| Hotline: 0983.970.780

Lâm Đồng đề nghị đẩy nhanh cấp mã số vùng trồng cho sầu riêng

Thứ Tư 15/02/2023 , 17:44 (GMT+7)

Chiều 15/2, Cục Bảo vệ thực vật đã làm việc với Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng về định hướng phát triển nông nghiệp xanh, sạch, đáp ứng xuất khẩu.

700ha dâu bị bệnh tuyến trùng

Ngày 15/2, đoàn công tác Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) đã làm việc với Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng về tình hình sản xuất, triển khai công tác chỉ đạo phòng chống sinh vật gây hại vụ đông xuân 2022 – 2023.

DSC_1056

Ông Nguyễn Văn Châu, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng báo cáo tình hình sản xuất vụ đông xuân 2022 - 2023 với đoàn công tác Cục BVTV. Ảnh: Minh Hậu.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho biết, vụ đông xuân 2022 - 2023, toàn tỉnh xuống giống 37 nghìn ha/40 nghìn ha cây hàng năm (đạt 91,1% kế hoạch), trong đó: Diện tích lúa khoảng 6,5 nghìn ha/8,9 nghìn ha (đạt 73,2% kế hoạch); diện tích ngô đã xuống giống 1,3 nghìn ha/1,7 nghìn ha, đạt 75,3% kế hoạch; cây rau, đậu các loại đã xuống giống khoảng 25,3 nghìn ha/25,2 nghìn ha; cây hoa các loại, diện tích gieo trồng 3,7 nghìn ha/3,6 nghìn ha.

Đối với cây lâu năm, toàn tỉnh có 172 nghìn ha cà phê, 11 nghìn ha chè, 22 nghìn ha điều, 1,9 nghìn ha tiêu, gần 10 nghìn ha dâu tằm, 7,7 nghìn ha mắc ca, 773 ha chanh dây, 9 nghìn ha cao su, 31 nghìn ha cây ăn quả các loại.

Về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, hiện nay toàn tỉnh đã được cấp 5 mã số. Trong đó 1 mã số vùng trồng sầu riêng với diện tích 150ha của Công ty Long Thuỷ, 2 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Công ty Long Thuỷ và Công ty Tập đoàn Trung Bảo Tín, 2 mã số vùng trồng chanh leo với diện tích 111ha của Công ty Trường Hoàng và Công ty Bảo Long Đức Trọng.

san-xuat-700-tan-sau-rieng-huu-co-cung-ung-cho-thi-truong-081308_128

Thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng ghi nhận sinh vật gây hại, các loại bệnh hại trên cà phê, sầu riêng, điều, các loại rau, hoa… và đã triển khai các biện pháp phòng, trừ. Ảnh: Minh Hậu.

Đối với tình hình dịch bệnh, ông Hà Ngọc Chiến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Lâm Đồng cho biết, tỉnh ghi nhận sinh vật gây hại, các loại bệnh hại trên cà phê, sầu riêng, điều, các loại rau, hoa… và đã triển khai các biện pháp phòng, trừ.

Riêng bệnh tuyến trùng trên cây dâu tằm, năm 2022 tỉnh ghi nhận khoảng 700ha dâu ở những khu vực trũng thấp, ngập úng, vườn dâu lâu năm bị ảnh hưởng. Đối với diện tích bị ảnh hưởng, ngành nông nghiệp đã tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng các loại thuốc BVTV, đặc biệt là thuốc sinh học để phòng trừ. Đối với diện tích nhiễm bệnh nặng, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân luân canh.

Cũng theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua, địa phương ghi nhận 215ha cây trồng bị bệnh xoăn lá virus tại các huyện Đơn Dương, Đức Trọng và 248ha bị bệnh mốc sương gây hại, trong đó 25ha nhiễm nặng. Đối với bệnh xoăn lá virus trên cây họ cà và bệnh tuyến trùng trên dâu tằm, việc phòng ngừa còn gặp nhiều khó khăn do một bộ phận người dân không tuân thủ các hướng dẫn, khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Nhiều diện tích vườn nhiễm bệnh nặng, cần luân canh nhưng người dẫn vẫn tổ chức xuống giống nên bệnh tiếp tục bùng phát, lây lan.

“Hiện nay giá kén cao nên người dân trồng dâu liên tục, không chấp nhận luân canh dù ngành nông nghiệp đã khuyến cáo. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh bùng phát”, ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết.

Đẩy nhanh việc cấp mã số vùng trồng sầu riêng

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho hay, thời gian qua, các mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của địa phương được cấp mã đã giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch qua thị trường Trung Quốc. Do vậy, Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Cục BVTV tiếp tục hỗ trợ địa phương trong việc cấp mã số vùng trồng, mã số đóng gói đối với nông sản này.

DSC_1060

Tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Cục BVTV và các cơ quan chức năng hỗ trợ địa phương nhập khẩu trứng giống tằm để phục vụ sản xuất. Ảnh: Minh Hậu.

Ông Hà Ngọc Chiến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Lâm Đồng kiến nghị: “Hiện nay tỉnh có khoảng 16 nghìn ha sầu riêng nhưng mới chỉ có 150ha được cấp mã số, còn 2 nghìn ha mới hoàn thiện hồ sơ. Một số tổ hợp tác đang gặp khó khăn trong việc đề xuất cấp mã số vùng trồng nên rất cần Cục BVTV hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn. Việc có mã số vùng trồng sẽ giúp các tổ hợp tác sản xuất sầu riêng đẩy mạnh xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc”.

Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cũng kiến nghị Cục BVTV tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu hoa cắt cành qua Úc do thị trường này cấm sử dụng hoạt chất Glyphosate trong xử lý mầm hoa. Đồng thời kiến nghị Cục BVTV có giải pháp hỡ trợ Lâm Đồng nhập khẩu các giống hoa bản quyền để phục vụ sản xuất. Cùng với đó, hỗ trợ địa phương nhập khẩu trứng giống tằm.

Ông Nguyễn Văn Châu đề nghị: “Ngành dâu tằm của tỉnh Lâm Đồng đang có sự phát triển tốt, ngang tầm với thời hoàng kim trước đây. Tỉnh hiện có gần 10 nghìn ha dâu, các giống dâu cơ bản đáp ứng sản xuất nhưng giống vẫn phải nhập khẩu từ Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Do vậy, tỉnh rất cần sự hỗ trợ từ Cục BVTV, các bộ, ngành hỗ trợ nhập khẩu giống tằm”.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho rằng, Lâm Đồng có cơ cấu giống cây trồng khá phức tạp và việc sử dụng, quản lý vật tư nông nghiệp còn nhiều khó khăn. Đối với virus trên cây họ cà, tuyến trùng trên dâu tằm, bệnh trên cà phê, chè, bệnh xì mủ trên sầu riêng…, Cục BVTV sẽ giao các đơn vị liên quan rà soát lại để tuyên truyền đến người dân và thực hiện các biện pháp phòng trừ. Đặc biệt khuyến khích người dân giảm hoá chất BVTV, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học. Đối với các bệnh hại lây nhiễm từ nhiều nguồn khác nhau, cần rà soát nguồn lây, trên cơ sở đó đưa ra giải pháp phù hợp...

Tại buổi làm việc, Cục BVTV cũng đề nghị tỉnh Lâm Đồng phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, triển khai các biện pháp quản lý dịch bệnh hiệu quả.

Tỉnh Lâm Đồng hiện có 2.267 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, gồm 670 cơ sở sản xuất kinh doanh giống, 1.597 cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón và thuốc BVTV.

Năm 2022, cơ quan chức năng kiểm tra đột xuất 174 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc BVTV, giống cây trồng và phát hiện 58 trường hợp vi phạm, đã xử lý 46 trường hợp vi phạm, 1 trường hợp chuyển cơ quan cảnh sát điều tra, 1 trường hợp chuyển UBND tỉnh Lâm Đồng xử lý theo đúng quy định. Tổng số tiền xử phạt là 597 triệu đồng.

Trong năm 2022, Lâm Đồng cũng kiểm tra chất lượng 78 mẫu phân bón, thuốc BVTV (26 mẫu thuốc BVTV, 52 mẫu phân bón), phát hiện 11 mẫu không đảm bảo chất lượng, 10 mẫu phân bón giả...

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.