| Hotline: 0983.970.780

Lực lượng kiểm ngư sát cánh cùng ngư dân vươn khơi bám biển

Thứ Sáu 24/06/2022 , 12:23 (GMT+7)

Lực lượng kiểm ngư thường xuyên có mặt trên các vùng biển Việt Nam, kịp thời hỗ trợ ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.

Cục Kiểm ngư tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2022 ngày 24/6. Ảnh: Phạm Hiếu.

Cục Kiểm ngư tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2022 ngày 24/6. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ngăn chặn 500 tàu cá nước ngoài trên vùng biển Việt Nam

Ngày 24/6, Cục Kiểm ngư (Tổng cục Thủy sản - Bộ NN-PTNT) tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2022.

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Phú Quốc thông tin, 6 tháng đầu năm 2022, tình hình biển Đông đã có diễn biến phức tạp, căng thẳng, thiếu ổn định. Việc Trung Quốc ban hành lệnh cấm biển từ ngày 1/5 đến ngày 16/8 và đưa số lượng lớn tàu thuyền xuống các ngư trường phía Nam tranh chấp ngư trường khai thác hải sản của tàu cá Việt Nam đã tạo nên các xung đột, gây thiệt hại và khó khăn cho ngư dân ta khi sản xuất trên biển.

Bên cạnh đó, các nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Thái Lan đã tăng cường các lực lượng, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát thực thi pháp luật trên biển và có nhiều hành động xử lý cứng rắn với ngư dân ta khi khai thác ở vùng biển giáp ranh, các vùng biển chồng lấn chưa được phân định.

Tình hình tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài (Thái Lan, Malaysia, Indonesia) bị bắt giữ, xử lý vẫn xảy ra thường xuyên và chưa có xu hướng giảm.

Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư, ông Nguyễn Phú Quốc trình bày báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: Phạm Hiếu.

Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư, ông Nguyễn Phú Quốc trình bày báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: Phạm Hiếu.

Tình hình giá xăng dầu tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm trong khi giá thu mua hải sản vẫn đang ở mức thấp đã ảnh hưởng lớn đến việc vươn khơi của ngư dân, dẫn đến nhiều tàu cá nằm bờ.

Ngoài ra, chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ kiểm ngư viên, thuyền viên tàu kiểm ngư bị ngưng trong thời gian dài chưa được tháo gỡ làm ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống của cán bộ thuyền viên tàu kiểm ngư.

Đặc biệt, Việt Nam có nhiều vùng biển giáp ranh, chồng lấn với các nước trong khu vực, đang tiến hành đàm phán, phân định nên cũng khó khăn trong việc tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân phạm vi khai thác trên biển.

Trong bối cảnh đó, thời gian qua, lực lượng kiểm ngư Việt Nam đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm hành chính trên biển và trong 6 tháng đầu năm 2022 đã đạt kết quả quan trọng, góp phần phát triển tăng trưởng chung của ngành thủy sản.

Ông Nguyễn Quang Hùng cho biết, 6 tháng cuối năm 2022, lực lượng kiểm ngư sẽ tiếp tục triển khai các chuyến tuần tra, kiểm tra, kiểm soát thực thi pháp luật trên biển. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Nguyễn Quang Hùng cho biết, 6 tháng cuối năm 2022, lực lượng kiểm ngư sẽ tiếp tục triển khai các chuyến tuần tra, kiểm tra, kiểm soát thực thi pháp luật trên biển. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thông tin với báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Cục trưởng Cục Kiểm ngư, cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng kiểm ngư đã quan sát trên 10.000 tàu cá, trong đó ngăn chặn, xua đuổi khoảng 500 tàu cá nước ngoài vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm khai thác ở vùng biển Việt Nam.

“Ngoài việc thực thi pháp luật thủy sản trên biển, lực lượng kiểm ngư còn đồng hành cùng ngư dân tuyên truyền phổ biến pháp luật và tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân trên biển. Đồng thời, thực hiện các biện pháp phối hợp trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, trực các đường dây nóng, phối hợp với các nước trong khu vực biển Đông để cùng xử lý các tình huống phát sinh”, ông Nguyễn Quang Hùng cho hay.

Ngoài ra, lực lượng kiểm ngư cũng đã triển khai các công tác đào tạo, tập huấn cho lực lượng kiểm ngư địa phương cũng như kiểm ngư các vùng.

Lực lượng kiểm ngư luôn sẵn sàng thực hiện các biện pháp phối hợp trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Ảnh: TTXVN.

Lực lượng kiểm ngư luôn sẵn sàng thực hiện các biện pháp phối hợp trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Ảnh: TTXVN.

Lãnh đạo Tổng cục Thủy sản cho biết, 6 tháng cuối năm 2022, lực lượng kiểm ngư sẽ tiếp tục triển khai các chuyến tuần tra, kiểm tra, kiểm soát thực thi pháp luật trên biển.

Hiện nay, lực lượng kiểm ngư thường xuyên có mặt trên các vùng biển Việt Nam để hỗ trợ ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển; ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật thủy sản đối với tàu cá Việt Nam cũng như tàu cá nước ngoài; tiếp tục thực hiện công tác trực đường dây nóng, phối hợp với các lực lượng trong khu vực biển Đông cũng như các lực lượng thực thi pháp luật trong nước; tiếp tục có chương trình phối hợp, đồng hành với ngư dân, đặc biệt là ngư dân khai thác ở vùng biển xa, vùng biển nhạy cảm để ngư dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng vùng biển Việt Nam.

Kiện toàn lực lượng kiểm ngư

Theo ông Nguyễn Quang Hùng, từ tháng 4/2014 đến nay, lực lượng kiểm ngư đã được thành lập hơn 8 năm. Trong 8 năm đó, lực lượng kiểm ngư đã từng bước được kiện toàn về cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như tuyển dụng nhân sự để triển khai công tác thực thi pháp luật trên biển.

“Thời gian tới, cần tiếp tục kiện toàn, tổ chức bộ máy lực lượng kiểm ngư Trung ương và kiểm ngư địa phương để đảm bảo đủ nguồn nhân lực cũng như phương tiện, đảm bảo đầy đủ chức năng để hoàn thành nhiệm vụ thực thi pháp luật thủy sản Việt Nam cũng như triển khai các điều ước quốc tế nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và tham gia khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản”, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản lưu ý.

Ngư dân Việt Nam chưa nhận thức được ranh giới vùng biển giữa các nước

Phát biểu tại Hội nghị, đại diện Quân chủng Hải quân đánh giá, sau hơn 8 năm thành lập, cho đến nay, lực lượng kiểm ngư đã đủ lớn mạnh để có thể hoàn thành những nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó. Thời gian qua, Cục Kiểm ngư đã nỗ lực, vượt qua khó khăn từ dịch bệnh Covid-19 để hoàn thành nhiệm vụ.

Tuy nhiên, đại diện Quân chủng Hải quân đã chỉ ra thực trạng hiện nay vẫn còn hiện tượng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài và Việt Nam vẫn chưa thể gỡ thẻ vàng IUU của Ủy ban Châu Âu (EC).

Thời gian qua, Cục Kiểm ngư đã nỗ lực, vượt qua khó khăn từ dịch bệnh Covid-19 để hoàn thành nhiệm vụ. Ảnh: Đức Thu.

Thời gian qua, Cục Kiểm ngư đã nỗ lực, vượt qua khó khăn từ dịch bệnh Covid-19 để hoàn thành nhiệm vụ. Ảnh: Đức Thu.

“Nguyên nhân chính đầu tiên là do nguồn lợi thủy sản trong ngư trường của Việt Nam khan hiếm, trong khi nguồn lợi ngư trường nước ngoài dồi dào. Thứ hai, ý thức của ngư dân chưa thực sự cao. Thứ ba, công tác quản lý của chúng ta chưa chặt chẽ và năng lực, nhân lực, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn”, đại diện Quân chủng Hải quân nhận định.

Thời gian qua, chấp hành ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng nói chung và Quân chủng Hải quân nói riêng đã duy trì lực lượng (tàu mặt nước, máy bay, thiết bị bay không người lái…), tăng cường tuần tra, kiểm soát vùng biển giáp ranh với các nước. Tuy nhiên, ngư dân bằng mọi cách vẫn xâm phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép. Theo đó, vị đại diện Quân chủng Hải quân cho rằng cần xử phạt nghiêm minh các trường hợp vi phạm để răn đe.

Bên cạnh đó, hiện nay, biển Việt Nam vẫn còn tồn tại vùng biển chưa phân định, vùng biển chồng lấn với các nước trong khu vực. Ngư dân Việt Nam chưa nhận thức được ranh giới vùng biển giữa các nước, đặc biệt là vùng biển chồng lấn phía Nam quần đảo Trường Sa, và coi đây là vùng nước quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Ngư dân Việt Nam chưa nhận thức được ranh giới vùng biển giữa các nước, đặc biệt là vùng biển chồng lấn phía Nam quần đảo Trường Sa, và coi đây là vùng nước quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Ảnh minh họa: TL.

Ngư dân Việt Nam chưa nhận thức được ranh giới vùng biển giữa các nước, đặc biệt là vùng biển chồng lấn phía Nam quần đảo Trường Sa, và coi đây là vùng nước quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Ảnh minh họa: TL.

Tuy nhiên khu vực đó có một phần thuộc yêu sách vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia và thời gian gần đây, lực lượng chức năng Malaysia đã tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm khẳng định chủ quyền, quyền kiểm soát thực tế trên vùng biển này và xua đuổi, bắt giữ, đâm chìm tàu cá ngư dân Việt Nam.

Để góp phần giảm thiểu tình trạng trên, đại diện Quân chủng Hải quân đề nghị Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, các Bộ, ban, ngành liên quan thống nhất ngư trường khai thác hải sản cho ngư dân, giúp ngư dân yên tâm bám biển, không xâm phạm vùng biển nước ngoài, góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia trên biển.

“Bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân với hình thức nhắc nhở, cần có những biện pháp, chế tài xử lý mạnh hơn nữa đối với ngư dân cố tình vi phạm pháp luật thủy sản. Đề nghị lực lượng kiểm ngư nói chung và lực lượng thực thi pháp luật thủy sản Trung ương, địa phương nói riêng tăng cường các biện pháp xử lý vi phạm để đảm bảo tính răn đe và hạn chế tối đa hành vi vi phạm pháp luật thủy sản trên biển”, ông Nguyễn Quang Hùng nhấn mạnh.

Xem thêm
Làng nghề nuôi cá giống Hội Am thắng lớn ngày ông Táo

HẢI PHÒNG Do sức mua tăng nên người dân nuôi cá chép giống phục vụ ngày ông Táo ở làng Hội Am, xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo thắng đậm.

Giảm khai thác, tăng nuôi trồng, nâng cao giá trị thủy sản

Đây là mục tiêu mà ngành thủy sản tiếp tục đặt ra trong năm 2025 - năm cuối tăng tốc thực hiện kế hoạch phát triển ngành thủy sản 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.

Bình luận mới nhất