Ông Phan Hữu Đức, Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng IV (đóng tại TP Đà Nẵng) cho biết, thực hiện theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT về việc triển khai các nhiệm vụ trên Một cửa quốc gia, đơn vị đã bắt đầu áp dụng đầu tiên với thủ tục cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật trên cạn nhập khẩu kể từ ngày 1/10/2017.
Do từ trước đến nay, các doanh nghiệp thực hiện muốn thực hiện các thủ tục thì phải trực tiếp đến Chi cục Thú y để nộp hồ sơ giấy nên thời gian đầu khi mới sử dụng hệ thống Một cửa quốc gia, các doanh nghiệp có phần hơi bỡ ngỡ.
Trước vấn đề này, Chi cục Thú y vùng IV đã chủ động bố trí máy tính có kết nối mạng và cử cán bộ phụ trách hỗ trợ hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện thao tác khai báo hồ sơ kiểm dịch qua Hệ thống Một cửa quốc gia ngay tại đơn vị khi doanh nghiệp mang hồ sơ giấy đến để nộp.
Đồng thời, Chi cục cũng chủ động liên hệ với bộ phận quản trị phần mềm để thông báo lỗi và cùng thảo luận khắc phục lỗi; liên hệ với cơ quan Hải quan cửa khẩu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khi có hồ sơ trên hệ thống báo lỗi.
Hiện nay, tại Chi cục Thú y vùng IV, hầu hết các doanh nghiệp khai báo hồ sơ trên Hệ thống một cửa Quốc gia đối với 2 thủ tục: Cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn nhập khẩu, kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản có nguồn gốc động vật nhập khẩu.
“Các thủ tục trên được Chi cục Thú y vùng IV cũng như các doanh nghiệp cùng triển khai đúng theo tiến độ thực hiện trên hệ thống thống Cơ chế Một cửa quốc gia theo yêu cầu của Cục Thú y và Bộ Nông nghiệp và PTNT đề ra”, ông Đức nói.
Cũng theo ông Đức, trung bình hàng năm, Chi cục thực hiện giải quyết hơn 1.000 hồ sơ của các doanh nghiệp, cá nhân và chủ yếu là các thủ tục liên quan đến hoạt động nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật trên cạn và nhập khẩu sản phẩm động vật thủy sản. Đến thời điểm hiện tại, có trên 90% hồ sơ được giải quyết qua Một cửa quốc gia.
“Số còn lại (dưới 10%) không khai báo trên Hệ thống một cửa quốc gia chủ yếu là thủ tục cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật trên cạn xuất khẩu/nhập khẩu. Nguyên nhân là do hầu hết các hồ sơ này chủ yếu là động vật cảnh (chó, mèo) mang theo người, khách hàng là cá nhân nên không thể khai trên Hệ thống một cửa.
Đối với hàng sản phẩm xuất khẩu, thì doanh nghiệp cần bản cứng Giấy chứng nhận kiểm dịch có đóng dấu và lượng hồ sơ ít nên doanh nghiệp muốn làm hồ sơ giấy hơn”, ông Đức thông tin.
Với việc thực hiện các thủ tục trên Một cửa quốc gia, ông Đức cho rằng, các doanh nghiệp thực hiện được rất nhiều lợi ích như: Doanh nghiệp không cần phải trực tiếp đến Chi cục để nộp hồ sơ và nhận Giấy chứng nhận kiểm dịch cho lô hàng nhập khẩu nên giảm được thời gian đi lại trên đường và chờ đợi làm thủ tục khai báo; giảm chi phí phát sinh cho quá trình đi lại.
Tiếp nữa là doanh nghiệp có thể thực hiện nộp hồ sơ bất cứ thời điểm nào khi bố trí được thời gian, không phải chỉ thực hiện trong giờ hành chính như nộp hồ sơ giấy; Thủ tục được giải quyết nhanh chóng; nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp thời gian qua thì việc thực hiện trên Hệ thống một cửa quốc gia sẽ hạn chế gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp càng có nhiều ý nghĩa.