| Hotline: 0983.970.780

Làm gì khi trẻ vừa lười vừa ích kỷ?

Thứ Bảy 13/10/2018 , 15:10 (GMT+7)

Ngoài việc đi học, Lan Anh không làm bất cứ việc nhà nào giúp bố mẹ. Dù đã là học sinh lớp 11, nhưng bố mẹ đi làm về vẫn phải lao vào bếp nấu cơm, việc của cô là chờ cơm chín bố mẹ dọn sẵn rồi gọi rát cổ mới xuống ngồi vào mâm.

Bố mẹ Lan Anh cũng nhận ra sự lười biếng của cô bé, áp dụng đủ chiêu nhưng tính xấu ấy vẫn không hề thay đổi. Thậm chí, dạo gần đây viện cớ bận đi học, nhịn ăn giảm cân nên những ngày này cứ đi học về là cô chui vào phòng, bần cùng bất đắc dĩ mới chào bố mẹ một câu.

imge-url205706234
Ảnh minh họa

“Tôi đã sai lầm khi từ bé đã không cho con làm bất cứ việc gì nên giờ… thành tính không thể nào sửa được. Có hôm tôi bị ốm, bố nó đi công tác, gọi mỏi mồm đặt cho mẹ nồi cháo nó cũng vùng vằng làm rồi bảo lúc nào được mẹ tự lấy ăn, con còn bận học. Tức nổ đom đóm mắt, nói nhiều nhưng nó cư trơ ra, chẳng thay đổi được gì”, chị Thái, mẹ của Lan Anh, thất vọng nói.

Chia sẻ tình huống của chị Thái, TS. Nguyễn Thụy Anh cho rằng, một trong những nhóm quyền của trẻ em được ghi nhận trong Công ước quốc tế là quyền được tham gia. Cha mẹ hãy coi trẻ là một cá thể có ý thức, có khả năng tiếp nhận thông tin, thấu hiểu tình cảm và lo lắng của người lớn để bắt đầu có sự chia sẻ từ khi con còn nhỏ.

“Chúng ta hãy tâm sự mọi trạng thái tình cảm và sức khỏe thậm chí tài chính của gia đình và các thành viên trong gia đình của mình với con. Ví dụ hôm nay trời mưa to quá, bố đi mưa nên bị đau đầu con ạ, rồi bạn đề nghị con xoa đầu cho mình cho đỡ đau. Đương nhiên, chớ lạm dụng những lời than vãn. Hãy chia sẻ trong chừng mực “sức tiếp nhận” của trẻ chịu được những vấn đề của người lớn”, TS Nguyễn Thụy Anh chia sẻ.

Tình trạng chung của trẻ hiện nay là thường không phải làm việc nhà, vì thế nhiều bạn lên lớp 5 vẫn không biết tự lấy đồ, mặc quần áo, thậm chí vào đại học cũng chưa biết nấu một bữa cơm với những món đơn giản. Không những trẻ lười làm việc nhà, nhiều trẻ còn sinh ra thói ích kỷ… hễ bố mẹ sai làm việc gì là mặt nặng, mày nhẹ… Các chuyên gia cho rằng, đây là hệ quả của cách chiều con thái quá của các bậc phụ huynh.

“Các bậc cha mẹ có con nhỏ từ khi lên 2-3 tuổi lưu ý, mỗi lần làm bếp, giặt đồ, phơi quần áo… bạn hãy luôn cho trẻ tham gia. Ở tuổi này, chúng rất háo hức bắt chước và muốn giúp đỡ người lớn. Nếu bạn vì sợ mất thời gian mà bỏ qua giai đoạn chia sẻ này thì thật là đáng tiếc, bạn có thể không có cơ hội tốt như thế về sau. Theo đó, bố mẹ nên cho trẻ cùng làm những công đoạn nhỏ và dễ trong việc nhà, chẳng hạn mẹ lau sàn, con thì lau ghế, lau bàn; cho đồ vào máy giặt, còn mẹ đổ xà phòng, con bấm nút vận hành máy giặt hộ mẹ… Tất nhiên mọi thao tác đều dưới sự giám sát của mẹ.

Với trẻ từ lớp 1 trở lên, bạn có thể tâm sự với con cả những khó khăn lớn hơn trong xã hội như tình hình khủng hoảng, giá rau, giá gạo tăng lên. Tất nhiên, cũng kết với con cả những niềm vui nữa, chứ đừng chỉ có thông tin tiêu cực. Ví dụ, mẹ được tăng lương, hay bố có thưởng cả nhà mình sẽ cùng đi mua một món đồ gia dụng nào đó”, TS Thụy Anh bày cách.

Ngoài ra, theo vị chuyên gia giáo dục này bên cạnh việc cho con cùng tham gia một cách tự giác, trước hết bố mẹ cần hướng dẫn cho trẻ làm những việc đơn giản, vừa sức. Ví dụ, với bé trai 5-6 tuổi có thể lau bàn ghế, rửa cốc chén, quét nhà, dọn giày dép, sắp bát đũa ra mâm cơm, tưới chậu cây cảnh, cho chó, gà lợn ăn… Khi đã hướng dẫn con rồi thì cần phân công những việc cụ thể của riêng con, không ai trong gia đình làm thay việc ấy hết. Trẻ sẽ thấy những việc đó là tự nhiên và vui sướng được nhận trách nhiệm, thậm chí còn có thể bực mình nếu bạn làm giúp con.

“Nếu nhà có người giúp việc phải thống nhất với họ về phần việc nhỏ của bé, đề nghị giúp việc không can thiệp. Đối xử với người giúp việc cũng phải thật trân trọng để trẻ có cái nhìn đúng đắn về việc lao động chân tay và việc nhà.

Không “sai vặt” trẻ quá nhiều, khiến trẻ mất hứng thú công việc. Nếu đã giao việc cụ thể cho trẻ, cứ bình tĩnh để trẻ tự giác làm. Nếu có nhắc, cũng nhắc thật khéo. Hãy luôn tỏ ý tin tưởng rằng trẻ không bao giờ lơ là các công việc của mình”, TS Thụy Anh nhấn mạnh.

Trong trường hợp con bận học hoặc mệt mà chưa làm một việc gì đố thuộc về “trách nhiệm gia đình” của mình, bố mẹ đừng vội phê bình, nhắc nhờ hoặc im lặng làm hộ. Hãy tỏ ra thông cảm và hiểu lý do vì sao trẻ chưa thực hiện công việc, và an ủi để mai con làm việc đó cũng được và “đừng quên những lời khen ngợi đúng lúc”.

“Mỗi tuổi mỗi lớn, khả năng chia sẻ công việc gia đình của trẻ càng tăng. Bạn có thể dần dần giao các việc lón hơn đòi hỏi trách nhiệm cao hơn cho trẻ. Theo đó, bạn có thể bày cho con đặt nồi cơm trước khi mẹ về (với bé đã 8, 9 tuổi). Chú trọng dạy con ý thức giữ an toàn trong nhà (về điện, chống cháy nổ, đề phòng kẻ gian…”, TS Thụy Anh kết luận.

Một lần nữa, TS Thụy Anh nhấn mạnh, trẻ em có khả năng chia sẻ, thấu hiếu, đồng cảm… rất lớn, chỉ cần bố mẹ đánh giá cao khả năng ấy và biết cách khéo léo kích thích cho nó phát triển. Điều này không chỉ khiến mối liên quan giữa các thành viên trong gia đình ngày càng khăng khít hơn mà còn là một hành trang tinh thần cũng như kỹ năng xã hội cần thiết cho con khi bước vào đời.

(Kiến thức gia đình số 41)

Xem thêm
Gia đình - Nơi hạnh phúc bắt đầu

Gia đình - Nơi hạnh phúc bắt đầu là cách nhấn mạnh rằng gia đình chính là nguồn cội của mọi niềm vui và sự bình yên trong cuộc sống.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?