| Hotline: 0983.970.780

Mê hồn trận 'siêu thần dược': Hiểm họa khôn lường từ chu sa

Thứ Tư 06/05/2015 , 08:36 (GMT+7)

Mặc dù đây là một vị trong bài thuốc điều trị đột quỵ “An cung ngưu Hoàng hoàn” nổi danh từ ngàn năm trước của Trung Quốc, nhưng chu sa là chất cực độc./ Săn lùng cây máu người

Dù là một vị trong bài thuốc quý nhưng chúng là một loại khoáng vật cực độc, dùng bừa bãi có thể nguy hiểm tính mạng. Hoặc đơn giản, đó chỉ là một loại thảo dược thông thường, không hề có tác dụng chữa ung thư. Vậy nhưng, nó được đồn thổi rằng đó là những “thần dược”, có khả năng “cải lão hoàn đồng”, trị đột quỵ, ung thư…

Làm đẹp bằng độc dược

Chu sa là một loại khoáng vật với thành phần chính là sulfua thủy ngân (HgS). Chu sa còn có các tên gọi khác như thần sa, đan sa, xích đan…Mặc dù đây là một vị trong bài thuốc điều trị đột quỵ “An cung ngưu Hoàng hoàn” nổi danh từ ngàn năm trước của Trung Quốc, nhưng chu sa là chất cực độc. Và, không ít người phải gánh hậu quả vì dùng bừa bãi.

Gặp chị P.A.T, năm nay 42 tuổi, chủ một DN may ở xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn (TP.HCM), tôi phải thuyết phục khá lâu chị mới đồng ý nói về những tháng ngày bỏ công sức, tiền bạc vào chuyện làm đẹp để rồi nhận cái kết ngược mong muốn.

Chị kể, khoảng 5 năm trước, một lần soi gương thấy nhan sắc “xuống cấp” trầm trọng, chị bắt đầu mất ăn mất ngủ tìm cách giữ lại nét xuân. May mắn là kinh tế khá nên chị có điều kiện chăm chút ngoại hình.

Hễ nghe ai giới thiệu có loại thuốc gì, thực phẩm cao cấp nào tốt cho sắc đẹp phụ nữ là chị không tiếc tiền đầu tư. Từ bột vàng, bột ngọc trai, đông trùng hạ thảo đến sâm Ngọc Linh thiên nhiên giá gần trăm triệu đồng/kg, mua về xay thành sinh tố trộn mật ong đắp mặt…

“Tôi đã tốn rất nhiều tiền cho khoản này mà chẳng thấy tác dụng bao nhiêu. Cho đến khi tôi dùng thử món chu sa trộn trứng gà và sáp ong thành hỗn hợp đắp mặt nạ tôi mới gánh hậu quả. Lúc này hối hận thì muộn rồi. Hỏi ra mới biết, chu sa là chất độc bảng B”, chị T. kể.


Cận cảnh 'thần dược' chu sa

“Ai chỉ cho chị cách đắp mặt nạ mặt như vậy?”, tôi hỏi. “Một người bạn tôi làm nhân viên bán thuốc ở phố thuốc Hải Thượng Lãn Ông, quận 5 (TP.HCM) chỉ. Sau đó tôi tìm hiểu trên mạng thấy nói đây là bí quyết làm đẹp nổi tiếng của bà Dương Quý Phi bên Trung Quốc.

Công thức như sau: Lấy một quả trứng đang được gà mẹ ấp trong ổ, đục một lỗ trên đầu, dùng ống rút lòng đỏ ra, sau đó đưa bột thần sa vào, lấy một miếng vỏ trứng khác dán lại bằng sáp ong rồi đặt trở lại ổ cho gà mẹ ấp.

Đến khi những quả trứng nở ra gà con thì lấy quả trứng chứa thần sa gỡ bỏ vỏ, mang lòng trứng nghiền nhuyễn. Tối đến trước khi đi ngủ, rửa mặt bằng nước hoa hồng, lau khô rồi thoa bột trứng gà thần sa lên mặt. Nhờ bài thuốc này mà da mặt của bà ấy mịn màng, lâu bị lão hóa”, chị T. đáp.

“Sau khi đắp mặt nạ bằng hợp chất thần sa, trứng gà, sáp ong xong, kết quả thế nào?”, tôi hỏi. Chị T. im lặng một hồi mới trầm giọng: “Tôi xuống phố thuốc quận 5 mua 1 ký giá 3,8 triệu đồng, về làm theo công thức.

Sau khi dùng khoảng 1 tháng mà chưa thấy công hiệu gì, nhưng tôi bắt đầu lo vì thấy hình như da mặt mình dày hơn, không còn mịn màng như trước. Mấy người bạn tôi cũng bị như vậy. Sợ quá tôi bỏ luôn. May là chưa đến mức phải đi bệnh viện cà da mặt”.

Theo chỉ dẫn của chị T., tôi tìm đến tiệm thuốc đông y chị đã mua chu sa. Ông chủ tiệm tên S. cho biết, rất nhiều người đến hỏi mua thứ này.

“Mua thứ này chỉ có 2 mục đích là làm đẹp và chữa bệnh. Khi họ đến mua, bất kể là ai, tôi đều nhắc cho họ biết, thần sa là độc dược, nếu dùng không đúng sẽ rất nguy hiểm, nhưng họ vẫn mua”, ông S. nói.

'Đoạt mệnh tán' không như lời đồn

Từ một loại thảo dược bình thường, ít người biết đến, bỗng nhiên được người ta rỉ tai nhau rằng đó là “thần dược”, có thể chữa nhiều loại ung thư mà y học hiện đại bó tay, và đổ xô đi săn lùng, mua với giá trên trời. Đó là cây xạ can, chủ vị trong bài thuốc “Đoạt mệnh tán”.

Ông N.Đ.L., 62 tuổi, ở quận 9 (TP.HCM), bị ung thư vòm họng, là một trong những người sớm bỏ xạ can để quay lại điều trị bằng phác đồ của bệnh viện. 

Cách đây hơn một tháng, khi ông đang trong giai đoạn xạ trị, hóa trị thì bỏ ngang để dùng bài thuốc “Đoạt mệnh tán”, chuyên trị các chứng bệnh liên quan đến cổ họng, nhất là ung thư vòm họng, do một người tình cờ gặp trong bệnh viện, thấy sắc diện ông kém nên thương tình chỉ cho.


Đây là xạ can, một loại thảo dược cũng có độc tính và không phải là độc vị với công dụng chữa các loại ung thư như lời đồn

“Cây này mua ở đâu chú?”, tôi hỏi. “Tận ngoài Lào Cai lận. Ở Sài Gòn cũng nhiều chỗ bán, giá chỉ vài trăm ngàn đồng/kg, nhưng tôi không tin tưởng lắm. Còn đây tôi phải mua tới 1,3 triệu đồng/kg khô.

Tháng 4 vừa qua, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận một bệnh nhân nữ, 65 tuổi, ở quận 12, bị ngộ độc nặng do uống 4 viên “An cung ngưu Hoàng hoàn” (cách tuần uống 1 viên) không rõ nguồn gốc để điều trị suy giãn tĩnh mạch chân. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán suy tim, viêm phổi mô kẽ không đáp ứng kháng sinh.
Sau khi chuyển qua Bệnh viện phổi Phạm Ngọc Thạch một tuần, bệnh nhân đã tử vong. Nguyên nhân tử vong được xác định là do ngộ độc thủy ngân (HgS) và arsenic, là thành phần chính của khoáng vật chu sa trong bài thuốc “An cung ngưu Hoàng hoàn”, gây suy tim cấp.

Mua về, tôi ngâm rượu, rồi sắc cùng cam thảo, uống cả tháng trời mà chẳng thấy tiến triển gì. Quay lại bệnh viện, bác sĩ la quá trời, nói nếu tôi cứ dùng độc vị xạ can, tự điều trị coi chừng chết sớm”.

Tôi gọi vào số điện thoại ông L. cung cấp, ngỏ ý muốn tìm hiểu công dụng của cây xạ can để mua cho người nhà dùng trị ung thư, người đàn ông tự xưng tên Quý ra vẻ hiểu biết: “Xạ can có tác dụng thanh nhiệt giải độc, chữa bướu cổ, ung thư vòm họng.

Người bị ung thư gan bụng trương như cái trống, người gầy rộc, chỉ cần uống xạ can vào là bụng xẹp rất nhanh.

Nó còn có khả năng làm tan các khối u, lành những vết thương lở loét trong nội tạng.

Theo đông y, mọi bệnh tật, nhất là ung thư do cơ thể ứ độc mà ra. Thường thì chất độc sẽ được bài tiết theo đường mồ hôi, đại tiểu tiện.

Nhưng vì lý do nào đó mà nó ứ lại, nó ứ chỗ nào thì chỗ đó sinh bệnh. Nhờ tác dụng giải độc nên khi uống xạ can vào, nó sẽ đẩy chất độc ra”.

Theo kỹ sư nông nghiệp Bùi Phương Thảo, Giám đốc Cty Hoa Thảo Dược (Bình Dương), xạ can là dược thảo quý nhưng không hiếm và có độc, chuyên trị các bệnh về cổ họng như viêm họng, tắc cổ họng, viêm họng hạt, amidan bị sưng mủ chứ không cứu được bệnh nhân đang nguy cấp do các loại ung thư, không có chuyện “dùng nhiều giảm bệnh nhiều” như lời đồn.

Xạ can là thảo dược có độc, tính hàn (lạnh) nên người tỳ vị yếu, phụ nữ đang mang thai, đang cho con bú không được dùng. Mỗi khi dùng phải ngâm trong nước gạo một hai ngày nhằm giảm độc tố.


Phố thuốc đông y Hải Thượng Lãn Ông, nơi bán đủ loại thảo dược, thuốc đông y nhưng nguồn gốc, chất lượng thì rất khó xác định

Về bài thuốc “Đoạt mệnh tán”, tức giữ lại mạng sống lúc nguy cấp do bệnh nặng, y văn ghi rõ, xạ can là chủ vị, phối với một số vị khác chứ không phải độc vị. Một điều cần lưu ý là cây xạ can có hình dạng rất giống cây huệ đất. Nếu không có chuyên môn, rất dễ mua lầm.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Nông nghiệp góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng cho Nghệ An

Năm 2024, ngành nông nghiệp Nghệ An tiếp đà thắng lợi toàn diện, đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch được giao.

Tình nguyện hiến đất làm kè chống sạt lở bờ sông

Hà Tĩnh Hơn 30 hộ dân ở huyện Hương Khê đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất làm dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, góp phần phòng chống thiên tai hiệu quả.