| Hotline: 0983.970.780

Kiểm soát dịch bệnh cũ, phòng chống dịch bệnh mới trong chăn nuôi

Thứ Năm 19/11/2020 , 19:46 (GMT+7)

Dịch bệnh gia súc, gia cầm đã được kiểm soát, nhưng vẫn có nguy cơ bùng phát và đã xuất hiện dịch bệnh mới. Do đó, phải tiếp tục tăng cường phòng chống dịch bệnh.

Vẫn có nguy cơ bùng phát 

Tại Hội nghị triển khai thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về "Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi giai đoạn 2020 - 2025" và "Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh lở mồm long móng, giai đoạn 2021 - 2025”, tổ chức tại TP HCM ngày 19/11, đại diện Cục Thú y, cho biết, các dịch bệnh nguy hiểm như dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), lở mồm long móng (LMLM), cúm gia cầm, tai xanh… đều đang được kiểm soát tốt.

Cụ thể, về DTLCP, từ đầu năm đến ngày 17/11/2020, cả nước xảy ra 1.409 ổ dịch (bao gồm 496 ổ dịch xảy ra từ cuối năm 2019 và kéo dài sang năm 2020, 27 ổ dịch phát sinh mới và 886 ổ dịch tái phát) tại 307 huyện thuộc 50 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn tiêu hủy là gần 77 ngàn con , tổng trọng lượng khoảng 3.845 tấn.

Hiện nay, cả nước có 357 xã thuộc 117 huyện của 30 tỉnh, thành phố có dịch chưa qua 21 ngày, với số lợn tiêu hủy lũy kế là 30.812 con.

Chăn nuôi quý II và III tăng trưởng tốt nhờ kiểm soát được dịch bệnh. Ảnh: Tùng Đinh.

Chăn nuôi quý II và III tăng trưởng tốt nhờ kiểm soát được dịch bệnh. Ảnh: Tùng Đinh.

Như vậy, bệnh DTLCP cơ bản đã được kiểm soát; thời gian qua dịch bệnh chỉ xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không bảo đảm các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học. Cả nước có 96% số xã không có DTLCP, bảo đảm các điều kiện cho việc tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn.

Về LMLM, từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 182 ổ dịch tại 58 huyện 24 tỉnh, thành phố; số gia súc mắc bệnh là 7.090 con gia súc (chiếm 0,02% tổng đàn gia súc khoảng 34 triệu con). Số gia súc bị chết và tiêu hủy là 269 con.

So với cùng kỳ năm 2019, số ổ dịch giảm gần 2,88 lần, số lợn mắc bệnh và tiêu hủy giảm khoảng 3,66 lần. Hiện nay, cả nước có 13 ổ dịch LMLM xảy ra tại 4 tỉnh: Quảng Nam, Kon Tum, Trà Vinh và Hà Tĩnh chưa qua 21 ngày. Như vậy, tuyệt đại đa số (99,08%) trong tổng đàn gia súc trên 34 triệu con an toàn đối với bệnh LMLM.

Về cúm gia cầm, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 82 ổ dịch cúm gia cầm A/H5 tại 28 tỉnh, thành phố. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 224.042 con (chiếm 0,04% trong tổng đàn khoảng 520 triệu gia cầm).

So sánh cùng kỳ năm ngoái, số ổ dịch cúm gia cầm A/H5 tăng 2,6 lần, số gia cầm tiêu hủy tăng gấp 3 lần. Hiện nay, cả nước chỉ có 1 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại tỉnh Tiền Giang. Như vậy, tuyệt đại đa số (99,06%) trong tổng đàn gia cầm 520 triệu con an toàn đối với bệnh cúm gia cầm.

Về tai xanh, từ đầu năm đến nay, đã phát hiện 5 ổ dịch (4 ổ dịch tại các xã của 4 huyện thuộc tỉnh Nghệ An; 1 ổ dịch tại tỉnh Hà Nam; số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là 119 con). Hiện nay, cả nước chỉ có 1 ổ dịch tai xanh tại xã Nhân Thịnh, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam chưa qua 21 ngày.

Nhìn chung, trong thời gian vừa qua, công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được thực hiện tương đối tốt, nhưng nguy cơ bùng phát vào cuối năm nay là không nhỏ.

Trước nguy cơ như thế và quy mô đàn gia súc, gia cầm như hiện nay, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, không cách nào khác là phải tiếp tục tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh. Qua đó, để tiếp tục đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi, khi mà trong quy 2 năm nay đã tăng 6,82% và quý 3 tăng 9,67%.

Đối mặt với dịch bệnh mới

Tuy nhiên, ngành chăn nuôi đang phải đối mặt với một dịch bệnh mới, nguy hiểm là bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò.

Từ giữa tháng 10/2020 đến nay, bệnh viêm da nổi cục đã xảy ra tại 38 xã thuộc 15 huyện của các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn và Quảng Ninh. Tổng số gia súc mắc bệnh là 412 con, trong đó số chết (do chủ gia súc báo) là 34 con.

Lãnh đạo Cục Thú y kiểm tra tình hình bệnh viêm da nổi cục.

Lãnh đạo Cục Thú y kiểm tra tình hình bệnh viêm da nổi cục.

Cụ thể, tại tỉnh Lạng Sơn, từ ngày 13/10 - 17/11/2020, bệnh viêm da nổi cục xảy ra tại 19 xã của 7 huyện làm 171 con bò mắc bệnh, trong đó có 7 con bị chết. Tại tỉnh Cao Bằng, từ ngày 8/10 - 17/11/2020, bệnh viêm da nổi cục đã xảy ra tại 17 xã thuộc 6 huyện làm 234 con bò mắc bệnh, 26 con chết.

Tại tỉnh Bắc Kạn, vào ngày 8/11/2020, bệnh viêm da nổi cục đã xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi tại xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn làm 2 con bò mắc bệnh, 1 con chết. Tại tỉnh Quảng Ninh, vào ngày 4/11/2020, bệnh viêm da nổi cục đã xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi ở phường Đông Mai, thị xã Quảng Yên làm 2 con bò mắc bệnh.

Theo Cục Thú y, trên cơ sở kết quả kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm nhiều gia súc của nhiều hộ chăn nuôi tại các huyện Hữu Lũng, Chi Lăng, Tràng Định, Văn Quan (Lạng Sơn), Hạ Lang, Hòa An và Trùng Khánh (Cao Bằng) cho thấy, khả năng dịch bệnh viêm da nổi cục đã xuất hiện và lây lan ở nhiều địa phương thuộc địa bàn các huyện có dịch bệnh viêm da nổi cục, không loại trừ có khả năng dịch bệnh cũng có thể đã xuất hiện ở các địa phương khác nhưng chưa được phát hiện. Nguy cơ dịch bệnh lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao.

Viêm da nổi cục là một bệnh mới lây từ nước ngoài vào Việt Nam do một loại virus thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò. Virus này không gây bệnh trên người.

Trong thời gian tới, bệnh viêm da nổi cục có thể sẽ xuất hiện tại nhiều địa phương. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả là áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH). Phát hiện sớm và tiêu hủy gia súc mắc bệnh.

Phải có hệ thống thú y từ Trung ương tới địa phương

Duy trì hệ thống thú y từ Trung ương tới cơ sở hiện là mối quan tâm lớn của Bộ NN-PTNT và nhiều tỉnh, thành để nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh.

Ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cho biết, khi xảy ra DTLCP, Tây Ninh đã tạm dừng việc sắp xếp lại hệ thống thú y cơ sở. Nhờ vẫn giữ được hệ thống thú y như trước đây nên Tây Ninh đã thực hiện được khá tốt việc phòng chống và kiểm soát DTLCP. Chính vì vậy, ông Chiến cho rằng cần phải hoàn thiện và duy trì hệ thống thú y từ Trung ương tới cơ sở.

Sẽ có vaccine phòng chống bệnh viêm da nổi cục

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Mặc dù tốc độ lây lan của bệnh viêm da nổi cục không nhanh, không lây sang người, nhưng nếu chúng ta không kiểm soát chặt chẽ, thì sự lây nhiễm, ảnh hưởng đến kinh tế chăn nuôi là rất rõ.

Vừa rồi, Cục Thú y đã phối hợp với các doanh nghiệp kiểm tra lấy mẫu, và đã có những bước xử lý ở vùng xảy ra dịch bệnh viêm da nổi cục, vùng lân cận và cùng cách ly. Đồng thời sử dụng vaccine đậu dê cừu để tiêm cho những cá thể bị bệnh ở các tỉnh, bước đầu cho kết quả tương đối khả quan. Đây là kinh nghiệm của FAO khi tổng kết công tác phòng chống viêm da nổi cục  ở các nước trên thế giới. Bên cạnh đó, chúng ta đã có hợp tác quốc tế với Jordan về việc nghiên cứu, sản xuất vaccine. Họ đã đồng ý viện trợ cho ta 40 ngàn liều, khoảng 2-3 tuần nữa là về tới Việt Nam.

Bộ NN-PTNT cũng đã chỉ đạo Cục Thú y triển khai 2 nhiệm vụ khoa học. Một là đánh giá tình hình dịch tễ của bệnh viêm da nổi cục, hai là nghiên cứu sản xuất vaccine. Tôi tin chắc chắn trong thời gian không xa, chúng ta sẽ có vaccine phòng chống bệnh này một cách hiệu quả. 

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mỗi hợp tác xã cần có thương hiệu

TRÀ VINH Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng thương hiệu cho HTX. Làm sao mỗi nhà các thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để họ yêu quý, chăm chút cho HTX.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khoanh vùng thiếu nước để ngừng sản xuất nông nghiệp

Công ty Thủy lợi Khánh Hòa khuyến cáo người dân không tự ý sản xuất đối với diện tích đã khoanh vùng tạm dừng sản xuất, nhằm tránh thiệt hại do không có nước tưới.