Người đàn ông không biết sợ hãi Jordy Cernik. Ảnh: Newcastle Chronicle. |
Đối với hầu hết mọi người, chỉ nghĩ đến việc tụt xuống từ một trong những tòa nhà cao nhất nước Anh đã khiến nỗi sợ hãi tràn ngập tâm trí họ. Nhưng khi Jordy Cernik leo bên rìa của tòa tháp National Lift cao 120 mét ở Northampton, cơ thể ông gần như không có bất kỳ phản ứng sợ hãi hay run rẩy nào.
Cernik hồi năm 2017 xuất hiện trong bộ phim tài liệu mang tên “Những người Phi thường nhất Thế giới” của kênh truyền hình BBC và đã nắm bắt cơ hội này để tham gia một cuộc thử nghiệm nhằm tìm hiểu vì sao ông đánh mất khả năng cảm thấy sợ hãi.
“Tôi chỉ có cảm nhận từ sâu bên trong mình rằng tôi không sợ bất kỳ điều gì”, ông chia sẻ với SBS. Cernik nhận ra điều đặc biệt ở mình sau lần nhảy khỏi máy bay trong khi tham gia một cuộc nhảy dù gây quỹ từ thiện hồi năm 2013.
“Vì thế, khi họ hỏi rằng ‘Chúng tôi có một nhà khoa học sẽ giúp anh kiểm trả phản ứng sợ hãi của mình và cho anh một câu trả lời xác đáng, anh có muốn tham gia không?’, tôi lập tức trả lời ‘Có, chắc chắn có’”.
Cernik bị chẩn đoán mắc hội chứng Cushing vào năm 2005, căn bệnh khiến ông tăng cân và toát mô hồi quá mức, không thể kiểm soát, dù ông tập thể dục gần như mỗi ngày và duy trì một chế độ dinh dưỡng lành mạnh.
“Về cơ bản, căn bệnh bắt nguồn từ việc nồng độ cortisol của bạn vượt quá cao do tuyến yên và tuyến thượng thận sản xuất quá nhiều cortisol, cơ thể bạn chứa quá nhiều steroid”, Cernik giải thích.
“Đôi khi nó có thể được chữa bằng cách cắt bỏ tuyến yên và đó là ca phẫu thuật não đầu tiên tôi phải trải qua”, ông kể. “Nhưng các triệu chứng của tôi không dừng lại, do vậy, họ quyết định tiến hành ca phẫu thuật thứ hai để loại bỏ tuyến thượng thận của tôi. Nhưng sau đó, chúng lại gây ra những vấn đề khác”.
Tuyến thượng thận sản xuất các hormone bao gồm cả andrenaline và cortisol, được giải phóng vào cơ thể khi phản ứng trước nguy hiểm.
Khi Cernik được thả tụt xuống từ đỉnh tháp National Lift trong bộ phim tài liệu “Những người Phi thường nhất Thế giới”, ông được nhà khoa học nhận thức, tiến sĩ Sarah Garfinkel gắn hàng loạt thiết bị đo chỉ số nhằm kiểm tra xem cơ thể ông phản ứng như thế nào khi những hormone kể trên bị thiếu.
“Sarah nói với chúng tôi ‘Đúng thế, cơ thể anh không có phản ứng sợ hãi như bình thường”, Cernik nhớ lại. “Theo bà, nguyên nhân nhiều khả năng là do tuyến thượng thận của tôi đã bị cắt bỏ và sau tất cả các ca phẫu thuật não, thứ gì đó trong não tôi đã bị làm rối tung lên. Như kiểu một công tắc trong não tôi không hoạt động nữa và nó không thể chỉ huy cho cơ thể phản ứng. Đó là một cảm giác kỳ lạ”
Những tác dụng phụ từ các cuộc phẫu thuật không chỉ ảnh hưởng đến cách Cernik phản ứng trong những tình huống đáng sợ như đi tàu lượn siêu tốc hay nhảy khỏi máy bay.
“Khi nhìn các con chạy trên phố, thông thường, tôi sẽ cảm thấy lo lắng lúc chúng ngã hay tự làm đau chính mình. Nhưng giờ đây, tôi không còn cảm giác đó nữa. Thật xấu hổ bởi mọi bậc phụ huynh đều có quyền cảm thấy sợ hãi, lo âu cho con cái mình”, Cernik chia sẻ. “Không chỉ sợ hãi, tôi còn không cảm thấy phấn khích nữa, tôi không cảm thấy có động lực khi làm bất cứ việc gì. Do đó, tôi luôn phải tự thúc ép chính mình bởi tôi đã mất đi cảm hứng”.
Cernik rất đam mê bộ môn nhảy dù. Ảnh: Instagram/Jordy Cernik. |
Ngoài ra, Cernik cũng trải qua cảm giác đau đớn khác với hầu hết mọi người. “Khi bạn bị đau, cơ thể sẽ tiết ra andrenaline, chúng giống như một liều thuốc giảm đau. Nhưng tôi chỉ có cách tiếp nhận cơn đau tự nhiên”, ông cho hay. “Bất cứ điều gì bạn làm, như đập khuỷu tay vào bàn, bạn thường sẽ cười nhưng với tôi, nó thực sự đau đớn. Vậy nên, đôi lúc, tôi cảm thấy thật sự khủng khiếp”.
Song theo tiến sĩ Garfinkel, tác dụng phụ hiếm gặp của Cernik có thể giúp ích rất nhiều cho các bác sĩ trong việc nghiên cứu những rối loạn sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như lo lắng, trầm cảm.
“Chúng tôi có thể nghiên cứu Jordy và áp dụng cho những người mắc chứng lo âu, những người sợ hãi thái quá”, Garfinkel nói.
“Tôi vui vì biết mình có thể giúp đỡ những người bị lo âu”, Cernik cho biết. “Tôi quen một số người mắc hội chứng lo âu thái quá rất nghiêm trọng và nếu tôi giúp được cho họ, điều đó thật sự tuyệt vời”.