| Hotline: 0983.970.780

Mùa thu Nga - Cảm& luận: Nghĩ ngợi dọc đường

Thứ Năm 01/10/2015 , 07:14 (GMT+7)

Ỷ vào tài nguyên, không dụng nhân tài thì dẫu có hùng cường nhất thế giới cũng có lúc lâm nguy./ Thoáng chốc với doanh nhân (II)

Những đàn sếu bay qua. Sương mù và khói tỏa

Matxcơva lại đã thu rồi

(Mùa lá rụng- Olga Bergon)

Anh Xuân Hiệu, tham tán thương mại tại Vladivostok ra ga đón chúng tôi. Anh nói không phải chuyên gia về nông nghiệp, nhưng những gì anh biết được thì không mấy khả quan; cũng không hình dung Nga giải bài toán thực phẩm tăng giá từng ngày bằng cách nào. Anh vui vẻ nhận lời dẫn đường và phiên dịch cho chúng tôi về Artem - thành phố vệ tinh của Vladivostok.

Dù là ngày nghỉ nhưng Chủ tịch Duma thành phố Hvon Viachelav Vaxilevich và Trưởng phòng Nông nghiệp vẫn tận tình tiếp khách.

Theo báo cáo thành phố có 80% đất nông nghiệp, diện tích tự nhiên 50.000km2. Thế mạnh là chăn nuôi gia cầm, hiện có 40 trang trại quy mô nhỏ và vừa, thu hoạch 30.000 USD/năm. Lương công nhân nông nghiệp bình quân 20.000 rup (hơn 6 triệu tiền Việt/tháng).

Mức lương này không thu hút được lao động nên hiện đang thiếu hụt 4.000 công nhân. Liên quan chính sách đầu tư, người đứng đầu Duma thành phố nói rằng, địa phương mời gọi đầu tư nhưng các DN nước ngoài phải công khai công nghệ tiên tiến, làm ăn minh bạch...

Ông cũng dẫn chứng phê phán một DN nước ngoài sau khi bị rút giấy phép đã để lại hậu quả môi trường khó khắc phục.

Tôi cảm thông những điều ông nói. Nhưng trên đường về, tôi nói với Xuân Hiệu, vẫn nếp làm ăn cũ, không đầu tư công nghệ cao thì chưa biết khi nào mới tự túc được thực phẩm.

14-11-58_013
Thu hoạch dưa chuột trên đồng

Người Nga hy vọng có cú hích cho vùng Viễn Đông, nhất là Nga đang hướng về những nhà đầu tư Trung Quốc với rủng rỉnh tiền vốn, khát nhiên liệu và thị trường rộng lớn. Vùng Viễn Đông, giáp với biên giới Trung Quốc, là nơi sản xuất chính những sản phẩm như dầu, khí đốt, than đá và gỗ.

Nơi này cũng chiếm khoảng 70% trữ lượng thủy sản của Nga. Diện tích toàn vùng 6,2 triệu km2 - chiếm 36,4% diện tích của đất nước, nhưng nơi đây có dân cư thưa thớt, chỉ với 6,4 triệu dân, tương đương dưới 5% dân số Nga. 

Tổng thống Putin cho biết sẽ điều chỉnh trong luật pháp để thu hút người đến ở, bằng cách phân phối đất đai cho công dân Nga. Tuy nhiên các nhà phân tích hoài nghi rằng liệu khu vực Viễn Đông, một vùng đất rất xa xôi lệch giờ với Matxcơva, có đủ cơ sở hạ tầng cần thiết để vận chuyển nguyên liệu thô đến các thị trường cách đó rất xa hay không.

Anh Xuân Hiệu cũng nói, trông đợi gì ở Trung Quốc, khi thương mại hai nước Nga - Trung năm 2014 có 80 tỷ đô la, năm nay chưa chắc bằng năm ngoái, nửa đầu năm mới 33 tỷ. Đúng thế, tôi nhủ thầm trong khi Trung Quốc - Mỹ, EU là 1.000 tỷ đô la.

Một nhà phân tích kinh tế Nga nói rằng, ngay cả lĩnh vực năng lượng, các đường ống “Sức mạnh Siberia” sang Trung Quốc và các dự án dầu khí khác chỉ là các thủ pháp tuyên truyền. Đơn giản là xây dựng chúng rất không kinh tế. Trung Quốc chỉ mua khí đốt của Nga với giá 50-100 đô la/mét khối. Nhưng bán giá đấy thì các dự án này không bao giờ hoàn được vốn…

Quả là một nan đề. Nhiều tài liệu nói rằng giá thành SX dầu của Mỹ chỉ còn ở mức trung bình 25 đô la/thùng. Ngoài ra bắt đầu sử dụng công nghệ Plasma vào SX dầu từ đá phiến cho phép giảm giá thành sâu hơn nữa. Công nghệ được sáng tạo đầu tiên ở Nga. Rất tiếc là cũng như nhiều phát minh, sáng chế khác ở Nga đã không được quan tâm. Người Mỹ đã nhanh chân hơn, hoàn thiện và đưa vào khai thác.

Ỷ vào tài nguyên, không dụng nhân tài thì dẫu có hùng cường nhất thế giới cũng có lúc lâm nguy. Tôi đọc những tài liệu ấy trên chuyến bay về Matxcơva. Chặng bay dài hơn Matxcơva - Hà Nội.

Ngoại ô Matxcơva chào đón chúng tôi khi trời đã vào thu. Mới chỉ một tuần tôi đến Nga mà cảnh sắc đã thay đổi đến bàng hoàng. Những rừng cây chạy dọc đường vành đai 3 đã nhuốm vàng, màu vàng như tranh vẽ. Đẹp mỏng manh, mê hoặc, như ảo ảnh.

Có cảm giác nếu ta chạm vào, cái lớp vàng mỏng tang ấy sẽ tan biến. Mới hiểu vì sao Olga Bergon viết: “Tránh động vào cây, mùa lá rụng/ Nhắc suốt đường cũng chỉ bấy nhiêu thôi. Ôi trái tim, trái tim một mình tôi/ Đập hồi hộp giữa phố hè xa lạ”.

Trang trại của anh em Phạm Hòa, Phạm Hồng cách thành phố Matxcơva gần 200km. Nó nằm phía sau thị trấn nhỏ, xinh đẹp, bên cạnh trang trại của người Trung Quốc, người Nga, người Trung Á. Hòa quê Quỳnh Lưu, Nghệ An, vùng chuyên canh rau nổi tiếng xứ Nghệ. Đã cuối lứa thu hoạch mùa hè, chuẩn bị nhà kính cho trồng rau mùa lạnh. Sản phẩm của trang trại là dưa, hành lá, rau gia vị…

14-11-58_019
Dựng nhà chuẩn bị trồng rau mùa lạnh trang trại anh Phạm Hòa

Nhộn nhịp người thu hoạch, làm sạch, đóng thùng; kíp khác dựng những chiếc cột gỗ, loại gỗ tốt, căng nilon làm mái che phủ, mỗi nhà kính rộng 1.000m2. Hòa bảo: Ở đây gỗ tốt và rẻ, làm cái nhà chả hết bao nhiêu. Khó nhất là thuê lao động. Người Nga, Trung Á, không chăm chỉ như người Việt. Lợi thế nhất là đất đai màu mỡ.

Sao anh không làm may mặc, thương mại, lại chọn nông nghiệp đầu tư?

Tôi thấy nông nghiệp ít rủi ro nhất. Từ ngày sang Nga, tôi chỉ làm nông nghiệp, đưa người mình sang, vài năm các cháu có nghề chúng tách ra làm trang trại mới. Làm tốt kiếm 2,3 triệu rúp một năm chả khó gì. Nhưng mình phải làm đàng hoàng, bảo đảm chất lượng.

Anh chỉ cho tôi những bó hành lá chỉ hơi khô đầu đã phải bỏ; từng đống dưa chuột đổ bỏ do không cùng kích cỡ… Tôi giẫm lên đất đai tơi xốp như đỗ rồi nghĩ ngợi lan man.

Chợt nhớ bữa gặp lại nhà văn Châu Hồng Thủy, Tổng Biên tập tờ Người bạn đường của Hội VHNT Việt Nam tại Liên bang Nga sau hơn 20 năm. Anh là người tiếp quản ấn phẩm này từ nhà thơ Trần Đăng Khoa và những bạn văn khác. Họ để lại gánh nặng tinh thần mà anh không nỡ buông bỏ. Những người cùng lứa với anh giờ đã yên ấm ở quê nhà.

Còn anh, vẫn lang bạt xứ người, vật vã mưu sinh. Khi nghe tôi nói: “Về thôi anh, ngoài 60 rồi”. Anh nói: "Về thì cũng thế. Ở đây quen. Khổ cũng khổ rồi. Như người Nga đấy, họ bảo đã có thời khổ lắm, bây giờ khổ thêm cũng chả sao. Và Putin vẫn là nhất. Người Nga vẫn chậm rãi, chịu đựng, chỉ làm đến 5 giờ chiều là đi nhậu. Kệ đời".

Tôi không nghĩ thế. Những người như anh em Phạm Hòa ở đây, như Thái Khắc Việt ở Khabarovsk, như Cường ở Vladivostok, họ đi từ các miền quê nghèo đất Việt, chứng kiến bước chuyển mình ngoạn mục của nông nghiệp 30 năm qua. Chính họ sẽ góp phần thức tỉnh người Nga khi nghĩ về nông nghiệp.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm