Theo đó, để vụ nuôi tôm nước lợ năm 2020 đạt hiệu quả, Chi cục Thủy sản khuyến cáo đến người nuôi căn cứ vào điều kiện thực tế ao nuôi của mình đẩy nhanh tiến độ thả giống tôm biển.
Trước khi thả nuôi, hộ dân nên lưu ý một số vấn đề như: độ mặn thích hợp từ 10-15‰, chọn nguồn gốc tôm giống rõ ràng, mật độ thả nuôi phù hợp (tôm chân trắng từ 60-80 con/m2, cỡ PL≥12mm; tôm sú từ 20-25 con/m2, cỡ PL≥15mm), thường xuyên nên theo dõi thời tiết và kết quả quan trắc môi trường,…
Trong khi thả nên chú ý áp dụng quy trình kỹ thuật từ khâu cải tạo ao, xử lý nước đến chọn con giống. Người nuôi cũng nên rải vụ tránh ảnh hưởng đến giá tôm nguyên liệu.
Đối với những hộ có điều kiện nên áp dụng biện pháp ương tôm giống trước trong diện tích nhỏ (gièo hoặc ao đất, ao lót bạt), mật độ 1.000 con/m2, ương từ 25-30 ngày, khi điều kiện thuận lợi thì tiến hành thả ra ao nuôi để rút ngắn thời gian, giảm dịch bệnh và giảm chi phí sản xuất.
Khuyến khích người nuôi tôm biển áp dụng các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất như: Mô hình nuôi tôm nhiều giai đoạn; đầu tư nuôi theo bể tròn, nổi; ao nuôi lót bạt che lưới lan,…nhằm giảm dịch bệnh, tôm thu hoạch size cở lớn (20-25 con/kg) hiệu quả kinh tế cao hơn.
Thời gian qua, do tác động kép của hạn hán, xâm nhập mặn và đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, tiêu thụ thủy sản trên địa bàn tỉnh nói chung và nuôi tôm nước lợ nói riêng. Tổng diện tích nuôi thủy sản thả giống đến hết tháng 5 năm 2020 đạt 36.525ha, giảm 1,28% so cùng kỳ năm 2019 và đạt 77,7% so với kế hoạch năm 2020.
Hiện nay, điều kiện thời tiết dần ổn định, độ mặn giảm và các bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi có chiều hướng giảm. Bên cạnh đó, nhu cầu mua tôm nguyên liệu để chế biến xuất khẩu của các doanh nghiệp vẫn đang duy trì, giá tôm nguyên liệu đang ở mức người nuôi có lãi. Nhu cầu tiêu thụ tôm trên thế giới dự báo sẽ tăng mạnh trở lại khi một số nước đã khống chế thành công đại dịch Covid-19. Đây sẽ là những yếu tố thuận lợi để khôi phục sản xuất.