| Hotline: 0983.970.780

Mệt mỏi 'tàu 67': [Bài 1] Đánh cược với biển

Thứ Ba 26/03/2024 , 11:02 (GMT+7)

Nhiều hộ dân phá sản vì 'tàu 67' sau thời gian ngắn đi vào hoạt động. Nhiều chủ tàu trở thành con nợ, phải đi làm thuê cho tàu cá khác.

Nghị định 67 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản được xem là ưu việt, bởi hầu hết nguồn vốn đóng tàu đều được ngân hàng cho vay, lãi suất ưu đãi. Nghị định giúp ngư dân hiện đại hóa tàu khai thác, góp phần phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Đây được xem là hệ thống các chính sách đồng bộ, toàn diện nhất từ trước đến nay trong việc hỗ trợ ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ khai thác hải sản xa bờ.

Thế nhưng, chỉ sau vài năm đi vào hoạt động động, nhiều tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 (tàu 67) đã bị ngân hàng khởi kiện, bán đấu giá tài sản do chủ tàu không thanh toán được tiền lãi, nợ gốc đúng hạn.

Trắng tay

Ngày ngân hàng bán đấu giá chiếc tàu 67, vợ chồng chị Trương Thị Gấm (thôn Thành Lập, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) ôm nhau khóc bởi con tàu là kế sinh nhai duy nhất để duy trì 4 miệng ăn trong gia đình.

Chị Gấm không cầm được nước mắt khi nhắc đến chiếc tàu 67 vừa bị bán đấu giá. Ảnh: Quốc Toản.

Chị Gấm không cầm được nước mắt khi nhắc đến chiếc tàu 67 vừa bị bán đấu giá. Ảnh: Quốc Toản.

Cách đây gần chục năm về trước, anh chị quyết định bán con tàu công suất 400CV và vay mượn ngân hàng 8,7 tỷ đồng để đóng tàu theo Nghị định 67 với tổng số tiền hơn 12,5 tỷ đồng. Vậy là bao nhiêu vốn liếng anh chị dành dụm bấy lâu đều mang ra “đánh cược” với biển.

Năm 2016, con tàu vỏ gỗ, công suất hơn 700CV của anh chị chính thức vươn khơi, mang theo những hy vọng về những mẻ lưới đầy ắp cá, tôm. Trong hai năm đầu, tàu khai thác đạt sản lượng tốt nên đều đặn hằng tháng, anh chị đều thanh toán đầy đủ số tiền tiền lãi, gốc cho ngân hàng.

Bước sang năm 2018, sản lượng khai thác bỗng dưng giảm xuống đột ngột, trong khi giá dầu tăng cao, trong khi ngư lưới cụ bắt đầu hư hỏng, xuống cấp khiến sản lượng khai thác không không bù được chi phí chuyến đi".

"Biển từ năm đó trở đi dần cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Ngư dân vươn khơi chuyến nào là lỗ chuyến đó. Trung bình mỗi lần ra khơi lỗ hơn 100 triệu đồng, cá biệt chuyến lỗ tới hơn 200 triệu đồng trong khi sản lượng khai thác có chuyến quy thành tiền chỉ được 10 triệu đồng”, chị Gấm chia sẻ.

Đặc biệt, năm 2019, tàu của anh chị gặp bão biển gây thiệt hại lớn. Tính cả công lai dắt tàu và tu sửa, anh chị tiêu tốn gần 1 tỷ đồng. Do khai thác không hiệu quả, chi phí vận hành lớn (tiền công nhân, ngư lưới cụ, dầu mỡ…) khiến vợ chồng chị Gấm không thể trả nợ cho ngân hàng đúng hạn và lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. 

“Tàu công suất lớn, khai thác xa bờ thì chi phí nhiên liệu sẽ tăng cao. Bên cạnh đó, việc sửa chữa hư hỏng của tàu lớn cũng rất tốn kém vì toàn thiết bị hiện đại, đắt tiền. Ngoài ra, áp lực trả nợ ngân hàng cũng khiến ngư dân khó xoay xở vốn trong thời gian ngắn”, chị Gấm chia sẻ. 

Dù vợ chồng chị Gấm đã làm đơn gửi ngân hàng xin gia hạn khoản nợ nhưng không được chấp thuận. Năm đó, tàu 67 của anh chị thuộc diện thí điểm thu hồi nợ của ngân hàng. Không còn cách nào khác, anh chị đánh phải nuốt nước mắt nhìn tàu bị bán đấu giá. Sau lần đó, chị Gấm lâm vào cảnh khủng hoảng tinh thần, tưởng chừng khó vượt qua cú sốc quá lớn ấy. 

Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa cho biết, xã Ngư Lộc có 7 tàu đóng mới theo Nghị định 67, nay còn 5 chiếc đang hoạt động. 2 tàu do làm ăn thua lỗ nên bị kê biên và bán đấu giá tài sản. 5 tàu còn lại đã di chuyển vào ngư trường phía Nam để tìm ngư trường khai thác hải sản. 

Tàu hơn 12 tỷ đồng bán đấu giá được 2,3 tỷ đồng

Cũng giống như chị Gấm, lão ngư Bùi Văn Minh (tổ dân phố Liên Thịnh, phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) từng là chủ tàu các 67 (tàu dịch vụ hậu cần) nay rơi vào cảnh thất nghiệp. Ông Minh cho biết, cách đây gần 10 năm, các đội tàu công suất lớn ở vùng Nam Trung Bộ ngày một nhiều, buộc ngư dân Thanh hóa cũng phải thay đổi theo để bắt kịp xu thế khai thác xa bờ. Trước khi đóng tàu 67, mỗi chuyến vươn khơi, ông bỏ túi khoảng 50 triệu đồng sau khi trừ tất cả các chi phí. Nay ông muốn đóng tàu lớn để nâng công suất hoạt động và tăng thu nhập...

Năm 2016, ông Minh bán hai con tàu công suất lần lượt là 400CV và 60CV để đóng tàu 900CV với số tiền khoảng 12 tỷ đồng, trong đó có 5,9 tỷ đồng tiền vay ngân hàng. Tuy nhiên, con tàu công suất lớn của ông Minh cũng nhanh chóng rơi vào cảnh thua lỗ sau vài năm đi vào hoạt động.

“Nguồn lợi hải sản cạn kiệt khiến các tàu dịch vụ hậu cần cũng lâm vào cảnh khó khăn. Chi phí một chuyến đi từ 10-15 ngày mất khoảng 150 triệu đồng, trong khi đó sản lượng hải sản thu gom ở các tàu khai thác đạt thấp, khiến tôi liên tục bù lỗ. Mặt khác, khi nguồn lợi hải sản suy kiệt, nhiều tàu khai thác nằm bờ kéo theo tàu dịch vụ hậu cần cũng “chết” theo vì không bán được nhiên liệu và không thu gom được hàng hóa”, ông Minh chia sẻ. 

Lão ngư Bùi Văn Minh (thôn Liên Thịnh, xã Hải Bình, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: Quốc Toản.

Lão ngư Bùi Văn Minh (thôn Liên Thịnh, xã Hải Bình, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: Quốc Toản.

Cũng theo ông Minh, năm 2019 là thời điểm tàu cá của ông và ngư dân gặp khủng hoảng lớn nhất. “Dịch Covid-19 khiến nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh. Sản lượng hải sản thu gom đạt thấp trong khi chỉ bán được chưa đầy nửa giá. Ngư dân bị đặt vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan", nếu vươn khơi thì lỗ, để tàu nằm bờ thì sẽ hư hỏng và có thể bị ngân hàng khởi kiện, bán đấu giá vì không có nguồn thu để trả nợ", ông Minh chia sẻ.

Không đành lòng để tàu cá nằm bờ "chờ chết", lão ngư cùng 2 cậu con trai vẫn gắng gượng vay mượn, bán đất, cầm cố tài sản để lấy chi phí cho tàu vươn khơi. Thế nhưng càng làm, ông Minh càng lỗ, trong khi áp lực trả nợ ngân hàng hằng tháng ngày cứ đè nặng lên vai người thuyền trưởng. Do đã bán hết tài sản và không còn khả năng trả nợ, tháng 5/2023, ông Minh chính thức bị ngân hàng khởi kiện, tịch thu tàu cá để bán đấu giá tài sản.

Chiếc tàu 67 có giá trị hơn 12 tỷ đồng nay thanh lý được 2,3 tỷ đồng. Hiện ông Minh còn nợ ngân hàng hơn 2 tỷ đồng và mất khả năng thanh toán do không còn tài sản. Từ chỗ là chủ tàu, sở hữu tài sản tiền tỷ bỗng, lão ngư chốc lâm vào cảnh thất nghiệp, phá sản. Hai đứa con ông cũng mất việc, đành phải đi làm thuê cho tàu khác để kiếm sống.

Mặt ông Minh méo xẹo khi nhắc đến con tàu 67. Ông đờ đẫn người như thể mất đi đứa con ruột của mình. Lão ngư gắn trọn đời mình với biển vẫn chưa thể tin rằng có ngày mình mất tàu. Ông bảo: “Mất tàu cá tôi đau một, nhưng mất nghề đi biển truyền thống của ông cha còn đau hơn gấp nhiều lần”.

Tàu cá neo đậu tại bờ biển xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Tàu cá neo đậu tại bờ biển xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Trước đây, ông Minh từng là ngư dân sản xuất giỏi lại có kinh nghiệm đi biển, nên tại nhiều cuộc họp cấp Bộ, ngư dân này đều được mời tham gia ý kiến về vấn đề bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tại đây, ông Minh dốc lòng nói về những tồn tại hạn chế của nghề khai thác biển mà bản thân ông từng chứng kiến và trải qua sau gần hết đời người gắn bó với biển.

"Biển của chúng ta đang dần cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Nếu tàu cứ khai thác tận diệt thì chả mấy chốc biển không còn hải sản để khai thác, ngư dân lâm vào cảnh đói kém, nợ nần. Thậm chí nếu biển cạn kiệt hải sản, ngư dân sẽ bất chấp vi phạm, đưa tàu sang vùng biển nước bạn khai thác. Do đó, việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản để khai thác bền vững vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ của ngư dân”, lão ngư Bùi Văn Minh chia sẻ. 

Ông Nguyễn Thăng Long, Tổ trưởng tổ dân phố Liên Thịnh cho biết, toàn khu phố có 7 hộ dân có tàu cá 67, nhưng đến nay không còn chiếc nào vươn khơi. Các tàu cá sau một thời gian hoạt động đều thua lỗ, không trả được nên nợ bị ngân hàng khởi kiện, bán đấu giá tài sản. Nhiều ngư dân đóng tàu 67 đều là người giỏi nghề, có kinh nghiệm đi biển, từng làm ăn hiệu quả,  thì nay trở thành con nợ xấu, phá sản. Có gia đình từ chỗ kinh tế khá giả, có của để dành (đất đai, tiền bạc) nay phải cầm cố, bán tháo để trả nợ. 

Xem thêm
Đầm Hà hướng đến phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững

QUẢNG NINH Hiện huyện Đầm Hà có 5.656ha đất bãi triều và mặt nước biển đã được cập nhật, tích hợp vào quy hoạch tỉnh phê duyệt.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.