| Hotline: 0983.970.780

Hà Tĩnh điện khẩn phòng chống bệnh đạo ôn

Thứ Năm 17/03/2022 , 16:50 (GMT+7)

HÀ TĨNH Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh có công điện khẩn triển khai phòng chống bệnh đạo ôn hại lúa xuân 2022 trên địa bàn tỉnh.

Nguy cơ bùng phát bệnh trên diện rộng

Ngày 16/3, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có công điện gửi Giám đốc Sở NN-PTNT và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh về việc phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa xuân.

Teo Sở NN-PTNT Hà Tĩnh, hiện tại cây lúa đang ở giai đoạn cuối đẻ nhánh - đứng cái, phát triển mạnh về thân lá, hàm lượng đạm trong cây cao là thời kỳ xung yếu đối với bệnh đạo ôn.

Đến thời điểm hiện tại, diện tích lúa nhiễm bệnh đạo ôn tại Hà Tĩnh là 152 ha. Ảnh: TL.

Đến thời điểm hiện tại, diện tích lúa nhiễm bệnh đạo ôn tại Hà Tĩnh là 152 ha. Ảnh: TL.

Theo thống kê, bệnh đạo ôn bắt đầu xuất hiện từ trung tuần tháng 2. Đến thời điểm hiện tại, bệnh phát sinh gây hại tại hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh, tập trung trên các giống thái xuyên 111, ADI 168, VNR20, P6, Xi23, XT28, Thiên ưu 8… với tỷ lệ bệnh trung bình 5 - 7%, nơi cao 10 - 15%, cục bộ 20 - 30%. Diện tích lúa nhiễm bệnh 152 ha, trong đó diện tích nhiễm nặng 15,6ha.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, thời tiết từ nay đến cuối tháng 3/2022 duy trì hình thái âm u, ánh sáng yếu, có mưa vào buổi sáng, nhiệt độ trung bình 20 - 26 độ  C. Từ ngày 23/3 đến đầu tháng 4, chịu ảnh hưởng của không khí lạnh gây mưa, ẩm độ không khí cao là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh, xâm nhiễm và gây hại.

Dự báo, khả năng bệnh đạo ôn sẽ bùng phát trên diện rộng, có thể gây cháy lụi cục bộ trên các giống nhiễm như P6, ADI 168, thái Xuyên 111, XT28, Xi23, VNR20, thiên ưu 8,... nếu không kịp thời triển khai phòng trừ.

Đồng bộ nhiều giải pháp bảo vệ sản xuất

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các phòng chức năng, Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi, UBND các xã, phường, thị trấn phân công cán bộ thường xuyên bám sát cơ sở, tổ chức rà soát, nắm chắc diễn biến tình hình bệnh, thống kê diện tích nhiễm, tiến hành khoanh vùng, cắm vè, hướng dẫn bà con xử lý dứt điểm những diện tích bị nhiễm bệnh.

Đồng thời, rà soát diện tích gieo cấy các giống nhiễm đạo ôn như: P6, ADI168, thái Xuyên 111, XT28, Xi23, VNR20, BQ,... các vùng bệnh thường phát sinh gây hại để chủ động cảnh báo diễn biến bệnh, không để bệnh phát sinh lây lan trên diện rộng.

Cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Hương Sơn kiểm tra, hướng dẫn bà con thực hiện các giải pháp phòng trừ kịp thời bệnh đạo ôn. Ảnh: Gia Hưng.

Cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Hương Sơn kiểm tra, hướng dẫn bà con thực hiện các giải pháp phòng trừ kịp thời bệnh đạo ôn. Ảnh: Gia Hưng.

Thành lập các đoàn công tác trực tiếp chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương, bà con nông dân tổ chức phòng trừ dịch bệnh kịp thời, hiệu quả. Chỉ đạo các cơ quan truyền thông trên địa bàn, đặc biệt là hệ thống truyền thanh cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền, tăng cường thời lượng phát thanh về diễn biến tình hình, kỹ thuật phòng trừ bệnh đến tận hộ dân.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về thuốc bảo vệ thực vật, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh buôn bán thuốc bảo vệ thực vật ở cơ sở, xử lý  nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; chủ động phối hợp với các đơn vị cung ứng thuốc bảo vệ thực vật tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ cho các cơ sở sản xuất và bà con nông dân. Báo cáo kịp thời, trung thực về diễn biến tình hình, diện tích lúa nhiễm bệnh đạo ôn trên địa bàn, kết quả phòng trừ, tuyệt đối không để xẩy ra tình trạng dấu dịch…

Đối với Giám đốc Sở NN-PTNT, chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật bám sát cơ sở, thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo, cảnh báo thời gian phát sinh, mức độ gây hại của bệnh; phối hợp với các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức phòng trừ bệnh kịp thời, hiệu quả.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng thuốc bảo vệ thực vật, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; chủ động phối hợp với các đơn vị cung ứng thuốc bảo vệ thực vật tổ chức tập huấn, hướng dẫn các địa phương phòng trừ dịch bệnh kịp thời, hiệu quả. Báo cáo diễn biến tình hình sản xuất, dịch hại và kết quả phòng trừ ở các huyện, thành phố, thị xã về UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo.

Khoanh vùng, xử lý dứt điểm diện tích nhiễm bệnh

Để hạn chế thiệt hại do bệnh đạo ôn gây ra, bảo vệ an toàn sản xuất, Sở NN-PTNT Hà Tĩnh đã ban hành hướng dẫn phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa vụ xuân 2022.

Theo đó, các địa phương, hộ sản xuất cần triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về diễn biến tình hình bệnh đạo ôn và các giải pháp phòng trừ bệnh; khuyến cáo, động viên bà con nông dân thường xuyên thăm đồng để phát hiện sớm và triển khai phun trừ kịp thời khi bệnh chớm xuất hiện.

Thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, tiến hành khoanh vùng và xử lý dứt điểm những diện tích nhiễm bệnh để hạn chế nguồn lây. Đồng thời, rà soát, đánh giá số diện tích gieo cấy các giống nhiễm đạo ôn như P6, ADI168, thái Xuyên 111, XT28, Xi23, VNR20, thiên ưu 8,... các vùng bệnh thường phát sinh gây hại để chủ động cảnh báo và triển khai phun phòng.

Nông dân cần tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc '4 đúng' trong quá trình sử dụng thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn. Ảnh: TL.

Nông dân cần tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc “4 đúng” trong quá trình sử dụng thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn. Ảnh: TL.

Về sử dụng thuốc hóa học phòng trừ bệnh, khuyến cáo sử dụng một trong số các loại thuốc đặc hiệu phòng trừ bệnh đạo ôn hiện đang phổ biến trên địa bàn Hà Tĩnh như: Beam 75WP, Kasoto 200SC, Fukasu 42WP, Filia 525 SE, Angate 75WP, Flash 75WP, Kabim 30WP, Grandgold 510WP, NewTec 300SC, Tricom 75WP...

Bên cạnh đó, cần tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc “4 đúng” trong quá trình sử dụng thuốc. Duy trì đủ nước tạo điều kiện thuận lợi cho lúa sinh trưởng phát triển, tăng khả năng kháng bệnh.

Đối với những diện tích đã xuất hiện bệnh và có nguy cơ nhiễm bệnh ngừng bón đạm, không phun các loại phân bón qua lá có chứa đạm.

Đối với những diện tích nhiễm nặng cần tiến hành ngắt bỏ những lá bị bệnh không còn khả năng phục hồi, đem tiêu hủy để hạn chế nguồn bệnh trước khi xử lý thuốc hóa học.

Tranh thủ thời tiết thuận lợi để tiến hành xử lý thuốc, phun thuốc khi trời tạnh ráo, phun ướt đều bộ lá, sau khi phun thuốc 5-7 ngày kiểm tra nếu thấy vết bệnh cấp tính xuất hiện thì tiến hành xử lý thuốc lần 2.

Trong quá trình tổ chức phòng chống dịch bệnh đề nghị các địa phương kết hợp tăng cường công tác quản lý nhà nước về thuốc bảo vệ thực vật, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vị phạm; chủ động phối hợp với các đơn vị cung ứng thuốc để tập huấn, hướng dẫn về kỹ thuật phòng trừ đến các cơ sở sản xuất và bà con nông dân…

Xem thêm
Nuôi lợn thịt theo hướng tuần hoàn, giá bán tăng 4 - 5 ngàn đồng/kg

HÀ TĨNH Nuôi lợn theo hướng tuần hoàn trên nền đệm lót sinh học chuồng luôn khô thoáng, không mùi hôi, không nước thải, giá cao hơn lợn nuôi truyền thống từ 4 - 5 ngàn đồng/kg.

Phòng, chống bệnh động vật, khống chế dịch tả heo Châu Phi

Kiên Giang Bệnh dịch tả heo Châu Phi đang có chiều hướng gia tăng, nguy cơ lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng xấu đến chăn nuôi, môi trường và nguồn cung thực phẩm.

Báo động thoái hóa đất Tây Nguyên: [Bài 2] Giải pháp nâng cao sức khỏe đất

Phục hồi đất thoái hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ và cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, quản lý, khoa học công nghệ, khuyến nông...