| Hotline: 0983.970.780

Mẹ cháu đụng đâu hỏng đấy

Thứ Hai 10/08/2020 , 09:06 (GMT+7)

Không biết do tính nết hay cái vận mà mẹ đụng vô đâu thì thất bại đó, bao nhiêu năm rồi. Bố cháu nói mẹ có tính đứng núi này trông núi nọ.

Thưa cô Dạ Hương,

Lý ra cháu gọi cô bằng bà nhưng cô Dạ Hương là... thương hiệu nên cháu xin phép gọi như mọi người.

Cháu còn là sinh viên năm thứ hai, học ở thành phố. Ba mẹ cháu là nông dân ở quê, 5 năm nay ba cháu được chị của cháu xin cho một chân bảo vệ ở nhà máy của chị ấy đang làm việc, nhờ vậy mới có tiền cho cháu ôn thi và học hai năm nay. Anh rể của cháu cũng là công nhân.

Vậy là còn một mình mẹ cháu ở quê. Không biết do tính nết hay cái vận mà mẹ đụng vô đâu thì thất bại đó, bao nhiêu năm rồi. Nuôi cá, bán không được, treo ao.

Mẹ nuôi lươn, lươn chết làm phơi khô không kịp. Bà ngoại với cậu Hai bắt mẹ cho mướn đất, ra thị trấn sống với ngoại với cậu. Mẹ đi phụ bán hàng với mợ Hai, được trả tiền ngày, cũng sống được.

Vậy mà mẹ không chịu làm nữa. Đòi về quê, lấy lại đất nuôi ốc. Mẹ nói với chị cháu là sống với cậu mợ Hai gò bó, không thích. Chị cháu gởi về cho mẹ mấy chục triệu dành dụm để chị sẽ sinh con khi dịch bệnh qua đi. Chắc cô đoán biết được “công trình” ốc bươu của mẹ cháu ra sao rồi.

Ba cháu nói mẹ có tính đứng núi này trông núi nọ. Không làm cái gì bền nên có tiền không giữ được. Biết làm sao giờ phải không cô?

Vấn đề của thư này là cháu muốn bỏ học. Vì hai năm đầu ít học chuyên môn mà đã mất bao nhiêu là tiền. Cháu muốn lùi ra để đi học nghề cô ơi. Còn hai năm đại học nữa, sẽ tốn biết bao là tiền của ba, của chị với anh rể mà chưa chắc đã xin được việc. Cháu thương mọi người. Nhưng mẹ cháu sĩ diện, biết cháu bỏ học chắc mẹ quậy dữ lắm. Mà cháu cũng chán học, cháu không thiết có bằng đại học.

Cháu nghĩ vậy sai hay là không sai thưa cô? Cháu muốn tháo cái gánh nặng nuôi cháu cho chị và cho ba. Để ba lo cho mẹ, mẹ không phải nghĩ ra việc này việc kia rồi thất bại hoặc lâm nợ. Yêu cầu mẹ trồng lúa như mọi người ở trong đó, thuê mướn người làm, có gạo cho cả nhà ở trên này, mẹ có ít tiền cho sinh hoạt cá nhân của mình là được. Ba làm bảo vệ, ba dành tiền cho ba mẹ dưỡng già. Cháu muốn nghe ý kiến của cô.

---------------------

Cháu thân mến!

Có rất nhiều ý kiến từ lâu nói rằng dân mình cho con ăn học để có tấm bằng đại học chứ không phải vì nhu cầu của chính người học. Nói cách khác, đua nhau học đại học là để giải quyết khâu oai, sau đó sẽ làm việc gì thì không được nghĩ đến. Biết bao người nhịn ăn bóp mồm bóp miệng để cho con học, vay nợ vì học và sau đó, có khi con chỉ đi làm thợ, đi làm grab, không dính gì đến việc tấm bằng.

Cô thấy gia đình cháu vất vả mà vẫn bấp bênh. Anh rể và chị gái còn phải có đời sống riêng của họ, có lẽ là đang ở nhà trọ, đúng không? Con cái chưa dám ra đời, công nhân thời buổi Covid-19 này rất gian nan, có thể kéo dài rất lâu rồi mới có đủ vacxin cho mọi người nhất là ở nước nghèo như nước mình, cái sự lâu ấy là lâu hơn. Vì vậy ai cũng thắc thỏm sống ra sao đây?

Nhưng cô không ủng hộ phương án bỏ học của cháu, trừ khi cháu chán nên học rất đuối. Đúng, hai năm đầu nhiều môn đại cương, dễ gây chán. Nhưng cháu đã vượt qua, lý ra phải háo hức vào năm thứ ba sắp tới rồi đây. Cô nhắc lại, trừ khi cháu học yếu và muốn bỏ vì lý do đó.

Cô nghĩ, đã leo lưng cọp thì khó xuống. Anh và chị và cả ba cháu nữa cố gắng 2 năm nữa cho cháu xong đâu đó đã. Rất gian nan nhưng bắt đầu học nghề, cũng thế thôi, bắt đầu mà. Người Việt mình giỏi hy sinh, chịu khó đùm bọc, đã cố thì cố nữa chắc không sao. Vấn đề ở cháu, khả năng, ý chí và quan niệm thực chất về tấm bằng ấy nhé.

Hình như ba cháu đã định nghĩa đúng về mẹ cháu. Đứng núi này trông núi nọ, không ra sao cả. Làm sao để mẹ thôi cái tính đó? Không thể nào, mãi mãi.

Hãy mặc mẹ dưới quê đi, cháu lo học, đừng nghĩ quá đến bế tắc về tiền, sẽ bế luôn à nha. Hai năm nữa, có ba có chị có anh rể, biết bấy nhiêu thôi. Và học tiếp nhé cho dù sau đó có thể làm graber như số đông bây giờ, nhé. Không gì là bí bức hoàn hoàn, hết cơn bỉ cực đến rồi sẽ hồi thái lai, nhé

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm