Khai thác, nuôi trồng đều gặp khó
Việc giá xăng dầu tăng mạnh đã tác động trực tiếp đến đời sống trong nhân dân, trong đó khai thác, nuôi trồng thủy sản là một trong những ngành nghề chịu ảnh hưởng lớn.
Theo ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau: Tính từ ngày 7/2 đến ngày 15/3, giá dầu điều chỉnh tăng 4 đợt làm chi phí mỗi chuyến biển đều tăng lên rất nhiều. Ông Bằng dẫn chứng, nếu một tàu câu mực từ 110 - 400KW khai thác khoảng 20 ngày, tiêu thụ từ 2.000 - 2.500 lít dầu, với giá dầu tăng hơn 6.000 đồng/lít, chi phí của ngư dân tăng phát sinh thêm từ 12 - 15 triệu đồng.
Đối với nghề lưới kéo từ 250KW trở lên, đánh bắt xa bờ khoảng 30 ngày, tiêu thụ khoảng 12.000 - 18.000 lít dầu, chi phí phát sinh thêm từ 77 - 115 triệu đồng. Tương tự, như nghề dịch vụ hậu cần nghề cá từ 250KW trở lên hoạt động 30 ngày tiêu thụ từ 9.000 - 12.000 lít dầu, chi phí phát sinh rơi vào khoảng 57 - 77 triệu đồng.
Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT Cà Mau, việc giá xăng, dầu tăng đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động khai thác thủy hải sản, làm tăng chi phí chuyến biển, nhất là đội tàu khai thác đánh bắt xa bờ. Đồng thời, ảnh hưởng một phần đến các chuỗi hoạt động khai thác, đánh bắt, bảo quản, chế biển, vận chuyển thủy sản. Bên cạnh đó, tình hình giá một số mặt hàng thủy sản khai thác không tăng nên ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất của người dân.
Tại thời điểm này, tình hình sản xuất, khai thác thủy sản của ngư dân vẫn tương đối ổn định. Tuy nhiên, hiện giá dầu tăng cao, gây áp lực rất lớn đến những nghề tiêu hao nhiên liệu cao như lưới kéo. Nhóm tàu lưới kéo ra khơi phần lớn đã lấy dầu ra biển sau Tết Nguyên đán. Đến nay, các tàu này chưa vào bờ, lượng dầu đem theo với giá đã lấy trước đây cơ bản còn đủ phục vụ sản xuất trên biển.
Bên cạnh nghề khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản cũng đối mặt nhiều khó khăn, khi chi phí đầu vào tăng cao, việc biến động giá xăng, dầu tăng trong thời gian qua chưa ảnh hưởng nhiều đến hoạt động nuôi trồng thuỷ sản.
Đặc biệt, đối với loại hình nuôi tôm thâm canh siêu thâm canh, do hầu hết các hộ nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh hiện nay đều sử dụng điện lưới quốc gia. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau khuyến cáo người dân theo dõi sát tình hình, an tâm sản xuất, xử lý đúng tình huống, không nóng vội, tránh bị lợi dụng.
Theo thông tin từ Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, các nhà máy đã ký hợp đồng đến cuối tháng 11/2022 với giá bán tương đối ổn định. Khuyến cáo bà con nuôi tôm không nên thu hoạch tôm ào ạt. Tôm về nhà máy nhiều quá giá giảm gây thiệt hại cho bà con.
10% tàu cá neo đậu tại cảng
Hiện có nhiều thông tin cho rằng, có nhiều tàu cá neo dậu, ngưng khai thác thủy sản là do giá xăng dầu tăng cao, nếu đánh bắt khả năng không có lãi, thậm chí là thua lỗ nặng.
Để tìm hiểu vấn đề này, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đã liên hệ trao đổi với ông Nguyễn Việt Triều, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau. Ông Triều cho rằng, việc giá xăng, dầu tăng không phải là nguyên nhân chính khiến ngư dân neo đậu tàu dài hạn, bởi ngư trường Cà Mau đang vào mùa vụ chính.
Theo ông Triều, từ tháng 2 âm lịch đến nay, ngư dân khai thác thủy sản trúng mùa thu hoạch được nhiều sản lượng, chưa đến mức là phải nằm bờ như lời đồn đoán. Nhìn chung, giá xăng dầu như hiện nay, ngư dân có thể kiếm sống được, theo kiểm tra đối với một số tàu nằm bờ hoặc có ý định nằm bờ, với tỷ lệ khoảng 10%, nhưng nguyên nhân nằm bờ chủ yếu do làm ăn thua lỗ từ trước khi giá xăng dầu tăng.
Một số phương tiện đang tiến hành cải tạo mới, một số tàu thiếu vốn sửa chữa, nâng cấp nên kéo dài thời gian neo đậu. Các tàu nằm bờ do giá xăng dầu cũng có nhưng chiếm tỷ lệ không cao, chủ yếu các tàu nhỏ đánh bắt ven bờ do không có vốn. Đối với các tàu có công suất lớn đánh bắt xa bờ vẫn hoạt động bình thường.
Theo ông Triều, trước thực trang trên, Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau cũng khuyến cáo ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển. Đồng thời tổ chức lại sản xuất, nhất là khâu bảo quản sản phẩm thủy sản khai khác được. Cụ thể, nếu trước đây đánh bắt khoảng 20 ngày mới liên hệ dịch vụ hậu cần gửi vào sẽ khiến sản phẩm đánh bắt sẽ giảm chất lượng dễ bị chủ vựa ép giá. Vì vậy các chủ tàu nên tính toán liên hệ với đơn vị hậu cần thu mua đảm bảo được chất lượng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử vừa có công văn hỏa tốc gửi Sở NN-PTNT, Sở Công thương tỉnh cùng với UBND huyện U Minh, Trần Văn Thời, Ngọc Hiển, Phú Tân, Năm Căn và Đầm Dơi yêu cầu các địa phương theo dõi biến động giá xăng, dầu ảnh hưởng đến hoạt động khai thác thủy sản.
Theo ông Lê Văn Sử, tình hình giá xăng, dầu tăng thời gian qua chưa ảnh hưởng nhiều đến hoạt động nuôi trồng thủy sản. Riêng đối với hoạt động khai thác thủy sản làm tăng chi phí chuyến biển, nhất là đội tàu khai thác xa bờ. Tuy nhiên, tình hình sản xuất của ngư dân là tương đối ổn định.
Tính đến nay, tỉnh Cà Mau đã cơ bản hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên với 1.531/1.537 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt 99,61% (đã loại trừ những tàu cá như tàu công vụ, tàu chở nước biển, bị nước ngoài bắt giữ, ngưng hoạt động do thiếu kinh phí hoặc đang sửa chữa... không có tham gia hoạt động khai thác thủy sản trên biển).
Ngoài ra, có 4 tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 15m tự nguyện lắp đặt do ngư dân hiểu được những lợi ích của việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình mang lại. Sản lượng khai thác năm 2021 đạt 230.000 tấn, sản lượng tôm đạt khoảng 10.000 tấn.
3 tháng giá xăng dầu điều chỉnh 7 lần
Ông Dương Vũ Nam, Phó Giám đốc Sở Công thương Cà Mau, cho biết: Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu điều chỉnh 7 lần. Trong đó tăng 6 lần và giảm 1 lần, mức biến động qua 7 kỳ điều chỉnh: xăng Ron 95 tăng 6.020đồng/lít, xăng E5 Ron 92 tăng 5.890 đồng/lít, dầu DO 0.05S tăng 6.180 đồng/lít, dầu DO 0.001S-V tăng 6.180 đồng/lít, dầu hỏa tăng 5.840 đồng/lít, tính theo giá bán lẻ của hệ thống các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Nam, đối với các địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu, nếu có chi phí thực tế phát sinh hợp lý, hợp lệ (đã được kiểm toán) tăng cao dẫn đến giá bán cao hơn giá điều hành, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được quyết định giá bán thực tế tại địa bàn đó (đã được thông báo với Bộ Công thương) để bù đắp chi phí phát sinh nhưng không vượt quá 2% giá điều hành công bố cùng thời điểm.