| Hotline: 0983.970.780

Làng nghề Phương Độ: Nơi nông dân nói chuyện tiền tỷ

Thứ Ba 01/09/2020 , 07:38 (GMT+7)

Nghề mộc ở Phương Độ đã có từ lâu đời, qua bàn tay trạm trổ điêu luyện của các nghệ nhân, mỗi năm có hàng nghìn sản phẩm tinh xảo được bán ra thị trường.

Nhiều gia đình giàu có với nghề mộc

Trở lại làng nghề truyền thống mộc mỹ nghệ Phương Độ, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên những ngày này, chúng tôi có dịp trò truyện với những nghệ nhân, những người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực làm đồ gỗ, được tận mắt chứng kiến những nghệ nhân trạm trổ các sản phẩm một cách tinh tế.

Nghe các cụ cao niên kể lại, làng nghề mộc ở đây đã có từ lâu đời, chẳng nhớ rõ từ bao giờ chỉ biết người dân đã gắn bó với cái nghề này qua nhiều thế hệ và được rất nhiều khách hàng xa gần biết đến.

Hiện nay, làng nghề mộc mỹ nghệ Phương Độ có tất cả 57 hộ tham gia sản xuất, kinh doanh nghề mộc, tập trung chủ yếu ở các xóm Tân Sơn 8 và Tân Sơn 9 của xã Xuân Phương (huyện Phú Bình). Tổng doanh thu năm 2019 của cả làng nghê lên tới hơn 80 tỷ đồng, trung bình mỗi hộ kinh doanh đạt từ 1,5 – 2 tỷ đồng/năm. Bà con ở đây cũng nhờ đó mà trở nên giàu có hơn so với mặt bằng chung.

Các cơ sở cũng thường xuyên tạo công ăn việc làm cho khoảng 250 lao động địa phương, có thu nhập cao, ổn định. Trung bình doanh thu của. Năm 2010 làng nghề mộc Phương Độ được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp bằng công nhận là làng nghề truyền thống của tỉnh.

Những năm qua, các hộ dân trong làng nghề không ngừng đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại nhằm hạn chế sức lao động thủ công và tạo ra những sản phẩm tinh xảo, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khắp các vùng miền.

Theo các hộ dân làm nghề thì thời điểm từ tháng 8 đến cuối năm, lượng khách hàng đến mua sản phẩm rất lớn, do đó sức tiêu thụ sẽ tăng mạnh, bởi vậy đây là thời điểm các hộ đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng đủ sản phẩm cho thị trường dịp cuối năm.

1. Làng nghề mộc mỹ nghệ Phương Độ, xã Xuân Phương hiện nay có tất cả 57 hộ sản xuất kinh doanh. Ảnh: Kiều Hải.

1. Làng nghề mộc mỹ nghệ Phương Độ, xã Xuân Phương hiện nay có tất cả 57 hộ sản xuất kinh doanh. Ảnh: Kiều Hải.

Xây dựng thương hiệu

Mới vừa đặt chân đến đầu làng, tiếng lạch cạch, đục đẽo thân quen từ những xưởng sản xuất chế biến đồ gỗ mỹ nghệ đã vang lên nhịp nhàng.

Chúng tôi có mặt tại cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Huy Hoàng ở xóm Tân Sơn 8, xã Xuân Phương.Chủ cơ sở là anh Dương Huy Hoàng (34 tuổi) đã làm nghề được khoảng hơn chục năm nay.

Tâm sự với chúng tôi, anh Hoàng cho biết: Trước cũng đã từng có thời kỳ đi học thêm kiến thức làm mộc ở Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh). Sau đó mới về đây mở cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, phát triển kinh tế tại địa phương. Ban đầu sản xuất và buôn bán nhỏ lẻ do vốn còn ít, các mặt hàng chính của gia đình chủ yếu là bàn, ghế, giường, tủ, kệ, hán gian, sập, bàn thờ...

Tại khu một nhà xưởng của ông Dương Nghĩa Đào (57 tuổi), diện tích khoảng 300m2 với hệ thống máy móc hiện đại. Gỗ để sản xuất các sản phẩm chủ yếu là gỗ lát, bạch đàn, xoan, xà cừ… Sản phẩm của gia đình ông chủ yếu sản xuất để phục vụ các đối tượng khách hàng bình dân. Kèm với đó, các mặt hàng cao cấp từ gỗ hương, gỗ gụ cũng được sản xuất để phục vụ cho các đối tượng khách hàng Vip khi có nhu cầu.

 Ông Đào kể, trước đây gia đình chủ yếu sản xuất bằng thủ công nên số lượng làm ra rất ít và mẫu mã sản phẩm cũng kém tinh tế. Từ khi đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại thì năng suất lao động tăng cao và chất lượng sản phẩm vì thế cũng được nâng lên.

Là một cơ sở sản xuất nhỏ, nhưng doanh thu của ông Đào năm 2019 đã đạt khoảng 1,5 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 8 – 9 lao động với mức thu nhập bình quân từ 7 – 9 triệu đồng/người/tháng. Nhưng năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên số lượng nhân công giảm chỉ còn khoảng 3 – 4 người, sản lượng cũng giảm theo.

Ông Nguyễn Văn Bích (52 tuổi), Chủ Cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Bích Tâm cho biết: Gia đình làm nghề mộc đã được 30 năm nay từ thời bố mẹ. Hiện tại, có 2 xưởng sản xuất với 5 lao động thường xuyên làm việc tại xưởng chủ yếu là người địa phương có mức thu nhập trung bình 8 triệu đồng/người/tháng. Nhưng trước khi mở xưởng, ông cũng phải đi học thêm kiến thức làm mộc rồi mới về mở xưởng.

4. Ông Nguyễn Văn Bích, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Bích Tâm. Ảnh: Toán Nguyễn.

4. Ông Nguyễn Văn Bích, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Bích Tâm. Ảnh: Toán Nguyễn.

Được thị trường đón nhận

Sản phẩm mà các cơ sở làm ra không chỉ bán lẻ trực tiếp cho người tiêu dùng, mà còn bán buôn cho các đại lý với số lượng lớn. Bên cạnh đó, cơ sở cũng nhận sản xuất theo đơn đặt hàng của khách với tất cả các mẫu mã và chủng loại khác nhau.

Những sản phẩm được sản xuất tại làng Phương Độ Hiện chủ yếu hiện nay là bàn, ghế, tủ, giường, bàn thờ,… có giá cả bình dân, phù hợp với mặt bằng thu nhập của đại đa số người dân.Tùy từng sản phẩm và mặt hàng mà giá cả có phần khác nhau, rẻ thì 1 – 2 triệu đồng cũng có, đắt thì lên tới cả trăm triệu cho một sản phẩm, thậm chí cao hơn rất nhiều. Thị trường bán sản phẩm chủ yếu vẫn là trong địa bàn tỉnh Thái Nguyên và một số tỉnh lân cận khác như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Hà Giang, Nghệ An, Thanh Hóa…

Gặp một khách hàng từ xa đến Phương Độ, chị Hoàng Thị Duyên, ở Tp. Sông Công (Thái Nguyên) cho biết: “Tôi đã nghe nói đến sản phẩm của làng nghề mộc Phương Độ từ lâu nhưng hôm nay mới có dịp đến xem. Gia đình tôi mới xây nhà nên dự định đến đây để sắm một bộ bàn ghế. Sau khi tham quan cửa hàng, tôi thấy các sản phẩm ở đây có mẫu mã rất đẹp mà giá cả lại hợp lý”.

Ông Hoàng Xuân Phương – Chủ tịch UBND xã Xuân Phương nói về định hướng phát triển làng nghề Phương Độ trong thời gian tới, ông Phương cho biết thêm: Đến nay, xã khuyến khích các hộ đầu tư chuyên sâu, mở rộng diện tích quy mô, thay đổi công nghệ, mẫu mã sản phẩm để phù hợp với thị hiếu của khách hàng và xu thế phát triển của thị trường. Đồng thời tạo điều kiện cho các hộ được vay vốn để mở rộng quy mô sản xuất.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.