Người miền Tây mê lũ bảo mưa nhiều nước mới cao thêm, cá sinh sôi, bông súng bông điên điển cho mùa cho tiền. Người miền Trung có lẽ ít thi vị hơn, họ luôn phải chạy lũ, khắc phục chưa xong thì đã là một đợt lũ khác, một cơn bão dậm dọa khác.
Ảnh minh họa |
Người miền Bắc nhiều háo hức nhất. Gió hanh hanh, nắng thanh thanh, trời xanh xanh. Những câu thơ của ai đó sống dậy trong lòng. Chim di trú đã về, trong tán cây yên bình. Muốn đi may một chiếc áo khoác mới, muốn sớm được trưng lên cổ một chiếc khăn kiểu quàng mới vừa học được. Muốn ngước lên với mây trời cao vút, muốn ngân nga khi cho xe lăn bánh chầm chậm trên đường, yêu quá thu ơi, yêu quá cuộc đời này.
Người miền Nam gắn tháng ngâu với mùa Vu lan, sau này người Bắc rộ theo. Lót ở phần chìm là tháng cô hồn, làm ăn trễ nải, người ta thấm cái lẽ mất trong mùa rả rích này bằng thuyết cô hồn dân gian. Cõi âm như chìm xuống, dưới mưa và bùn, những linh hồn vất vưởng bám víu vào đâu. Mưa dầm rất đáng là dịp cúng, kinh nghiệm sống đã khiến nhiều đời người ta tin rằng có cõi âm, có linh hồn thong dong siêu thoát nhưng cũng có quỷ ma, y như cõi trần, người khôn và kẻ ác. Vậy là sì sụp sau rằm, lâu ngày thành phong tục, thành tâm linh, thành văn hóa.
Tôi thích những ngôi chùa trong Nam ẩn mình, vắng vẻ, thanh tịnh. Mấy chục năm nay nhiều chùa to đã lòe loẹt lên quá thể. Nhưng dù sao tập tục chùa ở trong Nam còn khiến người ta tìm thấy bình an. Chùa ở Bắc đa phần đã bị biến thành nơi người ta tấp nập cầu xin mọi thứ. Không ít người vừa cắp túi hoặc cắp mũ vào nách vừa đứng van vái khắp nơi và chuyện giắt tiền vào tay tượng chắc chỉ riêng miền Bắc. Còn nhớ ở Thiền viện Yên Tử những năm mới khánh thành, các thầy, các tăng ni phải thay nhau làm nhiệm vụ như là bảo vệ ở những nơi trọng yếu: nhắc khách thập phương bỏ dép bỏ mũ bỏ hành lý ra, nhắc đi chậm, nhắc im lặng, nhắc cúng dường trang nghiêm, dĩ nhiên đã phải nghiêm giọng với những ai toan giắt tiền lẻ vào tay tượng.
Miền Nam như đã nói, thời gian dài, phật pháp nguyên sơ, không biến tướng. Có người ở Bắc vào ca thán sao chùa chiền không rêu phong, chùa có vẻ lai căng kiến trúc. Người hỏi chứng tỏ kiến văn chưa đủ rộng. Xin thưa, khí hậu ở trong này không ẩm không nồm, rêu không phát sinh. Xin thưa kiến trúc không thuần gốc vì người Hoa trong khi tị nạn nhà Thanh đã dạt sang đây, họ định hình ở Gia Định, Đồng Nai, Hà Tiên… trước khi nhà Nguyễn đến. Chùa chiền giao thoa, cũng như văn hóa ẩm thực đã giao thoa làm nên vùng đất cởi mở, sôi động.
Mùa Vu lan nổi bật lên trong những ngày sùi sụt gió mưa cô hồn cát đảng. Có lẽ những ngày bời bời này là để người ta quay vào với nhà cửa, người thân, còn và mất của mình nên mùa Vu lan đã ra đời. Rồi một vở cải lương ra đời, Bông hồng cài áo. Bối cảnh gió mưa, vô rạp xem cải lương hoặc kịch nói thì còn gì bằng. Vở diễn nói về sự bất an của con người dẫn đến bất an của xã hội khi con người bất nhân, bất hiếu. Ai còn mẹ, bông hồng đỏ, ai mất mẹ bông hồng trắng, nhưng ai còn mẹ mà như mất, ví như mẹ đi trại tâm thần thì cài bông màu gì lên ngực áo? Một câu hỏi như một tiếng thét, xót xa, vang động, trong tiếng mưa ràn rạt quất vào tâm can người đời?
Lâu rồi, vở diễn đã đi vào máu thịt công chúng. Trước khi thống nhất đất nước, người ta đã thực hành nghi lễ Vu lan trong các chùa bằng hình thức chọn hoa cho mình để cài lên áo trước khi cầu siêu, làm chay và xúm xít quanh cỗ chay. Ai cầm lên bông hồng trắng cũng kèm theo tiếng thở dài. Người cầm lên bông hồng đỏ, tươi cười với chung quanh, ta còn mẹ, mẹ còn nán lại cùng ta ở trên đời. Nhìn vào ngực áo nhau, chạm tay vào nhau, chia sẻ buồn hoặc vui, lặng lẽ và thấm thía.
Còn được biết những cánh hồng bằng mút xốp ấy chùa nhận mua từ các em khuyết tật ở trại, có em khiếm thính và cả những em khiếm thị. Thông tin ấy như tiếp thêm sức nặng tâm tư, cho ta muốn nâng những cánh hoa rất xinh ấy trên tay và tự hỏi, hoa từ người mù và người câm điếc ư, các em có còn mẹ không? Đem hoa về, đặt trên bàn viết, để nhắc mẹ ta không còn nhưng con gái mình đang vui vì ta còn, ta vẫn còn nguyên đây sứ mệnh và tư cách cần phải mang vác đến ngày cuối cùng của cuộc đời. Nụ hồng quá đẹp, từ những bàn tay với ta như là vô hình nhưng đượm màu ưu tư phàm trần.
Chùa không phô phang, buổi lễ gọn gàng. Nhớ mãi nét cười của con gái khi nó với lấy một nụ hồng màu đỏ thắm, kính cẩn cài lên ngực áo.