Loại hình đất không có trong Luật đất đai
Theo thống kê của UBND tỉnh Khánh Hòa, có 08 dự án trên tỉnh này chưa điều chỉnh loại hình “đất ở không hình thành đơn vị ở”.
Về việc này, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản nêu rõ: “Nhằm sớm khắc phục theo yêu cầu của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, UBND tỉnh sẽ thực hiện xử lý đối với loại hình "đất ở không hình thành đơn vị ở" tại các dự án.
Do đó, tỉnh đề nghị các chủ đầu tư dự án phối hợp, khẩn trương liên hệ với sở chuyên môn của tỉnh để thực hiện thủ tục điều chỉnh và loại bỏ hình thức "đất ở không hình thành đơn vị ở" được thể hiện tại các văn bản pháp lý của dự án (về đầu tư, đất đai, quy hoạch, xây dựng).
Tỉnh đề nghị các nhà đầu tư đồng thời gởi phản hồi và các đề xuất kiến nghị (nếu có) về UBND tỉnh trước ngày 10/3.
Văn bản do Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Lê Hữu Hoàng ký, ghi rõ thời hạn: Trường hợp sau ngày 10/3, nếu chủ đầu tư dự án không chủ động thực hiện, không có văn bản phản hồi gửi về UBND tỉnh, UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ giao các cơ quan chuyên môn chủ động tham mưu xử lý đối với nội dung "đất ở không hình thành đơn vị ở" tại dự án theo đúng quy định pháp luật.
Đây là bước tiếp theo của việc Kiểm toán Nhà nước hồi năm 2017 kết luận UBND tỉnh Khánh Hòa giao đất không phù hợp pháp luật.
Khi đó, Kiểm toán Nhà nước cho biết: “UBND tỉnh Khánh Hòa thực hiện giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất thương mại, dịch vụ sang mục đích 'đất ở không hình thành đơn vị ở' là chưa phù hợp với điều 10 của Luật đất đai, chưa phù hợp với quy hoạch chung và quy hoạch xây dựng tỉ lệ 1/2000 của khu 1, 2, 3, 4 đã được phê duyệt" tại khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh”.
Nhà đầu tư hoang mang
Ông T. (nhân vật yêu cầu không nêu tên), ở Hà Nội, cho biết ông đã vay mượn để đầu tư 29,5 tỷ vào một dự án ở bắc bán đảo Cam Ranh. Chủ đầu tư khi đó đưa ra nhiều hứa hẹn, rằng “đất ở không hình thành đơn vị ở” tương đương với đất ở, được sở hữu vĩnh viễn, trừ khi bị Nhà nước thu hồi. Tuy nhiên, với động thái mới từ UBND tỉnh Khánh Hòa, khái niệm nêu trên sẽ buộc phải chuyển thành đất thương mại dịch vụ, có thời hạn sở hữu là 50 năm.
“Chủ đầu tư vẫn chưa cấp được ‘sổ đỏ’ dù tôi đã nộp đủ tiền và phải trả lãi ngân hàng mấy năm qua. Tôi và nhiều khách hàng khác, người ít thì 17 tỷ đồng, người nhiều lên đến 40 tỷ đồng, đều đã mòn mỏi hơn 2 năm yêu cầu chủ đầu tư đối thoại, có phương án san sẻ thiệt hại, song đến nay chưa được phản hồi tích cực”.
Trao đổi với báo Nông nghiệp Việt Nam, luật sư Nguyễn Hồng Hà, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa, cho rằng không thể cấp giấy chứng nhận cho loại đất không có trong luật. Việc này tỉnh Khánh Hòa chỉ có thể kiến nghị Trung ương xem xét, với điều kiện các kiến nghị của chủ đầu tư phải đúng quy định pháp luật đất đai hiện hành, không thể giải quyết theo hướng hợp pháp hóa cái sai này bằng cái sai khác.
Danh sách các dự án chưa điều chỉnh "đất ở không hình thành đơn vị ở" sang đất thương mại dịch vụ:
Dự án Khu nghỉ dưỡng Cam Ranh Flower của Công ty TNHH Khu Nghỉ dưỡng Bãi Dài (D2b=15,36ha).
Dự án của Công ty TNHH Vinpearl Bãi Dài (Lô D6b2,D7a1=22,8 ha) 3. Dự án Khu du lịch Sài Gòn – Cam Ranh resort của công ty cổ phần Sài Gòn-Cam Ranh ( Lô D8b=19,79 ha).
Dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Eurowindow của Công ty CP Đầu tư Du lịch Eurowindow Nha Trang ( Lô D12 a diện tích 34,5 Ha).
Dự án Khu du lịch cao cấp Phát Đạt của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát Đạt Nha Trang ( lô D14a và D14b : diện tích 26 ha).
Dự án Khu Du lịch sinh thái Prime - Prime Resorts and Hotels của Cty TNHH Đầu tư Cam Lâm ( Lô D14C= 13,2375 ha).
Dự án Khu du lịch – dịch vụ tổng hợp bắc bán đảo Cam Ranh của Công ty TNHH Hoàn Cầu Cam Ranh ( Lô T11c, T11d, T11e, X18b, X18c , diện tích 56.98 ha).
Dự án Cam Ranh City Gate của Công ty Cổ phần Câu lạc bộ Du thuyền và khu nghỉ dưỡng Cam Ranh. (T13K, T13I, X23H, X23N, X22L, X23I, X23K, D42, D43, D48, MN2 = 40ha và 7ha mặt nước).