| Hotline: 0983.970.780

Lúa chất lượng cao, phát thải thấp: Bước đà quan trọng đến Net Zero

Thứ Sáu 12/01/2024 , 06:00 (GMT+7)

Phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với mục tiêu Net Zero ngoài nâng cao thu nhập của người dân, còn xây dựng ngành hàng lúa gạo bền vững.

Hành trình khởi động

Thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 18/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng ĐBSCL, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ NN-PTNT được giao nhiệm vụ xây dựng Đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL nhằm nâng cao giá trị, thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh lương thực và phục vụ chế biến, xuất khẩu.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao hướng đến trên 1 triệu hộ áp dụng quy trình canh tác bền vững vào năm 2030. Ảnh: Kim Anh.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao hướng đến trên 1 triệu hộ áp dụng quy trình canh tác bền vững vào năm 2030. Ảnh: Kim Anh.

Trải qua nhiều đợt tham vấn ý kiến, đề án nhận được sự đồng thuận cao và kỳ vọng sẽ góp phần chuyển đổi căn bản hệ thống canh tác và tư duy sản xuất lúa gạo ở vùng ĐBSCL.

Ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Quý Mão 2023, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tổ chức họp bàn ngay với lãnh đạo Sở NN-PTNT 12 tỉnh, thành vùng ĐBSCL tham gia Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao). Kịp thời hoàn chỉnh nội dung và phương thức tổ chức đề án, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhanh chóng triển khai thực hiện.

Cùng với đó, một loạt hoạt động tiền đề chuẩn bị cho đề án đã được các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT, ngành nông nghiệp các địa phương vùng ĐBSCL, doanh nghiệp gấp rút triển khai. Các tổ chức quốc tế cũng nhanh chóng huy động nguồn lực về vốn, công nghệ “giúp sức” cho Việt Nam. Bởi theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới nếu đề án được triển khai thành công, Việt Nam sẽ trở thành hình mẫu đầu tiên trên thế giới về trồng lúa giảm phát thải.

Đồng loạt 12 tỉnh, thành vùng ĐBSCL (trừ tỉnh Bến Tre không tham gia) nhanh chóng rà soát lại diện tích tiềm năng. Tỉnh An Giang, cam kết tham gia khoảng 152.900ha trong đề án đến năm 2030, bao gồm sản xuất giống lúa chất lượng cao phục vụ nhu cầu sản xuất trong tỉnh nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung.

Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ từ các viện, trường, chuyên gia, nhà khoa học và sự trợ lực ủng hộ của bà con nông dân, địa phương này tự tin duy trì và phát triển được diện tích sản xuất lúa chất lượng cao gắn kết với doanh nghiệp, hình thành vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu.

Vụ đông xuân 2023 - 2024, tỉnh An Giang đã lựa chọn những vùng nguyên liệu tốt, trên cơ sở vùng Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) để tiếp tục duy trì, phát triển, tiến đến mở rộng sang các vùng có mức độ liên kết trung bình, yếu.

Vụ đông xuân 2023 - 2024, tỉnh Sóc Trăng đã xuống giống được trên 79.000/171.000ha, đạt trên 46% kế hoạch. Ông Trần Tấn Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh đánh giá, thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, Sóc Trăng có nhiều thuận lợi nhờ hưởng lợi từ Dự án VnSAT. Địa phương sẽ tham gia phát triển 50.000ha đến năm 2025 và tăng lên 77.000ha vào năm 2030. Trong đó khoảng 20.000ha dự kiến sẽ được đo đếm chi trả giảm phát thải vào năm 2024, tạo động lực để bà con nông dân tiếp cận với phương thức canh tác thân thiện môi trường, tiến tới giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao giá trị hạt gạo.

Dựa vào điều kiện tự nhiên và khả năng thực tế, Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp tham gia phát triển 163.000ha lúa chất lượng cao đến năm 2030.

Các địa phương khác trong vùng cũng đã có kế hoạch và phương án triển khai đề án cụ thể đến năm 2030, như Kiên Giang 200.000ha, Long An 120.000ha, TP Cần Thơ 50.000ha, Bạc Liêu 45.000ha, Trà Vinh 45.000ha…

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, tổ chức lại sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm lúa gạo chủ lực là mục tiêu cao nhất của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Kim Anh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, tổ chức lại sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm lúa gạo chủ lực là mục tiêu cao nhất của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Kim Anh.

Quyết tâm và khí thế sẵn sàng để khởi động Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, tổ chức lại sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm lúa gạo là mục tiêu cao nhất của đề án. Ba yếu tố cơ bản của đề án là đảm bảo diện tích lúa phát triển bền vững, giảm phát thải khí nhà kính và tạo phúc lợi cho người trồng lúa.

“Nếu không tổ chức lại sản xuất, không thể nào giải quyết được vấn đề manh mún, nông dân không thể trở nên chuyên nghiệp”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam bày tỏ.

Thực tế, bà con nông dân đã tiếp cận với phương thức trồng lúa chất lượng cao cách đây khoảng 10 năm, thế nhưng mỗi giai đoạn sẽ có mức phát triển khác nhau. Nếu như trước đây việc sản xuất lúa chất lượng cao tập trung vào giống, thì hiện nay đã dịch chuyển tập trung vào quy trình canh tác hướng đến giảm phát thải, tiết giảm chi phí đầu vào, cơ giới hóa và nâng cao tính chuyên nghiệp cho nông dân.

Tạo dựng hình ảnh ngành hàng lúa gạo trách nhiệm, bền vững

Để triển khai hiệu quả Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, vai trò của doanh nghiệp đặc biệt quan trọng trong chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo. Thời gian qua, các doanh nghiệp đã có nhiều đồng thái sẵn sàng đồng hành cùng Bộ NN-PTNT và bà con nông dân trên chặng đường tiến đến trồng lúa giảm phát thải.

Khảo sát sơ bộ, tại An Giang, Tập đoàn Lộc Trời đã ký thỏa thuận với địa phương này để tổ chức sản xuất và bao tiêu 110.000ha trong năm 2022. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng đạt được thỏa thuận với tỉnh Kiên Giang trong việc tổ chức sản xuất và bao tiêu lúa của nông dân toàn tỉnh. Hơn 100 máy nông nghiệp và 200 thiết bị máy bay nông nghiệp không người lái được Tập đoàn Lộc Trời đầu tư để đưa cơ giới hóa đồng bộ phục vụ sản xuất. 

Vùng sản xuất trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao đến năm 2030 sẽ có tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 70% diện tích. Ảnh: Kim Anh.

Vùng sản xuất trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao đến năm 2030 sẽ có tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 70% diện tích. Ảnh: Kim Anh.

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời cam kết đồng hành cùng ngành nông nghiệp các địa phương thực hiện sản xuất thành công 260.000ha trong đề án. Doanh nghiệp đảm bảo cung ứng vật tư nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm cho nông dân tham gia liên kết. Bên cạnh đó, bà con sẽ hỗ trợ 200 đồng/kg lúa khi tham gia sản xuất theo quy trình của tập đoàn, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và giảm tối thiểu 10% khí phát thải.

“Sản xuất lúa chiếm gần 50% lượng khí thải nhà kính, hiện nay chúng ta đang phấn đấu để giải quyết bài toán đó. Nếu phương pháp canh tác áp dụng đúng theo các tiêu chí sản xuất bền vững, Việt Nam sẽ sớm hình thành một phương pháp sản xuất cho 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL”, ông Huỳnh Văn Thòn nhận định.

Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An bày tỏ, thúc đẩy nhận thức liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân trong canh tác nhằm nâng cao chất lượng lúa, gạo đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trong nước và quốc tế là giải pháp hữu hiệu nhất để nâng cao giá trị lúa gạo Việt Nam.

Thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân trong canh tác, sản xuất, nâng cao chất lượng lúa, gạo đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng kể cả trong nước và quốc tế. Ảnh: Kim Anh.

Thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân trong canh tác, sản xuất, nâng cao chất lượng lúa, gạo đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng kể cả trong nước và quốc tế. Ảnh: Kim Anh.

Hiện Việt nam đã có thương hiệu gạo mạnh, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 27/11/2023, đã góp phần tạo dựng hình ảnh một ngành hàng lúa gạo minh bạch, trách nhiệm, bền vững.

Nhóm đối tác công tư ngành hàng lúa gạo đã được thành lập, hỗ trợ đắc lực công tác triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhóm là mở rộng nhanh nhất các sáng kiến công nghệ, giải pháp kỹ thuật thông minh. Từ đó, tạo thành một quy trình sản xuất thống nhất gắn với từng vùng sinh thái khác nhau, vừa nâng cao giá trị cho người sản xuất, đảm bảo vấn đề sử dụng nguồn tài nguyên bền vững hơn; đồng thời hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050 như cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị lần thứ 26 về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (COP26) năm 2021.

Liên quan đến vấn đề xây dựng thương hiệu và xuất khẩu, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao đặt mục tiêu lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu chất lượng cao, phát thải thấp chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh.

Với hai giai đoạn thực hiện, giai đoạn 1 (năm 2024 - 2025), các địa phương sẽ tập trung kiểm tra diện tích trong vùng Dự án VnSAT là 180.000ha, xây dựng các HTX, duy tu, bảo dưỡng một số công trình để chuẩn bị cho giai đoạn 2 (năm 2026 - 2030).

Ở giai đoạn 2, các địa phương tập trung xác định khu vực trọng tâm lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao, giảm phát thải, mở rộng thêm 820.000ha. Đồng thời, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tổ chức lại và duy trì sản xuất bền vững ở vùng đề án trong giai đoạn 1.

Xem thêm
Tăng năng suất, chất lượng bò thịt bằng nguồn giống và công nghệ

TP. HCM Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, ngành chăn nuôi chú trọng tăng chất lượng, sản lượng đàn bò thịt trong thời gian tới nhằm đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bắt 584kg nội tạng động vật hôi thối chuẩn bị vào nhà hàng

PHÚ THỌ 584kg nội tạng động vật bốc mùi hôi thối được mua gom trôi nổi trên thị trường để bán cho các cửa hàng, quán ăn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Khuyến nông cộng đồng kết nối phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững

HẬU GIANG Khuyến nông cộng đồng là lực lượng nòng cốt, đồng thời là cánh tay đặc lực kết nối doanh nghiệp với tổ chức nông dân phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững.

Giống cà chua ngoại hợp đất Mù Cang Chải, năng suất 100 tấn/ha

YÊN BÁI Giống cà chua Beef có nguồn gốc Israel được trồng bằng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP ở Mù Cang Chải cho năng suất lên tới 100 tấn/ha, chất lượng tốt, giá bán cao.

Bình luận mới nhất