| Hotline: 0983.970.780

Loa phát thanh ở ngay trong nhà

Thứ Bảy 29/02/2020 , 08:20 (GMT+7)

Lắm lời là một tật xấu. Thế nhưng, có phải các bà xem nghệ thuật lắm lời là thượng sách trong quan hệ vợ chồng không?

Ảnh minh họa: Vector Stock.

Ảnh minh họa: Vector Stock.

Khi nhắc đến câu ca dao “đàn ông miệng rộng thì sang, đàn bà miệng rộng tan hoang cửa nhà”, mỗi người có một cách hiểu khác nhau. Tuy nhiên, với quý ông đã lập gia đình, thì khái niệm “miệng rộng” đáng sợ không phải ở năng khiếu… ăn nhiều, mà là ở chuyên môn… nói nhiều. Tại sao lại như thế nhỉ?

Chưa thấy ai thống kê theo kiểu điều tra xã hội học cho đề tài đàn bà lắm lời, nhưng tôi để ý thấy mỗi lúc có dịp thuận lợi thì các ông chồng thường than vãn về kỹ nghệ phát thanh liên tu bất tận.

Thậm chí, vấn đề đàn bà lắm lời trở thành lý do cuối cùng để các ông chồng chốt hạ lạ một câu chuyện.

Thí dụ, “ông đừng đem rượu đến nhà tui nhậu nữa, vợ tui nó càm ràm từ hôm qua đến giờ, muốn điếc tai” hoặc “ông mượn xe tui phải đi cẩn thận chứ, cả tuần nay về tui nó cứ cằn nhằn về cái vết xước”.

Mà đã đụng đến ưu điểm phun châu nhả ngọc của các bà vợ, thì bạn bè phái mạnh cũng chỉ biết nhìn nhau le lưỡi một cách hãi hùng.

Vì sao đàn bà lắm lời? Vì họ nhỏ nhen chăng? Vì họ thích truyền đạt chăng? Vì họ thích lên lớp chăng? Vì họ rãnh rỗi chăng? Vì họ quen thói chăng? Theo tôi, bất kỳ lý do nào vừa liệt kê trên đây cũng cực kỳ… nguy hiểm, nếu ông chồng bạo gan thử bày tỏ trước mặt đối tượng bị đem ra phán xét.

Chí ít, đấng phu quân sẽ được nhận lại một diễn văn hùng hồn có đầy đủ mở bài, thân bài và kết luận bỏ ngỏ chưa biết bao giờ kết thúc, của chính bà vợ thân yêu.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Những người đàn ông mà tôi quen biết, thường than khổ vì cái tật nói dài, nói dai của các bà vợ. Lén lút sau lưng, họ gọi các bà vợ lắm lời là cái loa công cộng phát thanh ngay… trong nhà.

Thử tưởng tượng, cái loa công cộng treo ở cột điện đầu xóm mà hết tiết mục thời sự lại đến tiếng mục ca cổ rồi đến tiết mục đọc truyện đêm khuya thì cư dân cũng méo mặt, chứ đừng nói cái loa công cộng được tiếp âm tròn vành rõ tiếng được đặt sát bên lỗ tai. Ôi, những âm vọng rền vang nghe thảm thiết và bi thương làm sao.

Phản ứng của các ông chồng về cái loa công cộng phát thanh ngay trong nhà, cũng mang nhiều cung bậc hỉ nộ khác nhau. Ban đầu thấy cáu, lâu dần thấy sợ. Phương pháp khôn ngoan nhất là… giả điếc hoặc bỏ chạy. Đáng ngại hơn, nhiều ông chồng nảy sinh lối tự vệ tiêu cực là không muốn về nhà.

Chiều tan sở ham vui ghé dọc ghé ngang bị muộn giờ cơm, vợ nói hết một đêm. Thay chiếc áo ra quên bỏ vào máy giặt, vợ nói hết một tuần. Tiền thưởng cuối năm sụt giảm chút ít, vợ nói hết một tháng.

Tóm lại, trong ánh mắt chịu đựng hân hoan xen lẫn căm hờn êm dịu của các ông chồng, thì khả năng thiên bẩm kỳ diệu nhất của vợ mình là có thể phát triển hàng triệu mỹ từ đanh thép để mổ xẻ một chi tiết hoặc một sự kiện lẽ ra chỉ cần nói dăm câu.

Lắm lời là một tật xấu. Dĩ nhiên, hỏi chính các bà, thì các bà cũng trả lời như vậy. Thế nhưng, có phải các bà xem nghệ thuật lắm lời là thượng sách trong quan hệ vợ chồng không? Đừng đùa, cái thời tăm tối phụ nữ thất học đã qua lâu rồi.

Các bà vợ tự biện giải cho họ xem chừng cũng không hẳn vô lý. Tôi xin lược thuật hai nguyên cớ mà các bà vợ bị mệnh danh lắm lời hồi đáp khi nghe trách móc về hành vi hào hứng dùng miệng lưỡi trấn áp chồng con.

Thứ nhất: “Nếu chồng tui chỉn chu như thiên hạ thì tui lải nhải làm gì!”.

Thứ hai: “Nếu chồng tui biết chia sẻ với vợ, thì tui để dành hơi cho ấm bụng, chứ gào lên chi cho rát họng!”. Chà chà, các quý ông hào hoa phong nhã hãy lưu ý chữ “nếu”.

Các bà vợ lắm lời cũng chỉ vì chồng thôi đấy! Đúng sai đến đâu, hạ hồi phân giải, nhưng để trị liệu hiệu quả cho căn bệnh lắm lời cần có phác đồ điều trị từ cả hai phía!

Nếu chủ quan khẳng định đàn bà sinh ra đã mang sẵn di truyền lắm lời, e rằng sẽ gây mất đoàn kết nội bộ cho mỗi gia đình.

Cũng người phụ nữ ấy, thử so sánh. Thuở ngượng ngùng hẹn hò và thuở đầu ấp tay gối, lúc nào lắm lời hơn? Trước khi cưới và sau khi cưới, lúc nào lắm lời hơn? Ngày son rỗi nắm tay nhau dạo phố và ngày túi bụi cơm canh con cái, lúc nào lắm lời hơn? Rõ ràng, mức độ lắm lời tăng trưởng theo thời gian và theo gánh nặng cuộc sống đè lên đôi vai mềm yếu của những người đàn bà vốn cả nghĩ, cả lo.

Tôi hơi băn khoăn, một gã đàn ông luôn than phiền vợ mình lắm lời, có thực sự dám quả quyết bản thân là một người chồng tốt không? Và hình như phạm vi tương đối hạn hẹp xung quanh tôi, chưa thấy sau lưng một người đàn ông thành đạt nào lại có một người đàn bà mồm mép tía lia!

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Không phải ai là đàn bà thì cũng lắm lời. Tôi không bênh vực những người đàn bà lắm lời. Tuy nhiên, thật chân thành và thật độ lượng, Sự lắm lời của đàn bà, đôi khi nảy sinh từ sự cơ cực, từ sự lầm lũi, từ sự bất an.

Tuy nhiên, nhìn toàn cục hơn, thì mỗi bà vợ cần xác định được giới hạn của sự lắm lời. Mỗi câu nói tưởng chừng vô hại nhưng giống như mũi tên đã bắn đi, không thể thu lại và không thể lường được tính sát thương. Nếu biết mình có tật nói nhiều, thì lúc nóng giận hoặc lúc bực bội, hãy cố gắng bình tĩnh.

Đừng để những câu nói nặng nề bột phát mang màu sắc nanh độc cay nghiệt vượt quá sức chịu đựng của chồng mình, mà gây đổ vỡ hạnh phúc phu thê. Ơn nghĩa trăm năm chẳng may bị chấm dứt vì sự lắm lời, không phải là điều đáng tiếc nuối và đáng xót xa ư?

Tôi muốn chốt lại câu chuyện đàn bà lắm lời bằng một câu hỏi: Một ngày nào đó, cái loa công cộng phát sóng ngay trong nhà, bỗng dưng… mất sóng, thì ông chồng ra sao nhỉ? Một lá đơn ly dị chăng? Một ánh mắt tiễn biệt chăng? Chưa cần bẽ bàng như vậy.

Một bà vợ lắm lời mà bỗng dưng đổi tính đổi nết, thì ông chồng hãy cẩn thận. Nếu không phải ông chồng có tiến bộ để bà vợ hài lòng, thì đó là dấu hiệu bà vợ chán ngán ông chồng, hoặc bà vợ bớt yêu ông chồng rồi đấy.

(Kiến thức gia đình số 9)

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm