoài đường ở phường Minh Khai, TP Phủ Lý. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cảnh mua bán hoa quả ngoài đường ở phường Minh Khai, TP Phủ Lý. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cũng theo anh Tùng: “Trước đây, do không có người quản lý, trong trồng trọt dân thường nghe hướng dẫn qua loa rồi về pha thuốc BVTV lung tung để phun, đắt thì cắt đem bán, còn trong chăn nuôi, cứ nhanh lớn là được. Từ khi được giao nhiệm vụ, tôi hay để ý xem người trồng trọt dùng loại thuốc gì, người chăn nuôi mua cám ở đâu, có thêm những chất gì khác lạ rồi cả thời gian xuất chuồng thế nào, có bán lợn ốm, lợn chết không...”.

Vốn học nông nghiệp rồi làm cho một trường cao đẳng, 3 năm trước anh Tùng về quê làm khuyến nông viên xã đồng thời thêm cộng tác viên quản lý chất lượng. Khi tôi hỏi với mức phụ cấp mỗi tháng chỉ 300.000đ tại sao lại tham gia thì anh cười rồi đáp: “Về kinh tế thì tôi không muốn nói đến nhưng bây giờ người dân đang mắc nhiều loại bệnh quá trong đó có ung thư hay các bệnh ác tính khác. Tôi muốn góp sức để ngăn chặn tình trạng trên nhưng quyền của cộng tác viên còn rất hạn chế nên phải lựa sao cho công việc có kết quả mà những mối quan hệ ở địa phương vẫn phải giữ”.

“Người tiêu dùng khi sử dụng giò, chả chứa hàn the kéo dài sẽ gây tổn thương tế bào gan, thận, thoái hóa cơ quan sinh dục, nhiễm độc thai nhi đối với phụ nữa mang thai hay ung thư”. Trích nội dung một bài tuyên truyền về an toàn thực phẩm.

Vụ gạo giả đốt cháy bùng bùng

Chị Phượng (bên phải) đi kiểm tra gạo tại một cửa hàng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Phượng (bên phải) đi kiểm tra gạo tại một cửa hàng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cũng tương tự như anh Tùng, chị Nguyễn Thị Lan Phượng - cộng tác viên quản lý chất lượng của phường Minh Khai TP Phủ Lý chỉ muốn làm việc có ích cho xã hội. Có lần nhận được tin cửa hàng An Hưng ở tổ 3 có hiện tượng bán gạo giả, chạy ra thì thấy gần 100 người đang bàn tán quanh một cái chảo gạo cháy “Họ bán gạo giả, làm bằng nhựa thì đốt mới đốt cháy như vậy chứ”...

Nhón một ít gạo cháy đưa lên mũi ngửi thì chị thấy không có mùi khét như kiểu nhựa cháy. Hiện trường lúc đó cũng có cả công an nhưng do không phải chuyên ngành nên không biết xử lý như thế nào mà chỉ đi vào, đi ra. Chị báo cáo nhanh lãnh đạo phường đồng thời Chi cục, trùng hợp thế nào lại đang có đoàn liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm đi kiểm tra gần đó. Vậy là đoàn quay xe vào, giải thích cho mọi người rồi lập biên bản, lấy mẫu về xét nghiệm. Khi kết quả là gạo thật được đọc oang oang trên loa phường thì dư luận mới yên.

Từ đó chị Phượng tranh thủ tuyên truyền cho 27 cửa hàng lương thực, thực phẩm trên địa bàn đăng ký vệ sinh an toàn, kê hàng trên giá kệ. Dần dà mọi thứ đã đi vào nề nếp hơn, 27 cửa hàng thì đã có 26 chịu ký cam kết. Câu chuyện an toàn vệ sinh thực phẩm còn được chị tuyên truyền cho toàn dân qua tờ rơi, qua loa phường 3 lần/tháng để nâng cao cảnh giác.

Bất cập lớn nhất hiện nay theo chị là nguồn gốc hàng người bán vẫn còn mù mờ vì không biết vùng sản xuất ở đâu mà chỉ mua ở chợ về để bán lẻ. Hàng hóa ấy có an toàn hay không bản thân chị cũng không thể biết vì chẳng có bất kỳ dụng cụ nào để kiểm tra. Trong khi đó nếu đi cùng đoàn liên ngành, có sắc phục của công an thì họ còn hợp tác còn đi kiểm tra một mình thì người ta khó chịu ra mặt...

Một cửa hàng bán thịt lợn ở phường Minh Khai, TP Phủ Lý. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một cửa hàng bán thịt lợn ở phường Minh Khai, TP Phủ Lý. Ảnh: Dương Đình Tường.

Theo ông Trương Quốc Hưng- Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nam hiện các cộng tác viên hoạt động từ năm 2014, rất hiệu quả, tâm huyết nhưng chỉ được hưởng mức phụ cấp 300.000 đồng/tháng, lấy kinh phí nguồn sự nghiệp nông nghiệp của sở để chi trả (mỗi năm khoảng hơn 400 triệu). Mấy năm sau, thấy nó thấp quá, đơn vị đã một số lần đề xuất tăng lên 500.000 đồng/tháng nhưng chưa được chấp nhận. 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất