| Hotline: 0983.970.780

Mãng cầu Xiêm năng suất cao trên vùng đất trũng phèn

Thứ Bảy 13/07/2024 , 10:12 (GMT+7)

SÓC TRĂNG So với các cây trồng khác, mãng cầu Xiêm dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, thích ứng tốt hơn với vùng đất trũng phèn, cho năng suất cao.

Trồng mãng cầu Xiêm là mô hình cho hiệu quả kinh tế cao tại thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng.

Ông Phạm Hữu Huynh ở ấp Vĩnh Kiên, xã Vĩnh Quới (thị xã Ngã Năm) đã chuyển đổi 1.000m2 đất kém hiệu quả sang trồng mãng cầu Xiêm cách đây 12 năm. Nếu như trước kia, diện tích này chỉ cho lợi nhuận khoảng 3 – 4 triệu đồng/năm thì sau khi chuyển đổi, cây mãng cầu Xiêm đã mang lại thu nhập cao và ổn định.

Mãng cầu Xiêm phù hợp trồng ở vùng địa hình trũng phèn, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu. Ảnh: Kim Anh.

Mãng cầu Xiêm phù hợp trồng ở vùng địa hình trũng phèn, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu. Ảnh: Kim Anh.

Đặc biệt, mãng cầu Xiêm khi được ghép trên gốc bình bát có thể cho trái quanh năm, thu hoạch từ 10 - 20 lần/tháng. Từ đó, gia đình ông Huynh quyết tâm mở rộng thêm 1,5ha mãng cầu Xiêm. Ông ước tính, với năng suất trên 35 tấn trái/năm, giá bán từ 20.000 – 30.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí, lợi nhuận mang về cho gia đình ông hơn 400 triệu đồng/năm.

Nhờ cây mãng cầu Xiêm, nhiều hộ dân ở xã Vĩnh Quới đã vươn lên thoát nghèo, thậm chí khá, giàu.

Ông Lưu Tấn Hòa, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thị xã Ngã Năm cho biết, xã Vĩnh Quới vốn là vùng trũng thấp, khả năng thoát nước kém, tình trạng ngập úng kéo dài vào mùa mưa, mùa khô lại bị mặn xâm nhập. Do đó, trồng mãng cầu Xiêm được xem là mô hình khá phù hợp.

Hiện nay, ngành chuyên môn đang tập huấn kỹ thuật canh tác, ghép giống, phòng trừ sâu bệnh cho mãng cầu Xiêm, xây dựng thêm mô hình để mở rộng diện tích.

Hiện nay, 2 hợp tác xã mãng cầu Xiêm ở xã Vĩnh Quới đã được thành lập với tổng diện tích 50ha, sản xuất theo hướng hữu cơ, có liên kết sản xuất, tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm.

Mãng cầu Xiêm ghép trên gốc bình bát có thể cho trái quanh năm. Ảnh: Kim Anh.

Mãng cầu Xiêm ghép trên gốc bình bát có thể cho trái quanh năm. Ảnh: Kim Anh.

Trong đó, HTX Mãng cầu Xiêm Kiên Hòa có 35ha sản xuất theo hướng hữu cơ, năng suất bình quân 700 tấn trái/năm. Hiện HTX đã ký kết bao tiêu với các doanh nghiệp ở TP.HCM với giá bán cao hơn thị trường 2.000 đồng/kg.

Bên cạnh đó, xuất phát từ nhu cầu của người tiêu dùng, HTX đã chủ động nghiên cứu và chế biến ra các sản phẩm như trà mãng cầu, mứt mãng cầu và rượu mãng cầu... Riêng 2 sản phẩm trà mãng cầu và mứt mãng cầu đã được công nhận OCOP 3 sao của tỉnh Sóc Trăng.

Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có trên 340ha mãng cầu Xiêm, được trồng tập trung tại các huyện như Kế Sách, Cù Lao Dung, Long Phú, Mỹ Tú, Thạnh Trị, Châu Thành và thị xã Ngã Năm. Trong đó, thị xã Ngã Năm là địa phương có diện tích lớn nhất tỉnh với gần 250ha. So với các cây trồng khác, mãng cầu Xiêm dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, thích ứng tốt hơn với vùng đất trũng phèn, cho năng suất cao.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.