| Hotline: 0983.970.780

Khai thác vàng, được ít mất nhiều

Thứ Sáu 23/01/2015 , 06:25 (GMT+7)

Qua 6 năm khai thác tại mỏ vàng lớn nhất Đà Nẵng, không ai biết chính xác Cty Trường Sơn thu được bao nhiêu kg vàng thành phẩm, bởi cơ quan chức năng không thể quản lý nổi. 

Duy chỉ có điều ai cũng nhận thấy, đó là môi trường sinh thái rừng và tài nguyên lâm sản bị tàn phá hết sức nghiêm trọng...

Sau khi UBND TP. Đà Nẵng ban hành Quyết định số 444/QĐ- UBND ngày 16/1/2014: Chấm dứt hiệu lực Giấy phép khai thác khoáng sản tại mỏ vàng Khe Đương (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) đối với Công ty TNHH MTV Trường Sơn (Cty Trường Sơn), do DN này không thực hiện đúng các nội dung đã cam kết, Sở TN- MT có báo cáo số 360/BC- STNMT ngày 7/5/2014, đề xuất cho phép DN khác thay thế.

Sau đó ngày 29/5/2014, UBND TP có công văn đồng ý chủ trương cho phép Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Bông Sen Vàng (Cty Bông Sen Vàng), được lập thủ tục thăm dò, khai thác vàng tại Khe Đương. Từ đó đến nay, DN này đã tiến hành khảo sát thăm dò và đang lập thủ tục trình UBND TP Đà Nẵng cấp giấy phép.

Trước thực sự việc này, không ít người lo ngại việc khai thác vàng giữa rừng nguyên sinh, lợi bất cập hại.

Bài học đắt giá

Khi được UBND TP Đà Nẵng cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 2441/GP- UBND ngày 21/3/2008, Cty Trường Sơn đã biến nhiều ha rừng nguyên sinh, khu vực có mật độ cây gỗ lớn dày đặc thành nhà cửa, kho tàng, khu vực chế biến vàng và bãi thải...

Tiếp đó, DN này huy động hàng trăm nhân lực cùng nhiều máy móc, trang thiết bị, tiến hành khai thác vàng rầm rộ.  Qua 6 năm khai thác tại mỏ vàng lớn nhất ở Đà Nẵng, không ai biết chính xác Cty Trường Sơn thu được bao nhiêu kg vàng thành phẩm, bởi cơ quan chức năng không thể quản lý nổi.

Duy chỉ có điều ai cũng nhận thấy đó là môi trường sinh thái rừng và tài nguyên lâm sản bị tàn phá hết sức nghiêm trọng.

Qua thăm dò khảo sát, chỉ riêng khu vực 22 ha mà Cty Trường Sơn được phép khai thác, đã có trữ lượng 306kg vàng thành phẩm, công suất khai thác 60kg vàng/năm. Thế nhưng 6 năm khai thác, DN này liên tục kêu thua lỗ nên TP Đà Nẵng không được hưởng tỷ lệ % vàng ăn chia theo thỏa thuận ban đầu.

Thêm vào đó, tài nguyên lâm sản trên khu vực rộng lớn bị tàn phá hết sức nặng nề. Rừng nguyên sinh khu vực Khe Đương bị phá sạch, không còn một cây rừng gỗ lớn nào.

Ông Phạm Tấn Dũng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc bức xúc trước cảnh rừng bị tàn phá: "Tôi biết rất rõ khu này, trước đây rừng hai bên đường vào Khe Đương rất nhiều cây gỗ to, thế mà nay chỉ còn những cây cỡ cột nhà. Không biết, Cty Trường Sơn đóng góp cho thành phố mấy chục kg vàng, chứ thấy rừng bị tàn phá tan hoang trên diện rộng như vậy đau lòng lắm!".

Đường ô tô mở vào giữa rừng nguyên sinh là nguyên nhân của mọi nguyên nhân gây nên tình trạng phá rừng khó kiểm soát. Từ năm 2008 đến 2014, hầu như năm nào, Kiểm lâm Hòa Vang cũng phát hiện tịch thu nhiều vụ gỗ lậu, do lâm tặc khai thác trái phép tại đây. Đó là chưa kể môi trường sinh thái rừng bị tàn phá nặng nề.

Bây giờ đến Khe Đương, cảnh tượng đất đá nham nhở khắp nơi, nhiều diện tích tại khu vực khai thác vàng không còn bóng cây. Một số con suối gần đó bị bồi lấp, sông suối trên địa bàn bị đầu độc bởi hóa chất Cyanua dùng đãi vàng.

Hầu hết cán bộ kiểm lâm và nhân dân địa phương cho rằng, khai thác vàng tại Khe Đương là vấn đề quan trọng, cần có ý kiến phản biện của các cơ quan chuyên môn và các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực. Hơn nữa, vấn đề quan trọng này cần có sự bàn bạc thảo luận và quyết định của HĐND TP Đà Nẵng.

Cái được duy nhất sau nhiều năm cho Cty Trường Sơn khai thác vàng tại Khe Đương là ngân sách Đà Nẵng tăng thêm được hơn nửa tỷ đồng, do DN này nộp các loại phí và thuế. Cụ thể, năm 2012 nộp 292.066.372đ, năm 2013 nộp 255.112.302 đ (số liệu từ Cục Thuế Đà Nẵng).

Được ít mất nhiều

Khi biết TP Đà Nẵng cho phép Cty Bông Sen Vàng tiếp tục khảo sát, thăm dò và tiến tới khai thác vàng tại Khe Đương (thay cho Cty Trường Sơn), hầu hết cán bộ nhân viên kiểm lâm, lãnh đạo và nhân dân xã Hòa Bắc không đồng tình với chủ trương này.

Ai nấy đều cho rằng, cho phép DN khai thác vàng giữa rừng nguyên sinh, được ít mất nhiều. Không khai thác vàng thì tài nguyên vàng còn, rừng còn, và ngược lại sẽ mất sạch.

Gắn bó với rừng lâu năm, ông Phạm Trí, Trạm trưởng Kiểm lâm Hòa Bắc bức xúc: "Cho DN tiếp tục khai vàng tại đó, đường ô tô từ Giàn Bí vào Khe Đương thông suốt, lâm tặc và không loại trừ cả lực lượng khai thác vàng sẽ gia tăng phá rừng theo kiểu mượn gió bẻ măng.

Gỗ khu vực này rất nhiều. Việc chặt hạ, xẻ thành phách không khó. Cái khó nhất là vận chuyển về xuôi tiêu thụ thì đã có ô tô. Rồi, quản lý lượng vàng thu được cũng sẽ mù tịt như 6 năm qua. Ngay người trong cuộc cũng không nắm rõ lượng vàng khai thác được bao nhiêu, huống chi là cơ quan chức năng?

Kết cục là, DN này sẽ lặp lại y như DN trước, tức là chỉ nộp tiền thuế vào ngân sách với mức khiêm tốn, chúng ta sẽ thiệt đơn thiệt kép".

Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, Hồ Tăng Phúc lo ngại: "Không chỉ rừng bị tàn phá mà hậu quả từ đãi vàng đối với nguồn nước sẽ vô cùng nghiêm trọng. Khai thác rầm rộ, ắt phải sử dụng lượng lớn Cyanua để đãi vàng và như vậy loại hóa chất độc hại này sẽ đầu độc các sông suối.

Tương lai không xa, Nhà máy nước Hòa Liên xây dựng, nước nguồn lấy từ sông Cu Đê. Cho phép DN khai thác vàng ở Khe Đương, người dân ở Đà Nẵng sẽ phải sử dụng nước nhiễm Cyanua từ con sông này".

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.