| Hotline: 0983.970.780

Làm sao chống lại cái ác trên đường phố?

Thứ Bảy 20/04/2019 , 07:10 (GMT+7)

Lại thêm một cái chết đau lòng! Không phải vì tai nạn giao thông, mà vì hành vi bạo lực của người tham gia giao thông.

Do lên tiếng nhắc nhở thái độ xem thường luật pháp của một cậu thiếu niên 16 tuổi, nên người đàn ông 33 tuổi bị đâm tử vong tại TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

Câu chuyện nghe khó tin, nhưng đã xảy ra thật bàng hoàng. Trách móc hay âu lo, dường như đã không còn tác dụng. Cả xã hội đang cần một giải pháp khả thi, khi cái ác đang nhởn nhở trên đường phố.

Câu chuyện có thể kể lại vắn tắt như sau: Vào lúc 11h30 ngày 4/4, cậu trai Lê Văn Hoài (sinh năm 2003) chạy xe đạp điện chở bạn gái ngang qua giao lộ Hùng Vương - Nguyễn Huệ thuộc khu vực phường 1, TP Quảng Trị) đã phớt lờ mọi quy định về an toàn giao thông. Nhìn thấy Hoài không đội mũ bảo hiểm mà còn vượt đèn đỏ suýt xảy ra va chạm với xe máy của mình, nên anh Mai Xuân Lan (SN 1986) đã nhắc nhở thiện chí. Ban đầu, anh Lan nói “Mi đi chi lạ rứa” thì Hoài đã đáp trả bằng cách… chửi tục. Bực bội, anh Lan đuổi theo ép xe đạp của Hoài vào lề để làm rõ phải quấy, thì xảy ra xung đột gay gắt hơn. Một hồi lời qua tiếng lại, Hoài đã rút dao bấm có sẵn trong túi để đâm anh Lan. Dù được đưa đi cấp cứu, nhưng anh Lan đã tử vong.

Lê Văn Hoài, thiếu niên dùng dao bấm đâm chết người nhắc nhở mình vượt đèn đỏ. Ảnh: Công an Quảng Trị

Tại cơ quan công an, đối tượng Hoài khai rằng, vì bị anh Lan dùng tay và nón bảo hiểm tấn công, nên Hoài đã phản kháng bằng dao. Dù đó là cách biện hộ nhằm có lợi cho đối tượng Hoài, thì cũng không thể nào phủ nhận sự manh động ở nghi can tuổi mới lớn này. Anh Lan có làm gì sai trái không? Không, anh Lan chỉ đề cao tinh thần pháp luật và có động cơ nghĩa hiệp thôi. Có thể anh Lan xem đối tượng Hoài như con cháu trong nhà, và có ý định dạy dỗ cho tử tế hơn. Không ngờ, Hoài đang ở giai đoạn ương ngạnh đã dùng bạo lực để kết thúc một mâu thuẫn do cái càn quấy của bản thân gây ra.

Nếu trong một xã hội văn minh và nề nếp trên dưới vẫn tồn tại, thì việc người lớn tuổi uốn nắn người nhỏ tuổi ngay trên đường phố là điều hết sức bình thường. Thậm chí, đối tượng Hoài còn cảm ơn tấm lòng của anh Lan. Đáng tiếc, khi cái ác ngấm ngầm nảy sinh trong mỗi con người nháo nhào danh lợi, thì một gã trai như Hoài lại có kiểu ngược ngạo không thể tiên liệu.

Người chết đã là một mất mát, mà người sống cũng phải đối mặt với không biết bao nhiêu hệ lụy ê chề. Anh Lan đang là lao động chính nuôi sống cả nhà. Ngoài bố mẹ già phải phụng dưỡng, anh Lan còn người vợ vừa mới sinh con. Chị Hoàng Thị Sương, vợ của anh Lan, là giáo viên của một trường mầm non tư thục, đã khóc ngất vì sự ra đi đột ngột của chồng. Chị đang nghỉ thai sản, mọi chi tiêu đều dựa vào đồng lương công nhân của anh Lan. Căn nhà chật chội của họ, sau sự ra đi của người đàn ông trụ cột, còn trở nên chông chênh và lạnh lẽo. Ngày đưa tang anh Lan, rất nhiều chiến sĩ thuộc phòng cảnh sát giao thông TP Đông Hà đã đến viếng. Xúc động trước hoàn cảnh của người quá cố, trung tá Lê Mạnh Hùng - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông TP Đông Hà đã viết tâm thư kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ.

Tâm thư của Trung tá Hùng được rất nhiều người chia sẻ và hưởng ứng. Đó là chút lửa ấm trao truyền giữa một cú sốc đáng buồn. Thế nhưng, không người nào dám chắc sẽ không xuất hiện đối tượng Hoài khác trên đường phố. Không chỉ ở Quảng Trị, mà ở Hà Nội, ở Sài Gòn, hoặc ở Cần Thơ thì sao?

Bạo lực lan tràn trong xã hội vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Cách đây hơn 10 năm, khi vừa rời khỏi vị trí Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã viết bài thơ “Nghe tin hai nhà khoa học học bị tai nạn xe máy” với sự báo động mạnh mẽ: “Đúng rồi, đây là thời không ai muốn chậm chân/ Nhà khoa học chậm chân thì cũng lãnh đủ/ Sự hung bạo? Không thể nói khác, chính là sự hung bạo! Nó lừng lững đi ra từ tiền sử/ Trải qua chiến tranh/ Và bây giờ nhập cuộc hiện đại/ Hung bạo trên mạng, trên sàn diễn, trong lớp học/ Hung bạo giữa bàn nhậu, cửa sau công sở, hung bạo đường phố/ Hung bạo văn chương, tố giác nặc danh/ Lạng lách thời thượng và sành điệu/ Tôi thương xót những nhà khoa học không đủ sức chống lại ngọn roi hung bạo/ Tôi thương xót nhiều hơn cho chính nước tôi”.

Đáng tiếc, bao nhiêu năm qua chúng ta vẫn chưa có giải pháp nào hữu hiệu để ngăn chặn những cái ác nhởn nhơ trên đường phố.

Làm sao để ngăn chặn những hành vi bạo lực ngay giữa thanh thiên bạch nhật? Tiến sĩ tâm lý học Trần Thành Nam (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc Gia Hà Nội) cho rằng: “Xã hội nào cũng có những trường hợp lệch chuẩn. Chúng ta đã có những giải pháp nhưng chưa triệt để. Một phần truyền thông ngày nay minh bạch nên những sự việc bạo lực được đưa ra cộng đồng nhiều hơn. Ở tầm vĩ mô, các chính sách chúng ta đưa ra căn bản chưa giải quyết tận gốc vấn đề. Ví dụ vấn đề căn bản làm sao để giảm áp lực cho mọi người. Muốn thế hệ thống an sinh xã hội phải tốt lên, thủ tục hành chính bớt phiền hà đi. Rồi bản thân mỗi người cần được đối xử công bằng, được quyền chia sẻ và ghi nhận. Đối với mỗi cá nhân, xã hội ngày càng phát triển đòi hỏi kỹ năng con người cần nâng lên nhưng giới trẻ ngày nay thiếu nhiều kỹ năng”.

(Kiến thức gia đình số 16)

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất