| Hotline: 0983.970.780

Ngành dọc nông nghiệp, nơi tìm cách khôi phục, chỗ lại tính nhập vào

Thứ Bảy 04/12/2021 , 18:00 (GMT+7)

Trong khi nhiều địa phương đang tìm cách khôi phục lại hệ thống ngành dọc như khuyến nông, thú y, bảo vệ thực vật, một số tỉnh, thành lại đang tìm cách sáp nhập.

Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An thống nhất trình HĐND tỉnh sửa đổi Nghị quyết số 22/2019, bổ sung một số chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã: Thú y, bảo vệ thực vật, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư.

Theo Sở NN-PTNT cùng một số huyện, thành, thị của tỉnh Nghệ An, việc cắt giảm các chức danh thú y, bảo vệ thực vật đã gây khó khăn cho việc tuyên truyền, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về thú y, bảo vệ thực vật tại cấp xã.

Cán bộ bảo vệ thực vật Hà Nội hướng dẫn kỹ thuật bẫy chuột bán nguyệt cho bà con nông dân. Ảnh. NH.

Cán bộ bảo vệ thực vật Hà Nội hướng dẫn kỹ thuật bẫy chuột bán nguyệt cho bà con nông dân. Ảnh. NH.

Các dịch bệnh trên gia súc, gia cầm chậm được phát hiện xử lý kịp thời. Một số địa phương không thuê được người làm dịch vụ vì mức thuê quá thấp.

Căn cứ các khó khăn vướng mắc, UBND tỉnh Nghệ An kiến nghị bổ sung một số chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã: Thú y, bảo vệ thực vật, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư. Đồng thời, giao UBND cấp huyện căn cứ đề xuất của UBND xã để lựa chọn bố trí chức danh cho phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương

Trước đó, tháng 10/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cũng ký ban hành Quyết định số 371/QĐ-UBND về thành lập Trạm Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản cấp huyện thuộc Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản.

Trong khi đó, những năm qua, nhiều địa phương đã tiến hành sáp nhập các trạm bảo vệ thực vật, thú y, khuyến nông thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và bắt đầu bộc lộ những bất cập trong công tác chỉ đạo, điều hành, nhất là khi xảy ra dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thiệt hại có khi lớn hơn rất nhiều so với quỹ lương chi trả cho lực lượng này.

Theo chia sẻ của nhiều chuyên gia, lãnh đạo trong ngành nông nghiệp, các địa phương nên giữ nguyên các Trạm Trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi thú y cấp huyện, đặc biệt là những đô thị lớn để có lực lượng quản lý, giám soát an toàn thực phẩm ngay từ khâu sản xuất.

Hơn nữa, về mặt pháp lý, Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật cũng như Luật Thú y đều quy định hệ thống chuyên ngành bảo vệ, kiểm dịch thực vật, thú y và kiểm dịch động vật được tổ chức từ Trung ương đến cấp huyện.

Riêng với lĩnh vực kiểm dịch thực vật, Khoản 3, Điều 3 Nghị định 116/2014/NĐ-CP ngày 04/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật quy định: Cơ quan chuyên ngành Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trực thuộc cơ quan chuyên ngành Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ được giao trên địa bàn cấp huyện và phối hợp với Phòng NN-PTNT giúp UBND cấp huyện quản lí nhà nước trong lĩnh vực phòng, chống sinh vật gây hại thực vật; kiểm dịch thực vật nội địa và quản lý thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn cấp huyện.

Hệ thống cán bộ nông nghiệp cấp huyện, cấp xã có vai trò rất lớn trong việc giám sát an toàn thực phẩm ngay từ khâu sản xuất. Ảnh: NH.

Hệ thống cán bộ nông nghiệp cấp huyện, cấp xã có vai trò rất lớn trong việc giám sát an toàn thực phẩm ngay từ khâu sản xuất. Ảnh: NH.

Điểm a, Khoản 3, Điều 3 Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV ngày 25/3/2015 của liên Bộ NN-PTNT và Bộ Nội vụ Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về NN-PTNT thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện cũng quy định rõ: Tổ chức bộ máy của chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật, gồm: Chi cục trưởng và không quá 2 phó chi cục trưởng, các phòng chuyên môn nghiệp vụ của chi cục không quá 4 phòng; trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện hoặc liên huyện; trạm kiểm dịch thực vật nội địa, cửa khẩu được thành lập theo quy định của pháp luật; tổ chức sự nghiệp khác trực thuộc chi cục.

Nếu sáp nhập các trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật thành trung tâm cấp huyện sẽ gặp khó khăn, vướng mắc rất lớn như: Không đảm bảo hoặc có thể bỏ trống khâu quản lý nhà nước về chỉ đạo sản xuất, đặc biệt là an toàn thực phẩm, vật tư nông nghiệp và kiểm dịch thực vật.

Công tác chỉ đạo chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại phải qua nhiều khâu trung gian, dẫn tới không kịp thời, bị động nên hiệu quả sẽ không cao. Công tác điều tra dịch bệnh ở cấp huyện, cấp xã không có cán bộ thực hiện trực tiếp. Bên cạnh đó, chi cục không có thông tin chính xác, kịp thời trong việc hướng dẫn chỉ đạo phòng trừ dịch hại.

Thiếu đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn để hướng dẫn cho nông dân chăm sóc từng giai đoạn sinh trưởng cây trồng, sử dụng thuốc, phân bón dẫn tới việc ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển cây trồng làm giảm năng suất, chất lượng, có nguy cơ gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Nguy cơ bỏ sót công tác điều tra sinh vật hại lạ trong kho và trên các loại cây trồng sau nhập khẩu rất cao.

Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật nội địa ở cấp huyện được giao cho phòng kinh tế . Trong khi đó phòng kinh tế ít cán bộ, cán bộ không có chuyên môn đúng chuyên ngành dẫn đến hiệu quả quản lý thấp, nhiều nơi còn có hiện tượng bỏ trồng.

Các trung tâm dịch vụ nông nghiệp phải tự chủ một phần kinh phí, nên cán bộ phải tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ. Để tăng thu nhập, có thể phát sinh hiện tượng kinh doanh vật tư nông nghiệp, chạy theo lợi nhuận mà khuyến cáo nông dân sử dụng vật tư quá mức cần thiết, không đúng quy định và làm tăng chi phí sản xuất của nông dân.

Từ bài học của các tỉnh đã tiến hành sáp nhập hệ thống thu y và bảo vệ thực vật, những địa phương đang có ý định sáp nhập thành trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện cần cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, tránh gộp vào rồi lại phải tìm cách khôi phục lại như số tỉnh tiên phong trong thời gian vừa qua.

Đặc biệt, cần rà soát xem trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện đã được thành lập hiện nay có tự chủ được không, hay vẫn phải dùng 100% ngân sách từ cấp tỉnh, thành phố, huyện. Nếu vẫn phải dùng ngân sách từ nguồn này hoặc nguồn khác, tốt nhất nên giữ lại theo ngành dọc sẽ hiệu quả hơn rất nhiều trong công tác quản lý và chỉ đạo điều hành.

Xem thêm
Dân đeo khẩu trang đi ngủ vì trại lợn 30.000 con

THANH HÓA Trại lợn của Công ty Agri-Vina lại gây thối, khiến nhiều người dân tại xã Tân Phúc, thị trấn Lang Chánh mất ăn mất ngủ.

Vây bắt đàn chó liên quan bé gái 10 tuổi tử vong nghi do bệnh dại

Bé gái 10 tuổi ở Xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) tử vong với những triệu chứng nghi do bệnh dại sau khi bị chó cắn, cơ quan chức năng đang vây bắt đàn chó để xét nghiệm.

Gia Lai có thêm 5 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói

Gia Lai vừa có thêm 2 mã số vùng trồng và 3 mã số cơ sở đóng gói, nâng tổng số lên 227 mã số vùng trồng và 38 mã số cơ sở đóng gói.

'Bắt bệnh, bốc thuốc' cho vườn cam thoái hóa

HÀ TĨNH Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, những vườn cam có 30 - 50% số cây 'ốm yếu', suy kiệt, có nguy cơ phải phá bỏ đã được giữ lại.