| Hotline: 0983.970.780

Hàng loạt 'tàu 67' ở Bình Thuận phải bán đấu giá

Thứ Tư 06/03/2024 , 06:36 (GMT+7)

Hàng loạt chủ 'tàu 67' tại Bình Thuận rơi tình trạng mất khả năng chi trả, nợ xấu nhiều năm, ngân hàng buộc phải khởi kiện ra tòa, bán đấu giá tài sản.

83 tàu dừng hoạt động và hoạt động không hiệu quả

Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, thực hiện Nghị định số 67 ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (gọi tắt Nghị định 67), toàn tỉnh Bình Thuận đã thực hiện đóng mới 114 tàu cá và nâng cấp, cải hoán 6 tàu.

Thời gian qua, nhiều tàu cá ở Bình Thuận khai thác thủy sản gặp nhiều khó khăn do ngư trường, thời tiết không thuận lợi. Ảnh: NT.

Thời gian qua, nhiều tàu cá ở Bình Thuận khai thác thủy sản gặp nhiều khó khăn do ngư trường, thời tiết không thuận lợi. Ảnh: NT.

Chi nhánh Ngân hàng Agribank Bình Thuận là ngân hàng thương mại duy nhất thực hiện cho vay đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, có 9 tàu bị tai nạn cháy chìm tổn thất 100%, còn lại kể từ đầu chương trình là 111 tàu. Trong số tàu cá vay vốn theo Nghị định 67 chỉ có 13 trường hợp thực hiện trả nợ đúng hợp đồng tín dụng, 16 tàu hiện nằm bờ dừng hoạt động, 67 tàu hoạt động không hiệu quả, phải cơ cấu nợ nhiều lần.

Theo báo cáo của Agribank Bình Thuận, lũy kế từ đầu chương trình, số tiền cho vay đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 hơn 1.075 tỷ đồng. Đến ngày 31/12/2023, số tiền thu nợ gốc lũy kế từ đầu chương trình là 182,4 tỷ đồng gồm 48,1 tỷ đồng thu nợ từ bảo hiểm đền bù thiệt hại do tai nạn cháy, chìm tàu; 134,3 tỷ đồng thu nợ từ khách hàng trả nợ, trong đó có 3 tàu đã trả hết nợ vay với số tiền 10,5 tỷ đồng.

Điều đáng nói, dư nợ đến ngày 31/12/2023 hơn 893 tỷ đồng (trong đó nợ xấu trên 832 tỷ đồng, cụ thể tại Phú Quý: 644,5 tỷ đồng, Phan Thiết: 134,2 tỷ đồng, Tuy Phong: 42,2 tỷ đồng và La Gi: 11,2 tỷ đồng), gồm các trường hợp khách hàng đến hạn trả nợ mà không trả nợ và khoản vay đã được ngân hàng cơ cấu nợ nhiều lần trong nhiều năm.

Số tàu đang khởi kiện thi hành án là 39 chiếc gồm Phan Thiết 15 chiếc; Phan Rí Cửa 1 chiếc; La Gi 1 chiếc; Phú Quý 22 chiếc, với dư nợ 425,4 tỷ đồng, chiếm 47,6 % tổng dư nợ.

Nguyên nhân do phần lớn các tàu gặp khó khăn về ngư trường, thời tiết không thuận lợi, nguồn lợi thủy sản bị suy giảm, chi phí nhiên liệu tăng, chi phí vận hành và bảo dưỡng tàu cá lớn, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 kéo dài... Từ đó việc thu nợ vay của ngân hàng gặp nhiều khó khăn và nợ xấu có chiều hướng gia tăng ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh và thu nhập của cán bộ, người lao động trong doanh nghiệp.

Một tàu cá ở Bình Thuận lên đà sửa chữa. Ảnh: NT.

Một tàu cá ở Bình Thuận lên đà sửa chữa. Ảnh: NT.

Chi nhánh Agribank Bình Thuận đang khởi kiện ra Tòa án nhiều trường hợp vay vốn theo Nghị định 67 để thu hồi nợ theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, việc khởi kiện giải quyết tranh chấp hợp đồng vay vốn giữa Chi nhánh Agribank với ngư dân theo Nghị định 67 cũng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần được cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo xử lý thống nhất.

Làm gì để tháo gỡ vướng mắc?

Trước tình hình trên, ngày 4/10/2022 Văn phòng Tỉnh ủy Bình Thuận đã có công văn số 2259-CV/VPTU về việc chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc trong xử lý nợ vay đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 và nội dung Báo cáo số 289 ngày 22/9/2022 của Ban Nội chính Tỉnh ủy về tình hình, kết quả thi hành án dân sự liên quan đến các vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa Ngân hàng Agribank Bình Thuận với ngư dân theo Nghị định 67.

Trên cơ sở nội dung báo cáo kết quả làm việc với Agribank Bình Thuận trong việc xử lý nợ vay đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 của Sở NN-PTNT (Công văn số 2053/SNN-VP ngày 14/9/2022), UBND tỉnh đã có ý kiến trong việc xử lý nợ vay đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67.

Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu Sở NN-PTNT, Sở Công thương, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công ty Bảo Việt Bình Thuận tiếp tục theo dõi và thực hiện việc giải quyết kiến nghị của Agribank theo thẩm quyền.

Đối với nhóm tàu không tích cực hoạt động để tàu nằm bờ; nhóm tàu có khả năng trả nợ nhưng chây ì, không trả nợ ngân hàng; không hợp tác với ngân hàng để xử lý nợ... UBND tỉnh giao các huyện Tuy Phong, Phú Quý, thị xã La Gi và TP Phan Thiết thực hiện nghiêm túc chương trình liên tịch phối hợp, hỗ trợ ngành ngân hàng trong thu hồi nợ vay theo Nghị định 67 đã ký kết.

Để tháo gỡ vướng mắc, tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các sở ban ngành liên quan vào cuộc. Ảnh: NT.

Để tháo gỡ vướng mắc, tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các sở ban ngành liên quan vào cuộc. Ảnh: NT.

Đồng thời chỉ đạo các phòng, ban trực thuộc, chính quyền cấp xã, lực lượng chức năng tại địa phương phối hợp với ngân hàng tổ chức rà soát, đánh giá hiện trạng tàu cá đóng mới, nâng cấp theo Nghị định 67. Từ đó tiếp làm việc với từng chủ tàu để tuyên truyền giải thích về chủ trương, chính sách của Nhà nước nhằm ổn định tư tưởng và nâng cao ý thức trả nợ ngân hàng, đồng thời phân loại cụ thể từng đối tượng khách hàng để có giải pháp xử lý nợ vay cụ thể đối với từng trường hợp.

Còn đối với xử lý tài sản nợ vay nhóm tàu đang khởi kiện, thi hành án tại các huyện, thị xã, thành phố vùng biển yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp huyện quan tâm, tích cực hỗ trợ xử lý tài sản nợ vay giúp ngân hàng sớm thu hồi nợ vay, tránh tình trạng tài sản bị xuống cấp, hư hỏng.

UBND tỉnh Bình Thuận còn giao Sở NN-PTNT, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Thuận phối hợp các sở, ngành chức năng theo dõi, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc bất cập trong quá trình thực hiện các chính sách đối với tàu cá đóng mới, nâng cấp theo Nghị định 67. Từ đó, tham mưu tỉnh phản ánh, kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn, thuận lợi trong tổ chức thực hiện và phát huy hiệu quả.

Cụ thể, sớm tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định của Chính phủ thay thế Nghị định 67 như: Bổ sung vào nhóm nguyên nhân khách quan, bất khả kháng như ngư trường mùa vụ bất lợi hoặc do thiên tai, dịch bệnh kéo dài để được cơ cấu lại nợ vay và được hưởng hỗ trợ lãi suất…

Kiến nghị Chính phủ có cơ chế miễn, giảm số nợ (gốc và lãi vay) còn lại sau khi đã bán tài sản thế chấp là tàu cá nhưng không đủ trả nợ ngân hàng nhằm giúp ngư dân vượt qua khó khăn, tạo dư luận đồng tình trong thi hành án dân sự giải quyết thu hồi nợ vay theo Nghị định 67…

Đến ngày 31/12/2023, Tòa án nhân dân hai cấp của tỉnh đã thụ lý 39 vụ án “tranh chấp hợp đồng vay tài sản” với số tiền gốc là 425,4 tỷ đồng, đã có bản án 38 vụ với số tiền 414,7 tỷ đồng, đang thụ lý giải quyết 1 vụ. Cơ quan Thi hành án dân sự đã thụ lý 22 vụ với tổng số tiền phải thi hành 215,5 tỷ đồng; đồng thời thông báo bán đấu giá số tàu cá trên nhưng không có người mua mặc dù đã giảm giá xuống nhiều lần.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.