Theo đơn tố cáo của ông Vương Sỹ Kỷ, thương binh, GĐ Công ty CP Thương binh nặng và người tàn tật Trường Sơn Việt Nam (trụ sở tại thôn 4, xóm Núi, xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội), và một số anh chị em thương binh trong công ty, thì Huyện ủy, HĐND và UBND huyện Quốc Oai (TP Hà Nội) đã có một việc làm vi phạm pháp luật.
Ông Vương Sỹ Kỷ |
Cụ thể là vi phạm Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Theo điều 34 của luật này thì “UBND xã loại I có không quá 2 phó chủ tịch; UBND xã loại II, loại III có 1 phó chủ tịch”. Và theo các văn bản hướng dẫn thi hành luật này, thì trong trường hợp cần thiết, chủ tịch UBND cấp tỉnh, TP trực thuộc Trung ương phải có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ. Chỉ sau khi Thủ tướng có quyết định chấp thuận, thì địa phương mới được bố trí số lượng phó chủ tịch UBND xã nhiều hơn quy định trên.
Thế nhưng, khi UBND TP Hà Nội chưa hề có văn bản báo cáo, và Thủ tướng Chính phủ chưa hề có quyết định đồng ý, thì Huyện ủy, HĐND và UBND huyện Quốc Oai đã tự ý bố trí hàng loạt cán bộ về làm phó chủ tịch UBND các xã vượt tiêu chuẩn cho phép của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Cụ thể, UBND thị trấn Quốc Oai (xã loại I) đã có đủ 2 phó chủ tịch rồi, nhưng Huyện ủy, HĐND và UBND huyện vẫn đưa ông Hoàng Quốc Viện, Phó Trưởng ban Bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng huyện về làm phó chủ tịch UBND thị trấn. Đồng thời, đưa 7 ông khác về làm phó chủ tịch các xã loại II, loại III trong huyện, khi các xã này đã có 1 phó chủ tịch UBND xã.
Đó là các ông Ngô Ngọc Cường, PGĐ Trung tâm Thể dục thể thao huyện, được đưa về làm phó chủ tịch UBND xã Cộng Hòa. Cũng theo phản ánh, thì ông Ngô Ngọc Cường là cháu của Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Quốc Oai Nguyễn Đạt Thuyên; ông Trần Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng huyện, được đưa về làm phó chủ tịch UBND xã Đông Yên; bà Nguyễn Thị Xuân, chuyên viên Phòng Nội vụ huyện, làm phó chủ tịch UBND xã Đồng Quang; ông Hoàng Đức Thọ, chuyên viên Phòng Nội vụ huyện, làm phó chủ tịch UBND xã Phú Cát; ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Trưởng BQL cụm công nghiệp huyện Quốc Oai, làm phó chủ tịch UBND xã Ngọc Mỹ; Ông Hoàng Văn Trúc, PGĐ Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Quốc Oai, làm phó chủ tịch UBND xã Hòa Thạch và ông Ngô Văn Hùng, chuyên viên Phòng Quản lý đô thị, làm phó chủ tịch UBND xã Sài Sơn.
Sở dỹ luật quy định số lượng phó chủ tịch UBND xã là 1 người đối với xã loại II, loại III, và 2 người đối với xã loại I, là vì các xã loại loại I có địa bàn rộng, dân cư đông, công việc nhiều, nên phải bố trí 2 phó chủ tịch. Còn các xã loại II, loại III có diện tích nhỏ, dân cư ít, do đó công việc cũng ít, chỉ cần 1 phó chủ tịch là đủ.
Nay lại “nhét” thêm một phó chủ tịch nữa, thì sẽ trở nên dư thừa, lãng phí không cần thiết. Hơn thế nữa, phó chủ tịch UBND xã là công chức, hưởng lương ngân sách. Thêm 1 phó chủ tịch, là hàng năm ngân sách nhà nước tốn thêm hàng chục triệu đồng, chưa kể tốn thêm diện tích làm việc, văn phòng phẩm, công tác phí và nhiều khoản khác.
Với 8 chức danh phó chủ tịch UBND xã thừa như vậy, thì hàng năm tốn thêm hàng trăm triệu đồng. Có thể nói, bằng việc tự ý bổ nhiệm thừa 8 phó chủ tịch UBND của 8 xã nói trên, Huyện ủy, HĐND và UBND huyện Quốc Oai không chỉ vi phạm Luật Tổ chức chính quyền địa phương, mà còn vi phạm Luật Ngân sách Nhà nước.
Việc Huyện ủy, HĐND và UBND huyện Quốc Oai cố tình bố trí thừa số phó chủ tịch UBND các xã, đã khiến cho nhiều người dân trong huyện bức xúc, giảm sút lòng tin đối với chính quyền. Bởi chính quyền mà còn không chấp hành, không tuân thủ pháp luật, thì người dân còn biết trông vào ai? Thậm chí có người đã đặt câu hỏi: Trong việc bố trí thừa 8 cán bộ lãnh đạo của UBND 8 xã này, liệu có việc chạy chức, chạy quyền không?
Chúng tôi đã liên hệ với ông Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai để yêu cầu trả lời vấn đề trên, nhưng chỉ được trả lời: UBND TP Hà Nội đang xử lý đơn thư đó. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc này và sẽ thông tin tới bạn đọc. |