| Hotline: 0983.970.780

Khổ vì thiếu vốn

Thứ Năm 07/10/2010 , 10:09 (GMT+7)

Sông Ba Lai là một phân lưu trực tiếp của sông Tiền, tiếp giáp với sông Tiền ở địa phận xã Phú Túc (chuyện Châu Thành, Bến Tre).

Sông Ba Lai bị lợ hóa, nghề bán nước ngọt vẫn thịnh hành

Sông Ba Lai là một phân lưu trực tiếp của sông Tiền, tiếp giáp với sông Tiền ở địa phận xã Phú Túc (chuyện Châu Thành, Bến Tre).

>> Hệ lụy Ba Lai
>> Hồ ngọt thành hồ lợ

Ngày xưa, sông sâu và rộng. Nhưng từ đầu thế kỷ 20, phần thượng nguồn sông Ba Lai bị phù sa từ sông Tiền tràn xuống bồi lắng ngày càng nhiều, khiến cho đáy sông ở đầu nguồn ngày càng bị nâng lên và bề rộng thì có phần hẹp lại. Đặc biệt, việc bồi lắng đã khiến cho thượng nguồn sông Ba Lai gần như đã bị tách hẳn ra khỏi sông Tiền.

 Bởi vậy, giờ đây, sông Bai Lai chủ yếu sống nhờ vào nguồn nước từ sông Mỹ Tho chảy qua sông An Hóa. Mà như đã nói ở bài trước, nước từ sông Mỹ Tho chảy qua sông An Hóa để vào sông Ba Lai, không chỉ làm tăng độ mặn trên sông Ba Lai (khi triều lên) mà còn gây sạt lở nặng nề hai bờ sông An Hóa (khi triều xuống). Vả lại nguồn nước lấy qua sông An Hóa này thường không đủ để cống Ba Lai tiến hành xả nước nhiều hơn xuống cửa sông, thậm chí có những thời gian nhiều tháng liền cống không xả nước. Điều đó đã làm cho quá trình bồi lắng ở cửa sông Ba Lai đang diễn biến khá nhanh chóng.

Chính vì thế, việc nạo vét đầu nguồn sông Ba Lai và xây dựng 2 cống tiếp nước sông Tiền ở Tân Phú và Bến Rớ là rất cần thiết, và lẽ ra phải đuộc tiến hành xây dựng từ lâu, ít nhất cũng phải ngay sau khi xây dựng cống đập Ba Lai.

 Thế nhưng, do thiếu vốn đầu tư, nên mãi tới tháng 2 năm 2009, việc nạo vét đầu nguồn sông Ba Lai mới bắt đầu được tiến hành. Dự án nạo vét này có tổng chiều dài 25 km với tổng kinh phí trên 163 tỷ đồng. Khi nạo vét hoàn thành, phần thượng nguồn sông Bai Lai sẽ được khơi thông trở lại, đưa nước ngọt về phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho khoảng gần 1 triệu người dân ở các huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Ba Tri, Bình Đại và thành phố Bến Tre. Bên cạnh đó, dòng nước ngọt từ thượng nguồn đưa về còn có tác dụng hạn chế nước mặn xâm nhập ở vùng hạ lưu (từ ngã tư sống Ba Lai – sông An Hóa đến cống Ba Lai, góp phần “chỉnh” lại dòng chảy của nước triều rút từ sông Ba Lai qua sông An Hóa để giảm bớt khả năng làm xói mòn bờ sông An Hóa của dòng triều rút này.

Theo kế hoạch, dự án nạo vét thượng nguồn sông Ba Lai sẽ được kéo dài trong vòng 9 tháng. Tuy nhiên, từ lúc khởi công đến giờ, đã 19 tháng trời, công việc nạo vét vẫn còn dở dang. Theo ông Lê Phong Hải, GĐ Sở NN- PTNT Bến Tre, nguyên nhân chính của sự chậm trễ này là do công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Dự kiến trong tháng 10 này, các cơ quan chức năng ở Bến Tre mới giải phóng xong chỗ mặt bằng còn lại để bàn giao cho các nhà thầu tiếp tục thi công.

Thiếu vốn cũng đang là nguyên nhân khiến cho nhiều hạng mục quan trọng khác gần như chưa “nhúc nhích” được chút nào, nhất là 2 cống âu thuyền trên sông An Hóa và sông Bến Tre. 2 con sông này nằm trong hệ thống giao thông thủy quốc gia, tàu, ghe qua lại nhiều, do đó để vừa đảm bảo ngăn nước triều từ sông Mỹ Tho và sông Hàm Luông đổ qua 2 sông này để vào sông Ba Lai, vừa không ảnh hưởng tới giao thông thủy, vốn đầu tư xây dựng 2 cống âu thuyền sẽ rất lớn, lên tới khoảng trên 4.000 tỷ đồng.

 Chính vì thế, chưa biết đến bao giờ, 2 cống này mới được khởi công xây dựng. Cũng do không đủ vốn để làm đồng bộ mọi hạng mục ngay từ đầu, nên vốn đầu tư cho toàn bộ hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre đã bị đội lên nhiều. Theo dự án khả thi phê duyệt trước đây, tổng vốn cho hệ thống này vào khoảng 5.600 tỷ đồng, giờ đã lên tới 6.800 tỷ đồng.

Nếu chờ đợi cho đến khi hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre được hoàn chỉnh, khép kín thì còn khá lâu. Bởi vậy, theo nhiều nhà khoa học, bên cạnh việc tiếp tục đầu tư xây dựng những hạng mục trọng điểm, cần ưu tiên khắc phục những sự cố do việc ngăn đập Ba Lai gây ra. Trước hết, đó là việc kè 2 bên bờ sông An Hóa. Theo PGS.TS Nguyễn Thế Biên (Viện Kỹ thuật Biển), đến nay, bên bờ phía xã An Hóa (huyện Châu Thành), đã xây được 815 m kè, các đơn vị thi công đang tiếp tục triển khai xây dựng 500 m nữa. Với tốc độ xói lở bờ sông An Hóa như hiện nay, tiến độ xây dựng như trên còn chậm. Vì thế, cần phải tiếp tục đẩy mạnh xây dựng kè bờ sông An Hóa.

Để khắc phục tình trạng bồi lắng đang diễn ra khá nhanh ở cửa sông Ba Lai, PGS.TS Nguyễn Thế Biên cho rằng cần phải tính toán lại quy trình xả nước qua cống Ba Lai một cách hợp lý hơn. Đồng thời, có thể xây dựng kè để chắn bùn cát từ cửa sông Mỹ Tho chảy xuống và từ cửa sông Hàm Luông chảy lên.

Riêng trường hợp vườn chim Vàm Hồ, hiện nay, chính quyền địa phương đã cho đào thí điểm một số đường mương để nước lưu thông. Theo đó, ở một số địa điểm trong vườn chim, cứ cách khoảng 20 m, người ta lại đào một đường mương rộng từ 3-5 m. Kết quả cho thấy, ở nơi nào làm thí điểm như trên, các loài chim tụ về nhiều, trong đó, nhiều loại chim đã bắt đầu quên dần với hệ sinh thái nước ngọt. Bởi thế, đây cũng đang được coi là một giải pháp hay để cứu vườn chim Vàm Hồ.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mỗi hợp tác xã cần có thương hiệu

TRÀ VINH Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng thương hiệu cho HTX. Làm sao mỗi nhà các thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để họ yêu quý, chăm chút cho HTX.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Điện Biên đưa cửa khẩu thành mũi nhọn phát triển kinh tế

Mường Nhé bây giờ vẫn là một trong những huyện nghèo, chậm phát triển bậc nhất trong cả nước, nhưng người Mường Nhé không thể chấp nhận điều ấy trong 10, 20 năm nữa.