Cô Dạ Hương kính mến!
Vợ chồng cháu có hai đứa con. Nhà ở rìa thị trấn, có vườn và có đất rẫy khóm, cũng không thua kém ai. Nhưng khổ nỗi, con gái đầu của cháu đi học trung cấp du lịch ở thành phố (của tỉnh) rồi không chịu về nữa, nó chê nước phèn, chê cuộc sống buồn. Rồi nó cũng yên ở trên đó, hơn 30 tuổi rồi mà có bồ chớ chưa chịu lập gia đình.
Đứa con trai của cháu không vô đại học được. Nó bắt đầu chán. Nghe lời chị, nó đăng ký học tiếng Nhật để đi Nhật làm công nhân đó cô. Thôi thì đi cho biết đó biết đây. Vợ chồng vét sạch tiền lo cho nó đi năm 2016. Nó thích, nó được chủ thương nó gia hạn hợp đồng tới năm 2020. Vợ chồng cháu nhớ con nhưng cũng mừng. Vậy là nó nên người rồi.
Bỗng dưng dịch bệnh. Vợ chồng cháu lo ngày lo đêm mất ăn mất ngủ. Thôi, giá nào cũng lo cho con về, mua vé giá cao, chịu phí cách ly để con về. May là mấy năm nó đi, nó gởi tiền về gọi là trả nợ cho ba mẹ đã ứng tiền lo cho tương lai của con. Tương lai gì, là công nhân xứ người thôi cô.
Ở đây ba nó lo vườn rẫy, mẹ có nghề may, sống khỏe, vì chưa có đứa nào gả cưới, ba mẹ thong dong. Nghĩ con gởi tiền cứ cất, để dành cho việc lập gia đình của nó. Rồi lấy tiền đó lo cho nó về đó cô. Được ôm con, vợ chồng cháu không cần cái gì cả. Tới tháng 3 rồi nó mới về được đó cô. Mừng không biết để đâu cho hết.
Biết con về rồi, cứ cách ly đi đã. May là cách ly xong, nó về tới nhà thì ít hôm sau trên Sài Gòn mới phong tỏa, không thì thằng nhỏ kẹt nữa. Nói thật là con trưởng thành nhiều lắm đó cô, siêng năng, lễ phép, hiểu biết hơn.
Việc bây giờ là sẽ làm gì. Ba mẹ nói ở nhà, làm với ba, xây dựng vườn rẫy và nuôi cá thác lác nuôi tôm trong mương liếp như mọi người ở đây. Trồng rau choại bán cũng hốt tiền. Chị nó thì đông đổng nói nghỉ ngơi đi đã rồi lên thành phố đây với chị. Con trai cháu rất băn khoăn giằng co giữa ở nhà hay sống như chị. Vui có ít ngày, giờ lo nữa rồi.
---------------------
Cháu thân mến!
Thật ra thanh niên mới lớn, đi là khát vọng, là chân trời mà họ hằng ao ước. Dù đi làm công nhân cũng là đi, cho biết, nhất là công nhân ở nước như nước Nhật. Cô thấy 5 năm với con trai cháu thật giá trị, coi như đủ, coi như xong, thôi bóc xóc rồi.
Thế nhưng về thì lại đối mặt với xứ mình không giống xứ người, sự khác này nhiều quá, lâu quá. Gần như không thấy điểm sáng, như đang trên cái cây lành có quả sạch để ăn, bỗng rơi xuống đất, như cũ. Tâm trạng đoàn viên qua mau, thay vào bế tắc, thậm chí bí bức cũ.
Đã có nhiều người quê của cháu tháo chạy khỏi Sài Gòn. Có lẽ hình ảnh ấy khiến chị nó và nó nhấp nhổm. Chị quen thành thị, chị không hình dung tương lai của em ở nơi mà ký ức nó là rau choại, nước phèn, những liếp khóm đầy gai ...Mỗi người đều có cái lý với cái nhìn của thế hệ nữa. Theo cô, sống với ba mẹ, vườn rẫy và yên bình, điền viên giờ là nhất.
Người Việt mình toàn muốn ly hương, khổ quá. Phải đi từ hai chân cùng với đất quê chứ không chỉ nghĩ có chân nên bôn ba và rồi, vẫn hoàn nghèo, hoàn khổ. Tìm cách vực cả vùng quê lên, rồi làm du lịch sinh thái. Muốn vậy, mình phải sống tốt bằng sinh thái tại quê mình đã chứ.
Cô nghĩ, là cha mẹ, các cháu phải kiên quyết. Đã đến lúc cần con trai ở bên, xây dựng gia đình như ba nó đã và đang. Dùng tình thương, dùng dịch bệnh cho con thấy và thuyết phụ nó. Loăng quăng mãi, đủ rồi. Không ai như cũ sau đại dịch được nữa. Có một nơi để về, ngắm nghĩa, suy nghĩ làm gì với nó còn tốt hơn triệu người chỉ có nền đất ở quê mà vẫn phải về.
Cô tin, con trai cháu không dễ lung lạc bởi bà chị ở thành phố với công việc phập phù 2 năm nay và đã 30 tuổi mà chưa đâu vào đâu. Hy vọng con trai nghĩ khác, một gã đàn ông tương lai sẽ nghĩ khác, mạnh mẽ, thấu đáo và có chữ hiếu trong mọi ứng xử, cả chữ hiếu với đất, với quê, ấy mới là quan trọng.