Thống kê của đoàn liên ngành tỉnh Gia Lai vào năm 2019, trên lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa, thuộc địa giới hành chính xã Krong, huyện Kbang có khoảng 410 cây gỗ giáng hương (nhóm I) phân bố tại 27 khoảnh, thuộc 7 tiểu khu. Đây là rừng giáng hương cổ thụ hàng trăm năm tuổi, được ví như kho báu hiếm hoi giữa đại ngàn Tây Nguyên hùng vỹ.
Theo ông Hồ Ngọc Thọ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa: “Tất cả các cây giáng hương trong lâm phần đều mọc tự nhiên. Qua rà soát năm 2019 của đoàn liên ngành tỉnh Gia Lai, hơn 400 cây hương đều có đường kính từ 35cm đến hơn 1,4m. Tuổi thọ nhiều cây được xác định đến vài trăm năm tuổi.
Số lượng cây giáng hương phân bố rải rác trên các dãy núi ở 7 tiểu khu gồm 82, 83, 87, 89, 90, 93, 94. Nơi cây hương mọc tập trung nhiều nhất là ở làng Vir với khoảng 250 cây và làng H’ro có khoảng 40 cây. Sự tồn tại của quần thể hương lớn nhất tỉnh Gia Lai này chứa đựng nhiều ý nghĩa trong việc bảo tồn gen và gìn giữ quần thể rừng phong phú, đa dạng.
Chúng tôi đã có dịp cùng những nhân viên bảo vệ rừng, đi đến rừng hương trăm tuổi nằm trong rừng sâu của xã Krong. Anh Nguyễn Văn Chim (Đội trưởng Đội quản lý, bảo vệ rừng, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa) cho biết, cây hương thường mọc ở dọc sườn núi. Mùa này, các loại cây rừng đều tươi tốt, lá xanh, riêng cây hương thì lại bị rụng hết lá, người không biết lại tưởng cây bị chết khô. Bởi vậy, thấy cây nào bị trọc, rụng hết lá thì là cây giáng hương.
Nằm cách làng Vir khoảng 2km đường rừng là chốt Quản lý bảo vệ rừng Tơ Nang. Chốt đang quản lý, bảo vệ 1.512ha rừng tự nhiên, trong đó có khoảng 256 cây hương. Vì mật độ cây hương lớn nên công ty đã phân công 4 nhân viên bảo vệ rừng, phối hợp cùng khoảng chục người dân trong tổ giao khoán thay nhau đi tuần tra, bảo vệ.
“Cây hương được xếp vào nhóm I. Đặc biệt, hương Kbang lại có đường kính khổng lồ, có mùi thơm nhẹ, vân đẹp. Nếu tính về giá trị thị trường, một cây hương này cũng lên đến vài tỷ đồng. Theo đó, rừng hương Kbang là độc nhất ở tỉnh Gia Lai và hiếm hoi trên cả nước, có giá thị trường gần ngàn tỷ đồng”, anh Chim cho biết.
Anh Chim đã có thâm niên trên 15 năm gắn bó với rừng hương quý này, anh hiểu rõ những thủ đoạn hết sức tinh vi cũng như sự liều lĩnh của “lâm tặc”. Vì giá trị của những gốc hương tính bằng tiền tỷ nên các đối tượng luôn nhòm ngó để cưa hạ. Bọn chúng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi như đổ thuốc bức tử cây hương, sau đó dùng cưa hiện đại để xẻ thịt, chặt cành nhánh…
Anh Dương Tuấn Anh, Chốt trưởng chốt Tơ Nang cho biết: “Cây gỗ hương đang được ưa chuộng trên thị trường nên kẻ xấu luôn rình rập, hễ có cơ hội là chúng cắt hạ trái phép. Trước năm 2021, liên tục nhiều cây hương đã bị đốn hạ, một số cây bị đổ thuốc độc cho chết dần. Trước tình trạng này, công ty đã phối hợp cùng công an và cơ quan chức năng vào cuộc nhằm tìm ra đối tượng thực hiện. Nhờ vậy, tình trạng xâm hại rừng hương đã giảm nhiều”.
Theo anh Tuấn Anh, để bảo vệ cánh rừng được bình yên, những nhân viên bảo vệ rừng đã dựng các lán tạm bợ để tá túc. Khu vực này đều nằm sâu trong cánh rừng già, nhiều nơi không có sóng điện thoại, thức ăn chủ yếu là cá khô, cá bắt dưới suối hoặc rau rừng, mì tôm tích trữ... Anh em thường thay nhau về thăm nhà, tranh thủ cõng gạo vào nấu cơm.
Để những cánh rừng giáng hương trăm năm tuổi ở huyện Kbang mãi xanh, vươn mình trên đại ngàn là có công không nhỏ của lực lượng bảo vệ rừng. Dù gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm và những giấc ngủ không trọn vẹn nhưng các anh vẫn căng mình bảo vệ cánh rừng hương đại thụ cho thế hệ mai sau.
Ông Trương Thanh Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Gia Lai cho biết, để tăng cường công tác tuần tra, truy quét lâm tặc, Huyện ủy Kbang đã thành lập các đoàn tuyên truyền, đến tận các thôn làng có người tham gia khai thác, vận chuyển gỗ trái phép để tuyên truyền, vận động bà con chung tay gìn giữ rừng hương quý này.