| Hotline: 0983.970.780

Hồ Phú Xuân làm sống dậy đất Đồng Xuân

Thứ Hai 21/11/2022 , 08:45 (GMT+7)

PHÚ YÊN Nhờ có hồ Phú Xuân chặn dòng, sông Trà Bương ngày nay đã sống lại, nước chảy quanh năm, phục vụ nước tưới cho nhiều vùng đất khô hạn ở huyện Đồng Xuân (Phú Yên).

Sông Trà Bương chảy qua 2 xã Xuân Phước, Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên). Khi qua địa phận xã Xuân Phước, hồ Phú Xuân ngăn dòng Trà Bương tích nước. Trước đây sông Trà Bương vào mùa khô dòng sông cạn trơ đáy, chỉ chảy đứt quãng, nước không hòa nhập được vào sông Kỳ Lộ để chảy ra biển. Nay thì khác, nhờ có hồ Phú Xuân chặn dòng nên sông Trà Bương đã "sống lại", nước chảy quanh năm.

Hồ Phú Xuân "hồi sinh" dòng Trà Bương

Từ khi hồ Phú Xuân tích nước, dẫn nước theo kênh mương chảy về tưới cho ruộng đồng rồi theo mương rút đổ ra sông. Được tiếp nước, dòng sông Trà Bương chảy quanh năm, giúp nông dân tận dụng được từng mảnh đất bỏ hoang trước đây để trồng cỏ chăn nuôi bò.

Công trình hồ chứa nước Phú Xuân. Ảnh: MHN.

Công trình hồ chứa nước Phú Xuân. Ảnh: MHN.

Ông Phạm Văn Tuấn ở xã Xuân Phước dùng máy bơm nước tưới cho cỏ voi trồng ven sông tâm sự: Đây là mảnh đất do địa hình ngăn bờ chỉ còn lại góc nhỏ, gọi là “đầu thừa đuôi thẹo” để trồng cỏ nuôi bò, nhờ vậy mà chỉ cần bỏ ra 30 phút cắt cỏ chở về cho bò ăn, còn trước đây phải bỏ ra cả buổi ra ngồi nạo trên bờ ruộng mới đầy được giỏ cỏ mang về, trong khi đất ven sông khô nước bỏ hoang. Dòng sông nước chảy quanh năm thuận lợi đủ chuyện, ngoài trồng cỏ, người dân còn trồng hoa màu...

Ông Tuấn nhớ lại, hồi chưa có hồ Phú Xuân, mùa hè, dòng sông Trà Bương trơ đáy, người chăn vịt tối trải tấm bạt ra giữa sông là bãi cát nằm ngủ. Dọc theo chiều dài dòng sông chỉ có vực Bàu Sơn, vực Đồng Thành, vực Bà Chẩn nước còn đóng thành vũng. Lúc đó, muốn tưới đám bắp phun râu, đám dưa ra nụ phải vét giếng giữa dòng sông rồi khiêng máy bơm ra hút.

Thời đó, nhà giàu có mới mua nổi máy bơm F10 là dòng máy do Nhật Bản sản xuất chạy bằng động cơ diesel, nặng trên 1 tạ, khiêng ra sông bơm tưới. Mà máy F10 lúc đó “con heo dầu” (bộ phận phun nhiên liệu vào buồng đốt) được ví như trái tim của động cơ máy F, sáng khiêng ra sông hút nước bơm tưới rồi chiều lại phải khiêng về, nếu để máy ngoài sông, đêm kẻ gian tháo trộm. Bây giờ, sông lúc nào cũng có nước chảy, chiều đi lột keo (bóc vỏ gỗ keo) về, mang máy bơm loại nhỏ, chỉ xách một tay ra đặt ống dưới sông bơm tưới 5 - 10 phút là tràn bờ.

Đập hồ chứa nước Phú Xuân

Đập hồ chứa nước Phú Xuân. Ảnh: MHN.

Nước từ hồ Phú Xuân chảy theo kênh mương N2 dẫn nước tưới cánh đồng thôn Phú Xuân A, Phú Xuân B, Phước Hòa (xã Xuân Phước) và thôn Phước Nhuận, Phước Lộc (xã Xuân Quang 3). Kênh mương N1 dẫn nước từ hồ Phú Xuân về tưới cho một phần cánh đồng thôn Phú Xuân A, cánh đồng thôn Thạnh Đức.

Bà Nguyễn Thị Hương (62 tuổi) ở thôn Phú Xuân B nhớ lại: Hồi hồ Phú Xuân chưa ngăn dòng, nam nữ trong thôn lập gia đình ai cũng lo “nồi riêng”, ráng trồng trọt làm ăn. Ruộng ở quê hứng nước trời một năm sản xuất 1 vụ lúa. Mà làm ruộng hứng nước trời, khi những cơn mưa đầu mùa ập xuống, mọi người trong xóm mới có thể ra đồng be bờ hứng nước cày ải để vào vụ lúa mới.

"Nhà tôi không có bò, phải chờ người ta cày xong mới mướn bò cày, sạ muộn. Cuối vụ, ruộng xung quanh chín thu hoạch xong, ruộng nhà tôi còn xanh, bò trong xóm thả rông ăn qua ăn lại chỉ còn lỡm giữa nên lúc nào cũng bị mất mùa riêng. Sau vụ lúa, ai thuê gì tôi làm nấy kiếm tiền chạy gạo ăn từng bữa", bà Hương nhớ lại.

“Từ ngày nhà nước đầu tư xây dựng hồ chứa nước Phú Xuân, ruộng một năm sản xuất 2 vụ. Lúa không chỉ ăn dư dả mà còn có bán lấy tiền trang trải cuộc sống”, bà Hương phấn khởi.

Còn ông Nguyễn Văn Trung, người dân ở thôn Phước Nhuận (xã Xuân Quang 3) cũng nhớ lại: Hồi cánh đồng trước xóm nhà sản xuất phải phụ thuộc vào nước trời, phải chờ mưa xuống ướt đất mới đưa bò ra cày đất, Những cục đất bứng lên từng giề to bằng cái thúng, rồi bừa đất bằng bò nên không chà nát được đất, vì vậy khi bừa phải có người đi theo sau đập giề đất cục cho nhỏ ra, để khi gieo lúa, đất cục không đè hột giống lúc nảy mầm.

Cánh đồng lúa xã Xuân Quang 3, tưới nước tự chảy hồ Phú Xuân

Cánh đồng lúa xã Xuân Quang 3, tưới nước tự chảy hồ Phú Xuân. Ảnh: MHN.

Một năm gieo một vụ lúa, giống lúa dài ngày, 6 tháng mới chín đỏ đuôi. Có năm lúa trỗ đòng gặp nắng hạn, gié lúa ngắn ngủn, hột lúa lửng không no gạo, cắt 1 giạ giống (1.000m2) không được 8 bao cột túm miệng, tương đương 40 tạ/ha. Khi có hồ Phú Xuân “đứng lên làm trời” tưới nước, nông dân dùng máy cày tay rồi bừa kéo láng sạ lúa.

Từ ngày có hồ Phú Xuân tưới nước, cánh đồng lúa của xã Xuân Quang 3 luôn đổi thay. Lúc đầu mỗi khi đến vụ lúa, ruộng cày bằng máy cày tay, nông dân phải mất cả ngày cuốc bờ góc, gần đây máy cày chảo “ôm” sát bờ sát góc. Trước đây người dân xúc lúa bồ (tức là lúa thịt làm giống), nay trên cánh đồng nông dân sạ lúa giống siêu nguyên chủng, khi gié lúa cúi, chín sát cậy, hạt to bóng mẩy, cuối vụ thu hoạch đạt 70 tạ/ha. Cánh đồng đổi thay từng ngày, gần đây còn sử dụng thiết bị máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật, nông dân không phải đeo bình bơm sau lưng như trước.

Mùa đậu phộng thơ mộng bên sông

Nếu ai có dịp đi qua cầu sông Trà Bương nối thôn Phước Lộc và Thạnh Đức (xã Xuân Quang 3) trong nắng tháng 3 âm lịch, sẽ phát hiện ra khoảng thời gian này cũng đang vào mùa thu hoạch đậu phộng bên dòng sông Trà Bương. Cảnh thu hoạch đậu phộng rất thơ mộng.

Thu hoạch đậu phông ven sông Trà Bương

Thu hoạch đậu phông ven sông Trà Bương. Ảnh: MHN.

Sông Trà Bương chảy qua xã Xuân Quang 3, hai bên bờ, mùa mưa lũ phù sa bồi đắp thành những triền soi gần bờ sông, người dân quanh vùng trồng đậu phộng. Đến mùa thu hoạch, sáng, ông Phan Văn Ẩn ở đội 8 (thôn Thạnh Đức) ra soi khom lưng nhổ đậu. Nửa buổi sáng, ông ra hàng tre gần bờ sông chặt chà gai tre (ngọn tre khô) rồi chặt thêm nhánh cây táo nhơn, chà duối kéo vào chỗ đám đậu phộng. Ông Ẩn dùng rựa gọt cho gốc chà tre nhọn rồi cắm dựng đứng lên, tấp thêm vô nhánh cây táo nhơn, chà duối thành vòng tròn nhỏ hơn nong tre, phía trên túm lại.

Ông lấy tấm bạt nhỏ tủ lên thành cái chòi rồi ôm đậu phộng nhổ chất đống ngoài đám vô trong chòi ngồi lặt, tránh nắng. Gần trưa, bờ sông gió thổi mạnh, ông Ấn ngồi dậy cho chòi “đội” thêm mớ dây đậu phộng, giữ cho tấm bạt không bị gió hất tung.

Ông Ẩn cho hay để đậu phộng sai trái, ngoài bón phân, khi cuốc cỏ xới xung quanh gốc, có người sợ cuốc trúng đứt rễ nên chừa lại lớp đất cứng dẽ chặt quanh gốc, vì thế đậu phộng ít sai. Vì vậy, cuốc cỏ phải moi cho “bể nồi bể trã”, nghĩa là xới đất cho xốp sát gốc, không còn lớp đất cứng dẽ chặt quanh gốc để khi đậu phộng đâm tia có thể dễ dàng chui lọt xuống đất, sẽ ra củ sai. Đất phù sa, lại có nước tưới bơm từ sông Trà Bương lên, nông dân trồng đậu phộng giống cao sản, phân cành nhiều nên khi nhổ lên, phần củ to bằng cái chén ăn cơm. Năng suất thực thu đạt 50 tạ/ha.

Xóm làng ở huyện P

Những xóm làng ở huyện Đồng Xuân nay đã đầy sức sống nhờ có hồ Phú Xuân. Ảnh: MHN.

Bà Trần Thị Được, cũng ở đội 8 xã Xuân Quang 3 đang ngồi một mình trong chòi lặt đậu phộng chia sẻ: Trước đây trồng đậu phộng giống đậu sẻ, trồng xong khoán trắng cho trời, năm nào thuận mưa thì có nhổ, còn gặp nắng hạn đậu phộng chết ẻo, khô héo ngoài ruộng, nông dân trắng tay. Bây giờ trồng đậu phộng giống mới, lại chủ động nước bơm tưới, kháng bệnh chết ẻo nên làm năm nào chắc ăn năm đó.

Dọc triền soi, chòi đậu phộng nối dài, trong cái chòi có 2 - 3 người ngồi tránh nắng, có nhà đơn chiếc thì có một người “trụ trì” trong chòi đậu phộng. Ông Trương Văn Bắc, ở xã Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân) đứng gần cầu sông Trà Bương nhìn chòi đậu phộng, tâm sự: Tôi qua đây đúng dịp thu hoạch đậu phộng, nhìn cánh chòi ven sông, thổn thức trong lòng, tôi nhìn say sưa. Trước đây ở quê tôi cũng có cảnh này, nay không còn. Lâu lắm nhìn lại chòi đậu phộng thật là thơ mộng.

Ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết, hồ chứa nước Phú Xuân chặn dòng sông Trà Bương được khởi công vào cuối năm 1993, đến đầu năm 1997 hoàn thành đưa nước vào ruộng đồng. Hồ Phú Xuân mỗi vụ tưới cho 450ha lúa cánh đồng xã Xuân Phước và xã Xuân Quang 3, nằm dọc đôi bờ dòng sông Trà Bương. Ngoài ra còn tưới đậu phộng, bắp, bầu bí, cỏ chăn nuôi… cho người dân các xã trong huyện.

Xem thêm
Màu đỏ may mắn của giống gà Mía số 1

Trong lịch sử mảng gà lông màu tại Việt Nam, chưa khi nào gam màu xám dài đến vậy, người chăn nuôi hy vọng, thất vọng rồi hy vọng và lại thất vọng...

Chú trọng tiêm vacxin, chống buôn lậu trước mùa nguy cơ dịch bênh

Chỉ đạo hoạt động của ngành thú y, chăn nuôi thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh công tác kiểm soát dịch bệnh bằng vacxin và phòng chống buôn lậu.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.