Sơn cùng thủy tận
Bản Làng Sáng (xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) trong tiếng Mông có nghĩa là bản Khó Nghĩ. Chuyện rằng gần 100 năm trước một đợt dịch lớn quét qua đây khiến cho người chết như ngả rạ, những ai còn sống thì đều sợ hãi bỏ đi cả biến Làng Sáng thành bản hoang, mãi lâu sau mới có mấy dòng họ Mông tìm đến tái lập bản. Người trồng cây sắn ở đầu nương thì phía sau lợn rừng ra phá. Người thả gà ở đầu nhà thì cuối nhà cầy cáo rập rình. Ngửa mặt bốn phía toàn là rừng xanh núi đỏ dọc ngang như mê cung, đâu đâu cũng mịt mù mây khói chẳng thấy đường ra nên mới có tên là bản Khó Nghĩ. Muốn đi đâu xa người Mông thường phải trèo lên một cái ngọn cây cao nhất vùng để mà xác định phương hướng. Quả đồi mang tên đồi Trèo Cây ngày xưa ấy đến giờ vẫn còn nguyên.
Rừng núi Háng Đồng |
Làng Sáng là nơi mà bất kỳ ai có máu phiêu lưu, mạo hiểm nhất đều muốn đến bởi lẽ sau đó có thể tự hào rằng mình đã đến được vùng sâu, vùng xa nhất nhì của tỉnh Sơn La, thậm chí của cả Tây Bắc. Để đến được Làng Sáng tôi cùng mấy cán bộ xã phải băng qua rừng già Tà Xùa trên những cung đường một bên là vực thẳm, một bên là núi cao, chiều rộng lắm chỗ chỉ đủ đặt vừa một bàn chân người, đất dưới chân trơn nhẫy như bôi mỡ lợn.
Vừa đi vừa dắt xe máy mất gần 1 buổi cuối cùng cũng tới được bản Mông nằm giữa chín tầng mây này, nơi có những ngôi nhà làm hoàn toàn bằng pơ mu, cột pơmu, vách pơ mu, mái pơ mu đến chuồng lợn, chuồng trâu, chuồng gà, hàng rào cũng bằng pơ mu nốt. Đó cũng là lúc nhà nhà bếp đỏ lửa, khói lam chiều bay lên thơm nồng mùi củi nhựa pơ mu. Cảnh đẹp như cổ tích nhưng người thì nghèo xác xơ.
Người đàn ông vừa đi lấy củi trên rừng về |
Bản có 102 gia đình với 3 dòng họ là Hạng, Sùng và Mùa cùng chung sống thì khoảng 70% là hộ nghèo, nhiều hộ còn phải ăn sắn, ăn ngô thay cho cơm. Không có đường, không có điện, không có sóng điện thoại nhưng ở Làng Sáng nghiện ngập thì lại rất sẵn với khoảng trên 30 người nghiện, nghi nghiện với đủ thể loại hàng trắng (heroin) lẫn hàng đen (thuốc phiện). Những người này túng bấn đến nỗi nếu dỡ mái nhà pơmu đi mà bán được họ cũng sẵn sàng nhưng khổ nỗi đường xá khó khăn như thế nên cũng chẳng có ai hỏi mua. Tuy đói rạc đói dài, hễ thấy bóng dáng người lạ là các đối tượng nghiện lại chạy thoăn thoắt vào rừng vì sợ: “Cán bộ không tốt, đến bắt tao đi cai”.
Quá cách biệt với thế giới bên ngoài nên Hạng A Dua-Bí thư bản Làng Sáng bảo nơi đây phụ nữ vẫn sinh đẻ ngay tại nhà, người chết chưa được đưa vào quan tài mà chỉ bỏ vào trong cái giỏ tre rồi treo lên vách nhà để ngày ngày đút cơm, đút canh, đút thịt vào một quả bầu cho “ăn” tiếp.
Mỗi lần có người ốm nặng phải đưa ra trạm xá thì cả họ phải cử 7-8 người đi theo để thay nhau khiêng bệnh nhân leo dốc, băng đèo hay lội suối. Trong một lần khiêng đi như thế, đứa con mấy tháng tuổi nhà Sùng A Tàng tưởng ốm sốt sơ sơ mà đã chết luôn ở dọc đường. Trong một lần khiêng đi như thế sản phụ khó sinh Thào Thị Ly đã đẻ rơi, đứa trẻ khóc váng lên giữa rừng còn người mẹ thì may phúc thoát chết.
Làng Sáng bao giờ không còn Khó Nghĩ?
Mùa đông, trời sập tối rất nhanh, chẳng mấy chốc mà bóng đêm đã phủ kín bản. Gà vịt lên chuồng hết, ngoài đường chỉ còn bóng dáng kỳ dị của một vài con lợn bởi… đeo gông gỗ đang chạy nhông nhông. Người ta đeo gông cho lợn để nó bị vướng ở cổ không thể chui qua bờ rào vào phá vườn rau được.
Không gian yên tĩnh bỗng nhiên xao động bởi ánh đèn pin loang láng, tiếng gọi nhau í ới, tiếng bước chân người rầm rập hướng về lớp học xóa mù chữ của thầy giáo Lò Văn Huấn.
Lớp học xóa mù chữ của thầy Huấn |
Trong ánh sáng của cái bóng điện dùng năng lượng mặt trời lúc mờ, lúc tỏ, giọng anh trầm bổng: “Hôm nay các em học âm khờ. Nào đọc theo thầy khờ e khe. Khờ i khi hỏi khỉ”. Lớp học đặc biệt này có 32 học sinh từ 10 tuổi đến 40-50 tuổi, phần lớn là nữ vì đơn giản mỗi buổi học được Hội phụ nữ xã cấp cho…10.000đ, còn phần ít là nam học, dù không được tiền nhưng họ vẫn muốn theo học để có vài con chữ dắt lưng khi ra ngoài xã, ngoài huyện. Thầy Huấn bảo, học được 14 buổi rồi mà vẫn còn 6 người chưa thể đọc được, lúng túng như gà mắc tóc mỗi khi thầy giáo gọi lên bảng.
Trong 5 giáo viên cắm bản ở Làng Sáng 3 giáo viên đã có gia đình, nhà cách xa cả buổi đi xe, thường cuối tuần hay cuối tháng mới về thăm vợ con được. Còn người thân của ai mà đã trót lên đây thăm một lần thì đều không dám quay lại bởi quá sợ hãi cung đường hành xác giữa rừng già… Tối đó, tôi ngủ ở gian phòng nhỏ của mấy giáo viên nam, rửa mặt đánh răng bằng thứ “nước biết cắn tay” lạnh cóng như cách nói của người Mông.
Sáng ra khi tôi vẫn còn rúc đầu sâu vào chiếc chăn bông vì ngại cái rét ở một nơi cao gần 2000m so với mặt nước biển thì tiếng kẻng sắt đã vang lên leng keng giục bước học sinh đến trường. Lắm đứa đến lớp còn địu cả em trên lưng vừa học bài vừa ru ngủ. Lúc này tôi mới có dịp quan sát kỹ, “trường cấp một” chỉ là mấy gian nhà tạm được thưng bằng ván gỗ, trên mái chèn đủ thứ cành cây để chống gió thổi bay mất. Ở nơi non cùng, thủy tận này “đặc sản” không có gì ngoài gió. Gió ù ù thổi quanh năm suốt tháng. Gió phần phật thổi tung lá cờ đỏ sao vàng trên nóc trường. Gió khiến cho các thầy cô giáo phải gom nhặt lại những tấm mái méo mó, bay tứ tung khi lợp xong mà chưa kịp chèn cây lên để gia cố.
Điểm trường Làng Sáng |
“Trường mẫu giáo” chỉ có hai lớp, một có 14 cháu và một có 19 cháu. Tất cả chúng đều tự nguyện mỗi tuần xúc 1-2 bát gạo, mang vài mớ rau ở nhà đi để nuôi thầy cô bởi lẽ đường xá quá xa xôi, từ bản ra đến trung tâm xã rồi về đã mất gần một ngày đường muốn mua bất kỳ cái gì cũng rất khó. Đó là trong những ngày nắng còn những lúc ngày mưa thì coi như cấm bản hoàn toàn. Lúc tôi đến, một con đường bê tông trị giá khoảng 10 tỉ đang “bò” từ trung tâm xã vào Làng Sáng nhưng với tốc độ khá chậm. Còn đường điện, thứ mong mỏi nhất của dân bản lại chẳng biết bao giờ mới có thể thành hiện thực được bởi dự toán tốn kém tới trên 20 tỉ đồng.
Tự nhiên tôi lại nhớ mấy câu trong báo cáo về tình hình chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự của xã Háng Đồng-nơi năm 2015 phát sinh 8 người Mông sang Lào làm phỉ rằng: “Địa hình đồi núi, giao thông đi lại khó khăn, kèm theo đó là khí hậu khắc nghiệt, dân trí thấp, đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào tự nhiên. Đây là điều kiện thuận lợi để các thế lực thù địch, phản động, phần tử xấu lợi dụng để hoạt động …”.
Huyện Mai Sơn tuy chưa có đối tượng nào bỏ đi lập nhà nước Mông, thờ vua Mông như ở huyện Bắc Yên nhưng vẫn phải lập “phòng tuyến” cẩn thận. Theo ông Nguyễn Sơn Hải-Trưởng Ban tuyên giáo huyện ủy Mai Sơn thì chỉ trong năm 2017 địa phương này đã phân thành 4 tổ công tác để tuyên truyền 8 chuyên đề phản bác lại các luận điệu về “Nhà nước Mông” gồm: Người Mông không nghe lời kẻ xấu; Hậu quả của di cư tự do; Hậu quả của tảo hôn: Vấn đề tự tử bằng lá ngón… Bản thân ông Hải được phân công vào tổ công tác tới 3 bản Mông có nhiều vấn đề tồn tại như Huổi Hài ở xã Chiềng Chăn với chuyện di dân tự do, bản Tong Tải của xã Nà Pó, bản Pa Nó của xã Tà Hộc với chuyện di dân tự do, tự tử và lừa bán phụ nữ. “Có người bán đất, bán nhà để di dân tự do nhưng cũng có người tuy đi nơi khác nhưng trâu vẫn buộc trong chuồng, nhờ người chăm sóc để phòng ở nơi mới không được thì lại trở về”. |