| Hotline: 0983.970.780

Mòn mỏi khiếu nại doanh nghiệp 'móc ruột' hành lang đê sông Hồng

Thứ Sáu 07/09/2018 , 09:10 (GMT+7)

Quá bức xúc trước việc một số bãi tập kết vật liệu xây dựng trên địa bàn xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) gây ô nhiễm môi trường và phá huỷ hành lang hộ đê hữu sông Hồng, người dân ở xóm Đề Thám (thôn Văn Minh) đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên cơ quan chức năng.

Chính quyền bất lực

Ông Hoàng Trung Mỹ (xã Văn Nhân) đại diện cho các hộ dân cư trú tại xóm Đề Thám, là những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tình trạng ô nhiễm môi trường do bãi cát, bãi tập kết vật liệu xây dựng gây ra đã nhiều lần gửi đơn phản ánh lên huyện Phú Xuyên.

13-27-59_nh-1
Người dân bức xúc trước việc chủ bãi cát “khoét ruột” hành lang hộ đê sông Hồng

Theo ông Mỹ, từ nhiều năm nay, ngoài bờ sông Hồng đoạn qua xóm Đề Thám tồn tại bãi tập kết cát hút từ sông và nhiều nơi khác đổ về. Quy mô của bãi tập kết hết sức lớn và chiều cao vượt lên cả mặt đê sông Hồng. Mỗi khi thời tiết khô hanh, nắng nóng thì cát bụi từ bãi cát này lại bay vào khu dân cư phía trong đê, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức sức khoẻ người dân.

“Mặc dù chúng tôi nhiều lần phản ánh đến các cấp từ thôn đến xã, huyện, nhưng tình trạng này vẫn không được giải quyết, bãi cát vẫn ngày một cao và hoạt động ngang nhiên hơn, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nặng hơn trước”, ông Mỹ cho biết.

Có mặt tại bãi tập kết vật liệu xây dựng của ông Vũ Văn Nam (người dân thôn Đề Thám), PV NNVN phát hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật trắng trợn. Cụ thể, chủ bãi cát đã sử dụng máy múc “móc ruột” hành lang bảo vệ đê sông Hồng sâu 1,5m. Thậm chí, khi tiến ra phía ngoài bờ sông Hồng (ngoài phạm vi hành lang hộ đê), DN này càng đào múc sâu hơn, có chỗ sâu hơn gần 5m so với cốt nền của hành lang đê.
 

Cứ mưa bão là đê bị thẩm lậu

Theo người dân xóm Đề Thám, do dải đất ven sông Hồng ngay sát chân đê bị đào múc quá sâu, vào mùa mưa lũ, nước dâng cao là xuất hiện thẩm lậu qua đê sông Hồng. Nước chảy vào khu dân cư. Có thể do cấu trúc thân đê đã bị yếu, bởi vậy tình trạng sạt mái đê đã diễn ra.

Để “tự cứu mình”, người dân trong xóm phải hô hào nhau xây tường bao quanh chân đê để bảo vệ, nhưng tình trạng thẩm lậu thân đê diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

13-27-59_nh-2
Nhiều lá đơn kiến nghị được người dân gửi đến UBND huyện

Trước đó, vào tháng 10/2016, Báo NNVN đã có bài viết “Xẻ thịt” hành lang đê sông Hồng: Sai phạm có hệ thống. Theo đó, khu vực này trước đây được UBND huyện cho phép làm lò gạch thủ công và bến bãi tập kết vật liệu. Sau khi, Thủ tướng Chính phủ có quyết định xóa bỏ lò gạch thủ công trên toàn quốc thì các lò gạch thủ công ở huyện Phú Xuyên cũng lần lượt được dỡ bỏ.

Khu vực này, sau đó được TP Hà Nội quy hoạch để xây dựng làm bãi trung chuyển nông sản phục vụ khu đô thị Phú Minh - Phú Xuyên. Trong khi dự án chưa được triển khai, UBND huyện đã "tranh thủ" ký hợp đồng cho thuê bến bãi với một số cá nhân.

Cụ thể, được sự ủy quyền của UBND huyện Phú Xuyên, Phòng TN-MT ký hợp đồng cho ông Vũ Văn Nam, một công dân ở xã Văn Nhân thuê hơn 17.000m2 đất bãi với giá 6.300 đồng/m2 từ ngày 1/11/2012 đến ngày 31/5/2013. Bà Đoàn Thị Nga thuê 24.658m2; ông Nguyễn Văn Thông thuê thầu 17.732m2.

Tuy nhiên, hết hạn hợp đồng, các chủ bãi với sự tiếp tay của cán bộ nguyên là lãnh đạo UBND xã Văn Nhân đã cho máy xúc đào múc hàng nghìn m3 cát mang đi bán.

Huyện xử phạt, chủ bãi không sợ

Ông Phùng Thế Giang, Chủ tịch UBND xã Văn Nhân, cho biết: “Huyện Phú Xuyên đã phối hợp với Hạt Quản lý đê điều kiểm tra, xử phạt các bãi tập kết vật liệu xây dựng nhiều lần rồi, nhưng chủ bãi không sợ”.

Trước đó, UBND huyện Phú Xuyên có văn bản số 661, giao Phòng TN-MT chủ trì, hướng dẫn các xã, thị trấn yêu cầu các đơn vị, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh bãi vật liệu xây dựng tự di dời vật liệu xây dựng ra khỏi bãi xong trước ngày 15/5/2018 để dảm bảo công trình thuỷ lợi trong mùa mưa bão. Nếu hết thời hạn nêu trên, UBND huyện sẽ tổ chức cưỡng chế, giải toả theo quy định.

Ông Phùng Thế Giang cũng cho biết, UBND xã gửi nhiều văn bản, thậm chí đã có phương án giải toả các bãi tập kết vật liệu xây dựng gửi UBND huyện, nhưng đến cuối tháng 8/2015, vẫn chẳng có bãi vật liệu xây dựng nào bị cưỡng chế, giải toả.

“Chúng tôi nhức đầu lắm, người dân cứ kêu xã chống lưng, xã thế này thế khác. Nhưng huyện có thông báo ngày 15/5/2018 giải toả nhưng đến thời điểm này có động thái gì đâu”, ông Giang nói.

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.