| Hotline: 0983.970.780

Không còn tình trạng ‘ăn đong’ hóa chất, sinh phẩm

Chủ Nhật 26/11/2023 , 10:29 (GMT+7)

Sau hơn 5 tháng ban hành Quyết định 28/2023/QĐ-UBND về danh mục tài sản mua sắm tập trung, các bệnh viện ở Hà Tĩnh đã giải được bài toán 'ăn đong' hoá chất, sinh phẩm.

Cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh

Đầu tháng 5/2023, Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng loại bài “Thảm cảnh ở các cơ sở y tế Hà Tĩnh”, phản ánh về thực trạng thiếu hụt nghiêm trọng vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm phục vụ công tác khám chữa bệnh tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Tĩnh trong thời gian dài. Nguyên nhân xác định là do các gói thầu đấu thầu tập trung trong lĩnh vực này không có doanh nghiệp tham gia.

Tình trạng thiếu hóa chất, sinh phẩm tại các cơ sở y tế ở Hà Tĩnh đã được khắc phục. Ảnh: Hưng Phúc.

Tình trạng thiếu hóa chất, sinh phẩm tại các cơ sở y tế ở Hà Tĩnh đã được khắc phục. Ảnh: Hưng Phúc.

Bà Lê Thị Cẩm Thạch, Trưởng phòng nghiệp vụ Dược - Sở Y tế Hà Tĩnh: “Hiện nay vẫn còn tình trạng một số ít đơn vị, cơ sở y tế chậm trễ, thiếu chủ động trong việc mua sắm. Tuy nhiên, nhìn chung, vật tư y tế, hoá chất, sinh phẩm ở hầu hết các bệnh viện trong toàn tỉnh không còn thiếu và đã đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của bệnh nhân”.

Ngay sau đó, thông qua kiến nghị, đề xuất của các sở ngành, đơn vị liên quan, ngày 8/6/2023 UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định 28/2023 về danh mục tài sản mua sắm tập trung trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh thay thế cho Quyết định 172 ngày 14/01/2019. Theo đó, vật tư y tế, hoá chất, sinh phẩm được đưa ra khỏi danh mục đấu thầu tập trung cấp tỉnh.

Sau hơn 5 tháng thực hiện theo quy định mới, các cơ sở y tế trên địa bàn Hà Tĩnh đã chủ động trong công tác mua sắm, cơ bản khắc phục được tình trạng “ăn đong” vật tư, hóa chất, sinh phẩm, đảm bảo cho công tác thăm khám, chẩn đoán và điều trị của bệnh nhân.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, sau khi 16 gói thầu vật tư, hóa chất, sinh phẩm trong đợt đấu thầu tập trung lần 2 có kết quả, đơn vị nhanh chóng thương thảo, ký kết hợp đồng cung cấp đối với những vật tư, hóa chất, sinh phẩm trúng thầu. Cùng với đó, tiến hành song song mua sắm các vật tư ngoài Thông tư 04/2017/TT-BYT của Bộ Y tế về danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với vật tư y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế; mua sắm các vật tư, hóa chất, sinh phẩm hết hạn đấu thầu tập trung lần 1.

Theo ông Lê Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh, hiện nay, cơ bản vật tư y tế, hoá chất, sinh phẩm của bệnh viện đã đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh. Tuy nhiên có 6 gói thầu hết thầu vào ngày 1/8/2023 (gồm các vật tư y tế kỹ thuật cao như STENT can thiệp tim mạch, khớp gối, khớp háng…) nằm giữa giao thời các văn bản điều chỉnh nên đang trong quá trình tiến hành.

Việc đưa vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm ra khỏi danh mục đấu thầu tập trung cấp tỉnh đã tạo sự chủ động cho các cơ sở y tế trong việc mua sắm. Ảnh: Hưng Phúc.

Việc đưa vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm ra khỏi danh mục đấu thầu tập trung cấp tỉnh đã tạo sự chủ động cho các cơ sở y tế trong việc mua sắm. Ảnh: Hưng Phúc.

“Mặc dù đang thiếu một số vật tư y tế kỹ thuật cao nhưng phải khẳng định, sau khi UBND tỉnh sửa đổi quyết định về đấu thầu tập trung lĩnh vực y tế đã tạo sự chủ động rất lớn cho bệnh viện. Các nhu cầu phát sinh trong năm như số lượng bệnh nhân tăng, phát triển kỹ thuật mới… liên quan đến vật tư y tế, hoá chất, sinh phẩm, bệnh viện không cần chờ đến đợt đấu thầu tập trung cấp tỉnh mà có thể chủ động mua sắm.

Ngoài ra, một số thủ tục hành chính được cắt giảm cũng tạo điều kiện mua sắm kịp thời phục vụ công tác khám chữa bệnh”, ông Thanh nói.

Trả lời câu hỏi về khó khăn trong công tác đấu thầu khi phân cấp cho các cơ sở y tế, ông Lê Ngọc Thanh cho rằng, năng lực đấu thầu của một số cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn còn hạn chế, nhất là các bệnh viện vùng sâu, vùng xa, nhân lực ít.

Hóa chất, sinh phẩm tại các bệnh viện đầy đủ sẽ đảm bảo quyền lợi cho người bệnh tham gia bảo hiểm y tế. Ảnh: Hưng Phúc.

Hóa chất, sinh phẩm tại các bệnh viện đầy đủ sẽ đảm bảo quyền lợi cho người bệnh tham gia bảo hiểm y tế. Ảnh: Hưng Phúc.

Hơn nữa, một số văn bản quản lý về đấu thầu vật tư y tế, hoá chất, sinh phẩm đang trong quá trình sửa đổi, thậm chí là thí điểm như Thông tư 14/2023/TT-BYT “quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hoá và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập” nên dễ dẫn đến sai sót. Ngoài ra, nguồn cung nhiều mặt hàng khan hiếm trên thị trường.

Khó mua sắm các loại thuốc hướng thần

Mặc dù đã giải quyết cơ bản bài toán thiếu vật tư y tế, hoá chất, sinh phẩm nhưng công tác đấu thầu, mua sắm các loại thuốc hướng thần như: Diazepam 10mg/2ml và Diazepam 5mg, phục vụ cấp cứu, điều trị lại gặp nhiều trở ngại.

Theo bà Lê Thị Cẩm Thạch, Trưởng phòng nghiệp vụ Dược - Sở Y tế Hà Tĩnh, đây là những loại thuốc nằm trong danh mục nhóm thuốc đặc biệt, “nhạy cảm” và có nhiều quy định khắt khe, trong khi đó, không có khung giá cố định dẫn đến đứt gãy nhà cung ứng.

Công tác mua sắm thuốc hướng thần đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Hưng Phúc.

Công tác mua sắm thuốc hướng thần đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Hưng Phúc.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc bệnh viện Tâm thần cho rằng, giá thuốc hướng thần rẻ, trong khi các quy định về thanh tra, kiểm tra, báo cáo đối với nhóm thuốc này lại rất khắt khe nên các nhà cung ứng không mặn mà.

“Thời gian qua, trên cơ sở tháo gỡ của bộ ngành, UBND tỉnh, Bệnh viện Tâm thần đã mua sắm được thuốc hướng thần để xử lý cấp cứu kịp thời người bệnh. Trong đợt 1, được sự hỗ trợ của Công ty dược Hà Tĩnh, bệnh viện đã mua 9.000 viên và 3.000 ống thuốc hướng thần gây nghiện”, ông Phúc cho biết.

Theo ông, hiện tại số thuốc trên cơ bản đáp ứng nhu cầu cấp cứu, điều trị cho khoảng 100 bệnh nhân nội trú và khoảng 3.000 bệnh nhận ngoại trú của bệnh viện. Tuy nhiên, khi Thông tư 14/2023/TT-BYT hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023, đơn vị không thể khẳng định sẽ không xảy ra tình trạng thiếu thuốc do phụ thuộc nhà cung ứng.

Với đặc thù cấp cứu, điều trị bệnh nhân tâm thần, thuốc hướng thần là loại thuốc quan trọng trong phác đồ điều trị bệnh nhân tại bệnh viện. Trước đây đã có những thời điểm thiếu thuốc, khi có bệnh nhân lên cơn động kinh, bệnh viện phải chuyển bệnh nhân lên bệnh viện tỉnh cấp cứu, nguy cơ chậm trễ trong việc cứu sống bệnh nhân.

Để tránh đứt gãy nhà cung cấp thuốc hướng thần, thiết nghĩ Chính phủ cần tiếp tục gia hạn Thông tư 14/2023/TT-BYT hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023. Ảnh: Hưng Phúc.

Để tránh đứt gãy nhà cung cấp thuốc hướng thần, thiết nghĩ Chính phủ cần tiếp tục gia hạn Thông tư 14/2023/TT-BYT hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023. Ảnh: Hưng Phúc.

“Tuần trước có một bệnh nhân 8 tuổi lên cơn động kinh, bệnh viện đã có thuốc nên xử lý cấp cứu kịp thời. Việc chủ động thuốc rất quan trọng trong quá trình cấp cứu vì liên quan đến tính mạng người bệnh”, ông Phúc nói.

Để tránh đứt gãy nhà cung cấp các loại thuốc hướng thần, vừa qua, Sở Y tế Hà Tĩnh đã có đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu, xem xét đưa loại thuốc này vào danh mục thuốc đàm phán giá thuộc cấp Quốc gia.  

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đông Nam bộ hướng đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, hữu cơ

Đây là một trong những phương hướng phát triển về nông, lâm nghiệp, thủy sản được đặt ra trong Phê duyệt Quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Điện Biên đưa cửa khẩu thành mũi nhọn phát triển kinh tế

Mường Nhé bây giờ vẫn là một trong những huyện nghèo, chậm phát triển bậc nhất trong cả nước, nhưng người Mường Nhé không thể chấp nhận điều ấy trong 10, 20 năm nữa.