| Hotline: 0983.970.780

Khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai tại miền Trung

Thứ Ba 23/01/2018 , 08:42 (GMT+7)

Trước thực tế trên, WB đã quan tâm dành 118 triệu USD vốn IDA hỗ trợ các tỉnh: Bình Định 52 triệu USD, Phú Yên 16 triệu USD, Quảng Ngãi 16 triệu USD...

13-45-37_1
Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, phát biểu tại hổi thảo

Sáng 22/1, tại TP Quy Nhơn (Bình Định), Dự án khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai một số tỉnh miền Trung được khởi động với sự góp mặt của đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (Jica) tại Việt Nam cùng lãnh đạo các tỉnh tham gia dự án, gồm: Bình Định, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Phú Yên và Ninh Thuận.
 

Quan tâm vùng “rốn” thiên tai

Theo đánh giá của chuyên gia thế giới, Việt Nam là một trong những nước có nguy cơ rất cao đối với các hiểm họa liên quan đến khí hậu như lũ lụt, hạn hán. Hàng năm, thiên tai ở Việt Nam đã gây tổn thất đến 1,5% GDP của quốc gia. Đơn cử, sự tăng trưởng GDP trong quí I năm 2015 là 6,5%, bước sang quí I năm 2016 giảm sút chỉ còn 5,5%, nguyên nhân do hạn hán liên tiếp xảy ra. Đặc biệt, Việt Nam có thể tổn thất GDP đến 4% trong trường hợp bị thiên tai nghiêm trọng.

Trong khi đó, ở Việt Nam, miền Trung được xem là cái “rốn” của thiên tai, trong đó các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Ninh Thuận là những địa phương thường xuyên bị thiên tai. Đơn cử ở Bình Định, vào cuối năm 2016, 5 đợt lũ xảy ra liên tiếp từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 12 đã vùi dập vùng đất này gây thiệt hại ước tính lên đến 2.200 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại nặng nề nhất là về giao thông và thủy lợi với 240km đường bị hư hỏng, sạt lở; 113 cống tiêu và 57 chiếc cầu bị sập, hư hỏng, 310 điểm bị sạt lở nặng, gây ách tắc giao thông; 86km đê, kè bị sạt lở nặng, 285km kênh mương bị sạt lở, bồi lấp; 227 đập tạm, đập dâng nhỏ bị hư hỏng; 32km bờ sông bị sạt lở…

Trước thực tế trên, WB đã quan tâm dành 118 triệu USD vốn IDA hỗ trợ các tỉnh: Bình Định 52 triệu USD, Phú Yên 16 triệu USD, Quảng Ngãi 16 triệu USD, Ninh Thuận 16 triệu USD và Hà Tĩnh 18 triệu USD để khắc phục dài hạn hậu quả thiên tai, thông qua việc tái thiết các công trình hạ tầng ưu tiên và tăng cường năng lực để phản ứng hiệu quả đối với các vấn đề thiên tai trong tương lai.

13-45-37_2
Ông Akim Fock, đại diện WB, phát biểu tại hội thảo

Ngoài ra, Quỹ giảm nhẹ và khắc phục hậu quả thiên tai toàn cầu (GFDRR) còn viện trợ không hoàn lại 2 triệu USD để Bộ NN-PTNT thực hiện hợp phần 2 của dự án với mục tiêu tăng cường hơn nữa năng lực thể chế của Chính phủ và các địa phương trong việc ứng phó linh hoạt hơn với các vấn đề về thiên tai.
 

Nâng cao năng lực đối phó thiên tai

Dự án khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai tại một số tỉnh miền Trung được Thủ tướng Chính phủ đồng ý đề xuất gói hỗ trợ, đến nay, Hiệp định Tín dụng giữa Hiệp hội Phát triển Quốc tế (WB) và Chính phủ Việt Nam đã chính thức có hiệu lực từ ngày 20/12/2017. Dự án được triển khai từ năm 2017-2021 tại Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Ninh Thuận với tổng mức đầu tư 118 triệu USD để xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông thủy lợi, nâng cao nhận thức cộng đồng trong ứng phó khắc phục thiên tai.

Theo ông Akim Fock, đại diện WB, 5 tỉnh tham gia dự án này là những tỉnh thuộc khu vực miền Trung bị thiệt hại nặng nề nhất do lũ lụt gây ra trong năm 2016. Thông qua dự án này, các địa phương nói trên sẽ được tiếp cận những cách mới hơn để có khả năng thích ứng tốt hơn với thiên tai trong thời gian tới. “Chúng tôi tin rằng 5,1 triệu người của các tỉnh tham gia dự án sẽ được hưởng lợi từ những hoạt động của dự án như: Nâng cao năng lực, xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao khả năng thích ứng của người dân đối với thiên tai”, ông Akim Fock nói.

Ông Nguyễn Huy Dũng, chuyên gia cấp cao, Chủ nhiệm Dự án đại diện cho WB, cho rằng quản lý rủi ro thiên tai là một bộ phận không thể tách rời của việc bảo đảm kinh tế và phúc lợi xã hội. Ông Dũng nêu ý kiến: “Việt Nam cần tiến hành đánh giá các thách thức thực hiện và điều phối đa ngành đặc biệt liên quan đến hạn, mặn; cần nâng cao vị thế cho Ban chỉ đạo TW về PCTT để hỗ trợ và cung cấp các dịch vụ tư vấn về quản lý rủi ro thiên tai”.

13-45-37_3
Bộ đội giúp dân chống chọi với lũ xảy ra tại Bình Định vào năm 2016
“Thực hiện dự án khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai tại miền Trung là điều thuận lợi để các tỉnh tham gia dự án nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai, tái thiết cơ sở hạ tầng đã bị mưa lũ làm hư hỏng, phục vụ đời sống, sản xuất của người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển”, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.

 

Xem thêm
Người Mông trung thành với lợn đen

YÊN BÁI Đồng bào Mông ở Yên Bái tập trung phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa quy mô hàng hóa, phù hợp với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt lại giúp nâng cao thu nhập.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Trang trại nho trĩu quả bên dòng Sê San

Vài năm nay, huyện Ia Grai không chỉ nổi tiếng bởi có dòng Sê San, là vựa cà phê lớn nhất tỉnh Gia Lai mà còn nổi lên với những vườn nho trĩu quả.

Bình luận mới nhất