| Hotline: 0983.970.780

Hiện đại hóa trong chăn nuôi: [Bài 3] Mũi nhọn phát triển kinh tế

Thứ Ba 25/06/2024 , 06:32 (GMT+7)

BÌNH DƯƠNG Ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, tỉnh Bình Dương ngày càng lan tỏa nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao cho năng suất, chất lượng.

Trang trại gà công nghệ cao 30.000 m2 sản xuất giống gia cầm Đinh Ngọc Khương. Ảnh: Trần Phi.

Trang trại gà công nghệ cao 30.000 m2 sản xuất giống gia cầm Đinh Ngọc Khương. Ảnh: Trần Phi.

Thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ cao trong phát triển chăn nuôi. Qua đó, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm chăn nuôi.

Đồng thời, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh và chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững...

Đến với trang trại gà khoảng 30.000m2 sản xuất giống gia cầm Đinh Ngọc Khương, xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, sẽ không khó để bắt gặp hình ảnh những máy phát sóng wifi phủ toàn bộ khu vực, máy móc công nghệ hiện đại cho quá trình ấp trứng, được đầu tư để cài đặt, kết nối và vận hành toàn bộ hệ thống chuồng trại thông qua điện thoại thông minh.

“Để sản xuất hiệu quả, tôi đã cho xây dựng cũng như đồng bộ, khép kín hệ thống chuồng trại lạnh, cùng trang bị đầy đủ như hệ thống máy lạnh làm mát không khí, máng nước tự động, khay để thức ăn… Nhờ đó, tiết kiệm được thời gian, chi phí sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Lúc cao điểm, trung bình trang trại của tôi xuất khoảng 900 tấn gà/tháng”, ông Khương chia sẻ.

Ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi gia cầm đang là hướng đi bền vững giúp bà con gia tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế. Ảnh: Trần Phi.

Ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi gia cầm đang là hướng đi bền vững giúp bà con gia tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế. Ảnh: Trần Phi.

Không chỉ ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi gia cầm, việc chăn nuôi gia súc lớn cũng được các doanh nghiệp Bình Dương đầu tư phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đơn cử như trang trại nuôi bò sữa của Công ty Cổ phần Anova Agri Bình Dương ở huyện Phú Giáo đã ứng dụng công nghệ cao của châu Âu, để nuôi 1.500 con bò sữa cao sản với đàn bò giống chất lượng cao, từ các nước có nền chăn nuôi bò sữa tiên tiến như: Thái Lan, Australia và New Zealand.

Ngoài ra, trang trại được đầu tư đồng bộ các thiết bị kỹ thuật công nghệ cao từ châu Âu với quy trình chăn nuôi khép kín, được quản lý và vận hành bằng phần mềm quản lý đàn tiên tiến.

Toàn bộ quy trình chăn nuôi, vắt sữa và bảo quản đều được vận hành theo tiêu chuẩn của Global G.A.P để sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao nhất, có hương vị thơm ngon tự nhiên, không chứa những chật độc hại và chất cấm. Hiện, tổng đàn bò sữa của trang trại trên 1.000 con cung cấp ra thị trường hơn 8 triệu lít sữa chất lượng cao mỗi năm.

Hệ thống tự động phun nước giải nhiệt cho bò sữa. Ảnh: Trần Phi.

Hệ thống tự động phun nước giải nhiệt cho bò sữa. Ảnh: Trần Phi.

Thời gian qua, tỉnh Bình Dương cũng đã có chính sách cho vay vốn phát triển nông nghiệp công nghệ cao với mức ưu đãi khoảng 70% lãi suất cho vay tối thiểu của Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh, hạn mức vay ưu đãi từ 80 - 90%, tùy theo quy mô của phương án đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chính sách sát thực tiễn đã giúp nông nghiệp phát triển.

Đến nay, tỉnh có diện tích trồng trọt khoảng 6.370ha, khoảng 189 trang trại chăn nuôi gà, vịt và 251 trang trại chăn nuôi lợn ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh chính sách cho vay ưu đãi, tỉnh đã kêu gọi thành lập khu nông nghiệp công nghệ cao làm hạt nhân để phát triển.

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Dương cho biết, thời gian tới, tỉnh vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, từng bước xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ. Trước hết tập trung thu hút, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp có kinh nghiệm sản xuất lâu đời, các trang trại lớn, chuyên nghiệp, có quy mô lớn, có nguồn tiêu thụ ổn định chuyển đổi dần sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Thời điểm hiện tại, tỉnh Bình Dương có khoảng 189 trang trại chăn nuôi gà, vịt và 251 trang trại chăn nuôi gia súc ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Trần Trung.

Thời điểm hiện tại, tỉnh Bình Dương có khoảng 189 trang trại chăn nuôi gà, vịt và 251 trang trại chăn nuôi gia súc ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Trần Trung.

Qua đó, giúp hình thành những mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần thúc đẩy, tạo động lực, nâng cấp các mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống hiện có.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch chuyển đổi số nông nghiệp, phát triển thương mại điện tử, xây dựng nông thôn kiểu mẫu gắn liền với mô hình làng thông minh. Đây là những giải pháp quan trọng để nông nghiệp công nghệ cao tại Bình Dương phát triển căn cơ và bền vững.

“Từ năm 2008 đến nay, tỉnh Bình Dương đã xây dựng được 4 khu nông nghiệp công nghệ cao có quy mô rất lớn, cùng với việc hoạt động hiệu quả, các khu nông nghiệp công nghệ cao này còn giữ vai trò là trung tâm chuyển giao kỹ thuật, xây dựng và phát triển thị trường, giúp các trang trại và nông hộ xung quanh trở thành các vệ tinh sản xuất theo kỹ thuật và hợp đồng bao tiêu của khu theo cách mà các nước tiên tiến trên thế giới và đã làm thành công”, ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Dương cho biết.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.