Như Báo NNVN đã thông tin, giữa tháng 1/2018, tại Lào Cai xảy ra vụ việc hàng chục nghìn mét khối nước, bùn thải của Nhà máy tuyển Bắc Nhạc Sơn (thuộc Cty Apatit Việt Nam) tràn xuống nhiều nhà dân, gây thiệt hại nặng về tài sản, hoa màu. Đơn vị này sau đó đã đứng ra nhận trách nhiệm. Đó như một tiếng chuông cảnh báo, khi mà trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 19 hồ thải công nghiệp quy mô lớn.
Sự cố hồ đập tại Nhà máy tuyển Bắc Nhạc Sơn |
Trở lại với sự cố tại Nhà máy tuyển Bắc Nhạc Sơn, ông Vương Trinh Quốc, Chánh Văn phòng – người phát ngôn tỉnh Lào Cai cho biết, cơ quan chức năng đã thống kê tổng thiệt hại tài sản, hoa màu tổng là 615 triệu đồng của 42/46 hộ bị ảnh hưởng. Việc chi trả đền bù được hoàn thành trong 2 ngày 6 – 7/2.
Riêng thiệt hại về thủy sản (10/42 hộ), do chưa có sự thống nhất giữa người dân và cơ quan chức năng trong việc thống kê nên chưa chốt xong con số. Tuy nhiên, việc thống kê thiệt hại, chi trả cho người dân cũng phải được triển khai trước Tết Nguyên Đán.
Hộ ông Nguyễn Mạnh Thắng, ở thôn 3 xã Đồng Tuyển (thành phố Lào Cai) là một trong những hộ thiệt hại nặng sau sự cố. Ông Thắng cho biết, gia đình có 2 ao mỗi năm thu hoạch khoảng 4 – 5 tấn cá. Đợt này trong ao cũng có hơn 1 tấn cá chuẩn bị để bán Tết, giờ mất trắng không biết xoay sở ra sao.
Sát ngay nhà ông Thắng là hộ ông Vi Văn Tàng cũng bị thiệt hại về hoa màu và diện tích ao nuôi cá. Theo ông Tàng thì vài ngày trước khi đi qua đập người dân thấy cống xả có hiện tượng bị nứt và có báo cho nhà máy nhưng không thấy xử lý gì. “Ngày xảy ra sự cố thì buổi sáng sớm đã thấy nước chảy ra suối mạnh hơn mọi ngày, bà con báo cho xã, nhà máy nhưng không thấy có phản ứng gì. Mãi tới khi nước chảy ồ ạt thì cơ quan chức năng mới tiến hành ứng cứu. Nếu lúc đấy phát hiện ra mà chặn ngay thì thiệt hại không lớn như vậy”, ông Tàng cho biết thêm.
Điều đáng nói, là sau khi sự cố xảy ra, phải mất hơn 8 tiếng đồng hồ nhà máy tuyển Bắc Nhạc Sơn và lực lượng chức năng mới khống chế, khắc phục được. Ông Nguyễn Mạnh Thắng, GĐ Nhà máy tuyển Bắc Nhạc Sơn cho biết, do trụ đỡ cánh phai của cửa xả đáy hồ thải bị gãy khiến một lượng lớn nước cùng bùn thải bị thất thoát xuống khu vực hạ lưu. Theo ông Thắng, sự cố lần này cũng là một bài học sâu sắc cho Nhà máy cũng như phía Cty.
Khi được hỏi về công tác bảo đảm an toàn hồ chứa thời gian qua được nhà máy triển khai ra sao, ông Thắng cho biết: “Chúng tôi có tổ chức các phương án diễn tập sự cố hồ thải thường xuyên, tuy nhiên không nghĩ lại xảy ra sự cố như thế này nên lúc xảy ra cũng lúng túng...”. Không hiểu sao, việc diễn tập thường xuyên được triển khai, nhưng khi sự cố xảy ra thì lại lúng túng. Qua đây, người dân có quyền đặt câu hỏi về khả năng xử lý sự cố tại chỗ cũng như chất lượng thực sự của những đợt diễn tập.
Các doanh nghiệp, cơ quan chức năng cần quan tâm hơn tới an toàn hồ đập |
Theo Sở TN&MT Lào Cai, trên địa bàn có 19 hồ chứa nước, bùn thải các loại của các nhà máy, công trường. Mỗi hồ có hàng nghìn mét khối nước, bùn thải sau sản xuất. Trước sự cố kể trên, vấn đề an toàn đối với các hồ thải cần được kiểm tra, chấn chỉnh cấp bách hơn bao giờ. Vì khi xảy ra sự cố, lượng bùn, nước thải này không chỉ ảnh hưởng tới đời sống người dân mà lâu dài còn có nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường.
Ông Lưu Đức Cường, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Lào Cai) cho biết, với một số lượng các hồ thải tương đối nhiều trên địa bàn, thời gian qua, các cơ quan chức năng thường xuyên thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Trong đó, tập trung các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản có tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, chỉ đạo và công tác kiểm tra an toàn môi trường hồ thải của các cơ sở là một trong nội dung của cuộc kiểm tra.
“Qua kiểm tra công tác quản lý an toàn đập, hồ thải các doanh nghiệp đã chủ động, cố gắng kiểm soát nguy cơ xảy ra các sự cố. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động không tránh khỏi các tác động làm ảnh hưởng đến môi trường, như sự cố tại Nhà máy tuyển quặng Bắc Nhạc Sơn”, ông Cường thông tin.