| Hotline: 0983.970.780

Lên Bù Dốt xem giữ rừng

Thứ Tư 15/04/2020 , 09:10 (GMT+7)

PV NNVN đã có dịp theo chân Cộng đồng bảo vệ rừng thôn Bù Dốt để hiểu vì sao Vườn quốc gia Bù Gia Mập vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên thủy…

Theo chân Cộng đồng giữ rừng hiệp đồng tác chiến tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: Trần Trung.

Theo chân Cộng đồng giữ rừng hiệp đồng tác chiến tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: Trần Trung.

Trải nghiệm thực tế…

Trong khi không ít địa phương vẫn đang loay hoay trong việc tìm giải pháp giữ rừng bền vững, thì tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập đứng chân trên địa bàn huyện biên giới Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, rừng vẫn được bảo vệ tốt bởi chính sách giao khoán rừng cho cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số bản địa quản lý.

Cộng đồng bảo vệ rừng thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập là một trong những đơn vị, cộng đồng nhận khoán có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác giữ rừng vừa được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước tặng bằng khen.

Ông Điểu Vi Rút (sinh năm 1964), dân tộc S’tiêng, tổ trưởng cho biết, Cộng đồng thôn có 73 hộ tham gia nhận khoán bảo vệ 2.067ha rừng tại các tiểu khu 21 và 26. Mỗi ca trực, chúng tôi bố trí 12 thành viên tham gia (mỗi hộ 1 thành viên là nam giới trong độ tuổi lao động). Mỗi ca kéo dài 5 ngày liên tục, trong đó 8 thành viên thường trực và 4 thành viên cơ động…

Để có những trải nghiệm thực tế, hiểu thêm khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, PV NNVN có có dịp theo chân Cộng đồng bảo vệ rừng thôn Bù Dốt tuần tra, kiểm soát các khu rừng do đơn vị quản lý.

Lối mòn dẫn chúng tôi đi tận vào rừng sâu rậm rạp. Đường rất hẹp, cây cối, dây gai hai bên vươn ra lối đi khiến những người đi đầu phải liên tục dùng dao rựa phát dọn. Càng vào sâu trong rừng càng mát, cây cối dày đặc, ánh nắng xuyên qua những tán lá le lói hòa cùng nhạc rừng xoa tan không khí tĩnh lặng và làm cho những giọt mồ hôi của những người giữ rừng lắng đọng, phần nào quên đi mệt mỏi.

Một cán bộ trong đoàn cho biết: “Nếu đi rừng mùa mưa thì muỗi, vắt rất nhiều, đường đi cũng khó khăn hơn do sình lầy, trơn trượt.

Anh em đi tuần bị té, bị thương là chuyện bình thường. Mùa khô, ngoài nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát ngăn chặn lâm tặc, giải cứu động vật hoang dã bị bẫy, mắc kẹt, chúng tôi còn phải phòng chống cháy rừng.

Những chỗ có nhiều lá khô, nguy cơ cháy cao thì phải thổi lá, quét dọn sạch sẽ, ngăn ranh giới. Do vậy, ngoài công cụ hỗ trợ, chúng tôi còn mang theo chổi tự làm bằng thân cây lồ ô. Tất cả thành viên đều phải học và sử dụng máy thổi lá thành thạo”.

Theo chân Cộng đồng giữ rừng hiệp đồng tác chiến tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: Trần Trung.

Theo chân Cộng đồng giữ rừng hiệp đồng tác chiến tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: Trần Trung.

Anh em trong đoàn kể thêm, hàng ngày, tất cả cửa ngõ ra vào rừng đều được kiểm soát nghiêm ngặt, khi có vấn đề phát sinh các lực lượng thông báo và sẵn sàng tập trung xử lý, giải quyết. Ngoài việc tự tổ chức đi tuần tra, Cộng đồng còn thường xuyên phối hợp với Trạm kiểm lâm số 1 truy quét tại khu vực được giao khoán.

Trong những tháng cao điểm mùa khô, Cộng đồng cắt cử các nhân viên tuần tra lửa rừng, trực tại chòi canh lửa vào những giờ cao điểm trong ngày. Đặc biệt, qua công tác tuần tra, Cộng đồng đã phát hiện và tháo gỡ tới 420 dây bẫy thú rừng và bàn giao cho ban quản lý.

Cảm hóa lâm tặc giữ rừng

Từng là tay lâm tặc khét tiếng trong vùng, mặc dù tuổi đời mới 47 nhưng anh Điểu Long (xã Bù Gia Mập) đã có “thâm niên”… phá rừng hơn 20 năm!

Anh Long tâm sự, cũng bởi cái đói, cái nghèo, nhà đông anh em, chỉ học hết lớp 2 anh đã  phải theo các anh chị đi rừng kiếm sống. Từ hái đọt mây, đọt nhíp, măng rừng rồi chuyển sang bẫy thú, lên đôi mươi anh đã biết cưa trộm cây rừng đem bán, phá rừng làm rẫy.

Theo chân Cộng đồng giữ rừng hiệp đồng tác chiến tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: Trần Trung.

Theo chân Cộng đồng giữ rừng hiệp đồng tác chiến tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: Trần Trung.

Không chỉ vùng đệm mà cả vùng lõi Vườn quốc gia Bù Gia Mập, nơi nào cũng in dấu chân của anh. Trước sự tàn phá ngày càng khốc liệt của thiên nhiên, anh kịp nhận ra giá trị sống còn của rừng.

Năm 2005, sau khi được cán bộ địa phương tuyên truyền vận động, anh đã quyết tâm “gác kiếm”, từ hình ảnh lâm tặc ai cũng kiêng dè, thì nay sau khi khoác lên mình trang phục người giữ rừng, anh trở thành hạt nhân của các anh em trong cộng đồng nhận khoán.

Với kinh nghiệm trước đây có được, anh là cây sáng kiến đưa ra quyết sách để anh em tổ chức tuần tra, khoanh vùng, bảo vệ rừng rất hiệu quả.

Anh Long chia sẻ, từ một hộ khó khăn, nhưng sau gần 15 năm tham gia bảo vệ rừng, gia đình anh đã có cuộc sống khá ổn định. Anh có 6 người con và 7 đứa cháu.

Hầu hết các con anh hiện đã trưởng thành và ra ở riêng. Ngoài thu nhập từ đi tuần tra bảo vệ rừng, lúc rảnh rỗi, anh còn đi làm thuê như nhặt điều, hái cà phê, tiêu, phát cỏ... để gia tăng thu nhập và cũng dành thời gian vui đùa với con cháu.

Theo chân Cộng đồng giữ rừng hiệp đồng tác chiến tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: Trần Trung.

Theo chân Cộng đồng giữ rừng hiệp đồng tác chiến tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: Trần Trung.

Ông Vương Đức Hòa - Giám đốc Vườn quốc gia Bù Gia Mập cho biết, trước đây, công tác giữ rừng chủ yếu được giao cho lực lượng kiểm lâm.

Tuy nhiên, do diện tích rừng rất lớn, trong khi lực lượng kiểm lâm lại mỏng nên vẫn còn xảy ra tình trạng phá rừng bừa bãi. Từ khi giao cho các cộng đồng nhận khoán, Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã được bảo vệ rất tốt. Tình trạng phá rừng làm rẫy, cháy rừng đã không còn.

Trước đây mỗi năm xảy ra trên 2.000 vụ vi phạm lâm luật thì hiện nay đã giảm đến hơn 90%. Cụ thể, năm 2018 và 2019 chưa đến 20 vụ phá rừng, tính chất, quy mô nhỏ, không đáng kể; còn săn bắt thú chỉ xảy ra lẻ tẻ một vài vụ gây thiệt hại không đáng kể.

Chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập Phạm Sỹ Hoàn cũng phấn khởi cho biết, xã Bù Gia Mập hiện có 7.197 người, trong đó 73% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu dân tộc bản địa S’tiêng. Nhiều hộ trước khi tham gia vào cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng rất nghèo khó, thậm chí đói ăn, nhưng nay cuộc sống đã thay đổi, nhiều hộ còn trở nên khá giả. 

“Việc đồng bào tham gia nhận khoán không chỉ góp phần công cuộc xóa đói giảm nghèo tại địa phương, mà hơn hết đã giảm áp lực vào rừng, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về pháp luật trong việc bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học!”, ông Hoàn nói.

Vườn quốc gia Bù Gia Mập hiện đang quản lý 25.368ha rừng tự nhiên. Hiện nay 100% diện tích rừng được giao cho 10 cộng đồng dân cư và 6 đơn vị lực lượng vũ trang và các tổ chức đoàn thể đứng chân trên địa bàn nhận khoán bảo vệ. Rừng giao khoán đã được bảo vệ rất tốt, thu nhập của người dân đảm bảo bình quân từ 25 - 30 triệu/năm/hộ do đơn giá được tăng từ 250.000 đồng/ha/năm 2017 lên 525.000 đồng/ha/năm 2019.

Xem thêm
Hơn 220 đại biểu dự Đại hội các dân tộc tỉnh Yên Bái

YÊN BÁI Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh mong muốn các dân tộc tỉnh Yên Bái đoàn kết giữ gìn bản sắc văn hóa, bài trừ các hủ tục lạc hậu.

Ngành NN-PTNT khu vực ĐBSCL đạt và vượt nhiều chỉ tiêu

ĐBSCL Ngày 14/11, tại cảng Du thuyền TP Mỹ Tho diễn ra hội nghị tổng kết thi đua các khối Sở NN-PTNT vùng ĐBSCL lần thứ VIII năm 2024.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Vùng hoang vu Quảng Trị: [Bài 5]: Tuyên truyền, vận động: Chưa đủ!

Chưa thể ngăn chặn triệt để, nạn tảo hôn vẫn diễn biến phức tạp trong sự bất lực của các cấp chính quyền và ngành chức năng tỉnh Quảng Trị.