| Hotline: 0983.970.780

Kiên Giang: Hải sản lồng bè chết số lượng lớn

Thứ Ba 21/02/2023 , 07:45 (GMT+7)

Nhiều lồng bè nuôi hàu, vẹm xanh, cá của ngư dân xã đảo Hòn Tre (Kiên Hải, Kiên Giang) bị chết với số lượng lớn, tỷ lệ hao hụt con giống lên đến 80-90%.

Cá giống hao hụt số lượng lớn

Ông Kim Hoàng Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Kiên Giang xác nhận tại xã đảo Hòn Tre (huyện đảo Kiên Hải) có xảy ra hiện tượng cá nuôi lồng bè của ngư dân bị chết với số lượng lớn. Theo ghi nhận ban đầu, đây là cá nuôi lồng bè của một hộ ngư dân chứ không có hiện tượng cá nuôi chết hàng loạt. Nguyên nhân có thể do chất lượng con giống chưa đảm bảo, kỹ thuật thuần giống chưa tốt, vì cá nuôi của các hộ khác gần đó vẫn phát triển bình thường, các chỉ số về môi trường, chất lượng nước đều ổn định.  

Từ tháng 2/2023, cá nuôi lồng, bè của các hộ ngư Hòn Tre có hiện tượng chết rải rác,

Từ tháng 2/2023, cá nuôi lồng, bè của các hộ ngư dân ở xã đảo Hòn Tre có hiện tượng chết rải rác, riêng hộ Võ Thị Thắm bị thiệt hại số lượng lớn. Ảnh: Trung Chánh. 

Theo báo cáo của Phòng NN-PTNT huyện Kiên Hải, toàn xã Hòn Tre hiện có 43 hộ nuôi trồng thủy sản trên biển, với 122 bè và 292 lồng. Đối tượng nuôi chính cá bớp, cá mú, cá hồng mỹ, cá chim vây vàng và hàu treo dây, vẹm xanh… Vào ngày 17/2, người dân thông báo với ngàng chức năng về việc cá, hàu, vẹm nuôi lồng bè tại Hòn Tre bị chết hàng loạt không rõ nguyên nhân.

Trước tình hình đó, UBND huyện Kiên Hải đã chỉ đạo Phòng NN-PTNT huyện cử cán bộ kỹ thuật đi nắm tình hình tại các bè cá. Qua khảo sát cho thấy, màu sắc, độ mặn của nguồn nước khu vực neo lồng bè nuôi được duy trì khá ổn định từ đầu năm 2023 đến nay. Về tình hình cá nuôi lồng bè bị thiệt hại số lượng lớn, chủ yếu là của hộ ngư dân Võ Thị Thắm, trong khi cá nuôi của nhiều hộ khác trên địa bàn xã Hòn Tre vẫn ổn định.

Hộ bà Võ Thị Thắm đầu tư 32 lồng nuôi và đang thả nuôi một số đối tượng chính là cá bớp, cá mú, cá hồng mỹ, cá chim vây vàng. Đối tượng bị chết với tỷ lệ cao là cá mú giống mới thả nuôi được 15 - 40 ngày. Từ tháng 8/2022 đến nay, bà Thắm đã mua và thả 3 đợt cá mú giống, với tổng số lượng 30.000 con (đợt 1: 10.000 con, đợt 2: 14.000 con và đợt 3: 6.000 con), nguồn giống được lấy từ cơ sở sản xuất giống tại tỉnh Khánh Hòa. Qua khảo sát cho thấy, tỷ lệ cá giống đã bị chết, hao hụt lên đến 80 - 90%. Riêng đợt 1 và đợt 3 chết 100%.

Khảo sát ban đầu cho thấy, cá mú giống có dấu hiệu mắc bệnh, bơi lờ đờ tại các góc lồng nuôi và bị lở loét phía trước phần đầu. Bên trong nội tạng, bóng hơi phình rất to, gan chuyển màu vàng đục và không đều màu. Hiện Chi cục Chăn nuôi – Thú y Kiên Giang đã cử cán bộ kỹ thuật đi xác minh, lấy mẫu để tìm chính xác nguyên nhân cá nuôi bị chết.

Nuôi tự phát không đúng quy hoạch

Theo UBND huyện Kiên Hải, khu vực vị trí neo lồng, bè nuôi của các hộ ngư dân hiện nay nằm trong khu tránh trú bão, không nằm trong khu vực quy hoạch nuôi cá lồng bè của huyện. Khu vực này nguồn nước dễ bị ô nhiễm, nước sinh hoạt khu dân cư đổ ra cộng với nguồn nước đổ từ đất liền chảy ra nên cá dễ bị chết. Ngành chức năng huyện Kiên Hải đã khuyến cáo nhiều lần nhưng các hộ dân vẫn cố tình nuôi tự phát nên thường xảy ra hiện tượng cá nuôi bị chết rải rác, kéo dài. 

Khu vực vị trí neo lồng, bè nuôi của các hộ ngư dân Hòn Tre hiện nay nằm trong khu tránh trú bão, không nằm trong khu vực quy hoạch nuôi cá lồng bè của huyện, nguồn nước dễ bị ô nhiễm,dẫn đến cá nuôi bị chết. Ảnh: Trung Chánh.

Khu vực vị trí neo lồng, bè nuôi của các hộ ngư dân Hòn Tre hiện nay nằm trong khu tránh trú bão, không nằm trong khu vực quy hoạch nuôi cá lồng bè của huyện, nguồn nước dễ bị ô nhiễm, dẫn đến cá nuôi bị chết. Ảnh: Trung Chánh.

Khảo sát của cán bộ kỹ thuật cho thấy, xung quanh và bên trong các lồng nuôi có rất nhiều lục bình đang phân hủy. Cá nuôi bị chết cũng không được hộ dân vớt đem tiêu hủy mà để ngay tại lồng nuôi và cũng trong quá trình phân hủy. Do nuôi số lượng lớn nên hộ nuôi không có thời gian để tắm cá thường xuyên.

Ngoài đối tượng cá nuôi lồng bè bị chết, từ đầu tháng 2/2023 đến nay, ở Hòn Tre cũng xảy ra hiện tượng hàu, vẹm xanh ngư dân nuôi bị chết rải rác kéo dài, tỷ lệ hao hụt đến nay khoảng 80 - 90%. Quan sát thực tế những dây treo hàu, vẹm xanh, những con bị chết nằm phía bên ngoài của chùm treo, còn những con nằm phía bên trong thì không chết.

Theo phán đoán ban đầu, nguyên dân dẫn đến hiện tượng hàu, vẹm xanh nuôi bị chết có thể do thức ăn. Vì 2 đối tượng này là những loài sống bám giá thể theo từng chùm và ăn lọc thụ động nên khi có nguồn thức ăn, chúng sẽ dung nạp vào cơ thể. Những con phía bên ngoài sẽ dung nạp trước và số lượng thức ăn lớn hơn phía bên trong nên khi gặp nguồn thức ăn gây hại, những con phía bên ngoài sẽ chết trước.

Xem thêm
Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.