Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị (Sepon Group) vừa làm việc với UBND tỉnh Quảng Trị về đề án phát triển lúa lúa hữu cơ, VietGAP.
Quảng Trị có khoảng 28.000ha trồng lúa nhưng diện tích sản xuất lúa sạch, lúa hữu cơ hiện vẫn còn quá ít (chỉ khoảng 200 ha) và đang rất khó nhân rộng.
Là doanh nghiệp đủ tiềm lực để hợp tác với người dân trong liên kết sản xuất lúa hữu cơ và trên cơ sở các chính sách của Trung ương, tỉnh về khuyến khích đầu tư, phát triển cây lúa, Sepon Group đã nghiên cứu xây dựng Đề án sơ bộ phát triển lúa lúa hữu cơ, VietGAP Quảng Trị.
Mục tiêu của đề án là hình thành các vùng sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP thông qua hợp tác với các hợp tác xã; xây dựng và định hình mô hình liên kết giữa 5 nhà; xây dựng thương hiệu sản phẩm gạo sạch, gạo hữu cơ Quảng Trị để xuất khẩu; áp dụng dịch vụ nông nghiệp vào sản xuất để giảm chi phí.
Từ đó, giúp nông dân trồng lúa trên địa bàn tỉnh nâng cao thu nhập; xây dựng, nhân rộng mô hình “làng sinh thái” gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiêp qua việc bán sản phẩm lúa, gạo đạt chuẩn hữu cơ và các sản phẩm sau gạo. Dự kiến tổng vốn đầu tư khoảng 600 tỉ đồng.
Dự án cũng sẽ góp phần hoàn thành và xây dựng đề án quy hoạch vùng sản xuất lúa hữu cơ Quảng Trị, trong đó, giai đoạn 2021-2022, ký hợp đồng với một số hợp tác xã về liên kết sản xuất 200ha lúa hữu cơ, 300 ha sản xuất lúa VietGAP. Đưa nhà máy sấy lúa công suất 200 tấn/ngày, kho chứa lúa công suất 2.000 tấn vào hoạt động.
Mục tiêu, đến năm 2025 toàn tỉnh Quảng Trị có trên 1.000ha lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ, trên 3.000ha đạt tiêu chuẩn VietGAP và đến năm 2030 sẽ có hơn 7.000ha lúa VietGAP (chiếm 35% sản lượng lúa toàn tỉnh)...
Để dự án thành công, Sepon Group đề xuất với UBND tỉnh Quảng Trị quan tâm xây dựng nhãn hiệu tập thể “Gạo hữu cơ Quảng Trị” kèm theo các tiêu chí, tiêu chuẩn để tổ chức, cá nhân nào đạt được sẽ được phép sử dụng nhãn hiệu này.
Hỗ trợ Hợp tác xã Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong kinh phí duy trì chứng nhận gạo hữu cơ; chi phí thử nghiệm mẫu đất, mẫu nước, giống, phân bón, bù năng suất trong 2 năm đầu; chi phí tập huấn, đào tạo nâng cao nhận thức, hướng dẫn sản xuất, giám sát quá trình thực hiện, cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP; chi phí lập quy hoạch vùng lúa sản xuất hữu cơ, VietGAP cho UBND các huyện Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, Cam Lộ, Gio Linh (hoặc doanh nghiệp).
Hỗ trợ cho doanh nghiệp chi phí đầu tư xây dựng nhà máy sấy lúa, đầu tư kho chứa lúa thành phẩm để dự trữ lúa cho người dân, hợp tác xã sản xuất lúa hữu cơ, VietGAP, hình thành sàn giao dịch lúa gạo.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng đề án cơ bản có sức thuyết phục cao, sản xuất lúa hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập và giải phóng sức lao động cho người dân. Giao cho các huyện nằm trong đề án chọn những cánh đồng lớn để tổng hợp báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng quy hoạch vùng sản xuất lúa hữu cơ, lúa VietGAP của tỉnh.
Việc ký hợp đồng giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, địa phương, người nông dân, các đơn vị liên quan hợp tác liên kết sản xuất cây lúa phải cụ thể, gắn kết trách nhiệm với nhau. Những kiến nghị, đề xuất của Sepon Group để xây dựng đề án rất xác đáng, phù hợp, do đó các sở, ban ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Lựa chọn địa điểm quy hoạch vùng nguyên liệu lúa hữu cơ, VietGAP
Theo ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, trước mắt, tỉnh cho phép Sepon Group lựa chọn địa điểm dự kiến xây dựng nhà máy sấy lúa; phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương liên quan xây dựng cụ thể quy hoạch vùng nguyên liệu lúa hữu cơ, VietGAP.
Đồng thời giao Sở NN- PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, đơn vị, địa phương liên quan và doanh nghiệp phát triển đề án thành dự án; xây dựng lại Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn tiếp theo, trong đó lấy cây lúa làm trọng tâm.