| Hotline: 0983.970.780

Khô khát vùng biên

Thứ Sáu 25/03/2011 , 09:26 (GMT+7)

Hơn hai tháng nay, trên 200 hộ dân ở thôn Đức Hưng (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, Gia Lai) thiếu nước sinh hoạt trầm trọng khi con suối lớn nhất trong vùng chỉ còn... đá và cát.

Hơn hai tháng nay, trên 200 hộ dân ở thôn Đức Hưng (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, Gia Lai) thiếu nước sinh hoạt trầm trọng khi mà con suối lớn nhất và duy nhất trong vùng- cũng là nguồn cung cấp nước sinh hoạt chính cho bà con nơi đây chỉ còn… đá và cát.

Năm 1997, 205 hộ gia đình từ tỉnh Hưng Yên vào xã biên giới Ia Nan thuộc huyện Đức Cơ (giáp với nước bạn Campuchia) lập nghiệp, lập nên một thôn mới mang tên Đức Hưng. Là vùng đất cằn cỗi, luôn thiếu nước tưới nên ngay từ đầu, chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng đã hướng dẫn bà con trồng các loại cây chịu hạn tốt như sắn và điều. Nhờ chăm chỉ làm ăn nên đến nay, trong thôn hầu như không còn hộ nghèo, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu, trong đó không ít hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên cũng ngần ấy năm, cứ đến mùa khô là người dân ở đây lại phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt, mà khó khăn nhất là mùa khô năm nay.

Thôn Đức Hưng có suối Ia Nan chảy qua. Đây là con suối lớn nhất vùng, cũng là nguồn cung cấp nước tưới và nước sinh hoạt cho cả xã Ia Nan. Tuy nhiên hiện tại, con suối này hầu như đã cạn kiệt. Thi thoảng còn lại một vài vũng nước nhỏ với đầy lá mục và lăng quăng. Từ hơn hai tháng nay, sáng nào cũng vậy, trước khi đi làm, ông Nguyễn Văn Ánh lại ra suối Ia Nan bơm nước về dùng cho cả nhà. Ông nói: “Vẫn biết là nước bẩn, không đảm bảo vệ sinh nhưng không còn cách nào khác, gia đình tôi vẫn phải dùng thôi vì không có điều kiện mua nước đóng bình về uống như nhiều nhà khác”. Những gia đình khác có điều kiện- như ông Ánh nói thì đánh xe công nông đi xa vài cây số, tìm nguồn nước sạch hơn chở về dùng. Tuy nhiên do là xã vùng biên, đường sá đi lại không mấy thuận tiện nên không phải lúc nào cũng có thể vận chuyển nước đóng bình đủ đáp ứng cho các hộ dân.

Không thể ngồi chờ sự ưu ái của thiên nhiên nên thời gian qua, Trung tâm Nước Sinh hoạt- Vệ sinh Môi trường nông thôn tỉnh Gia Lai đã tự bỏ kinh phí trên 100 triệu đồng, tiến hành khảo sát và khoan 2 giếng tại lòng suối Ia Nan nhưng vẫn không có nước. Ông Bùi Văn Tam- Giám đốc Trung tâm, cho biết: Không riêng gì xã Ia Nan mà nhiều địa phương khác trong tỉnh như huyện Chư Sê, Krông Pa, Kông Chro… cũng đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, nguồn nước ngầm ở những vùng này đang giảm đáng kể.

Thiếu nước sinh hoạt, người dân thôn Đức Hưng phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm nên thời gian qua trong thôn đã xuất hiện nhiều loại bệnh như mắt đỏ, mẩn ngứa, ho… Trưởng thôn Đức Hưng- ông Vũ Văn Cảnh, cho biết: Mới đây, hơn 80% hộ gia đình trong thôn đã bị các loại dịch mẩn ngứa, mắt đỏ hoặc ho tấn công. “Mong muốn lớn nhất của bà con bây giờ là có nước sạch để dùng”- ông nói.

Không những thiếu nước sinh hoạt mà nắng hạn kéo dài đã làm nhiều vườn tiêu của thôn Đức Hưng bị chết do thiếu nước tưới. Tại các vườn điều- cây trồng chính của bà con trong thôn vừa kết trái cũng bị khô héo. Cây và người của thôn Đức Hưng đang quay quắt vì khô hạn.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Điện Biên đưa cửa khẩu thành mũi nhọn phát triển kinh tế

Mường Nhé bây giờ vẫn là một trong những huyện nghèo, chậm phát triển bậc nhất trong cả nước, nhưng người Mường Nhé không thể chấp nhận điều ấy trong 10, 20 năm nữa.