| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An mất đàn lợn giống gốc: Vì sao?!

Thứ Sáu 07/05/2010 , 09:54 (GMT+7)

Việc dịch bùng phát ngay trong một cơ sở chăn nuôi lợn giống gốc luôn "cổng cao, rào kín" thật khó lý giải nổi vì sao. Nhưng qua điều tra của chúng tôi thì nguyên nhân thật dễ hiểu...

Phun thuốc tiêu đục, khử trùng khi xe ra vào vùng dịch

Như Báo NNVN đã đưa tin: Dịch "tai xanh" bùng phát vào những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5/2010 tại Trại lợn giống gốc của tỉnh Nghệ An (đóng xã Kim Liên, Nam Đàn) đến thời điểm hiện nay vẫn đang diễn biến phức tạp... Việc dịch bùng phát ngay trong một cơ sở chăn nuôi lợn giống gốc luôn "cổng cao, rào kín" khiến những người trong cuộc bàng hoàng và không lý giải nổi vì sao. Nhưng qua điều tra của chúng tôi thì nguyên nhân thật dễ hiểu...

>> Nghệ An: Trại lợn ngoại giống gốc bị xóa sổ?!

Ngay sau khi dịch "tai xanh" đổ bộ vào trại lợn giống gốc tại xã Kim Liên, ngày 3/5/2010, tỉnh Nghệ An đã có công điện khẩn trong đó yêu cầu các địa phương phải tuyên truyền và khuyến cáo các địa phương phải thực hiện "5 không": Không dấu dịch; không bán chạy lợn bệnh; không mua lợn bệnh; không vận chuyển lợn bệnh; không vứt xác lợn chết bừa bãi. Tăng cường các biện pháp khẩn cấp khác, thực hiện chế độ trực báo hằng ngày từ cơ sở lên tỉnh để có hướng xử lý kịp thời khi dịch đang trong diện hẹp. Nếu huyện nào báo cáo chậm, để dịch lây lan ra diện rộng, Chủ tịch UBND huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh. Thực hiện công điện này, lãnh đạo huyện Nam Đàn đã ra chỉ thị tạm thời đình chỉ giết mổ, vận chuyển, buôn bán lợn và sản phẩm lợn tại xã có dịch Kim Liên và hai xã giáp ranh là Nam Lĩnh và Nam Giang.

Ba chợ (gồm chợ Sáo, Nam Giang; chợ Vạc, Nam Lĩnh và chợ Cầu, Kim Liên) ngừng buôn bán lợn và sản phẩm thịt lợn trong thời gian 10 ngày. Triển khai 2 chốt kiểm dịch hoạt động 24/24h tại xóm 9 (Nam Lĩnh) và xóm 6 (Mậu Tài, Kim Liên) để ngăn chặn tất cả các xe cơ giới không có phận sự được ra vào vùng dịch... Tuy nhiên, việc lập chốt khoanh vùng phạm vi nói trên là quá nhỏ và không đủ sức ngăn chặn dịch trong thời điểm hiện nay. Lý do: Khi PV xuống tìm hiểu tình hình thực hiện công điện của tỉnh và chỉ thị của huyện Nam Đàn tại hai xã Nam Lĩnh và Nam Giang thì thịt lợn vẫn được bày bán trong vùng dịch. Sáng 4/5/2010, từ QL 46, rẽ phải vào đường 539 khoảng 200 mét, cách UBND xã Nam Lĩnh chưa đầy một km, chúng tôi đã phát hiện thấy một quầy thịt lợn bán công khai bên lề đường. Người bán thịt là bà Mai, trú tại xóm 4, xã Nam Lĩnh thật thà cho biết: Xã đã tuyên truyền trên loa phóng thanh, nhưng vì có khách mua nên gia đình bà tự làm thịt lợn nhà để bán. Thấy chúng tôi thịt lợn, cán bộ xã đến kiểm tra nhưng họ… thông cảm, cho bán!

Sáng 5/5/2010, chúng tôi đến chợ Sáo và chợ Vạc, không khí ở khu mua bán thực phẩm tuy có vẻ “trầm lắng” hơn các phiên chợ trước nhưng khi vào sâu trong chợ, vẫn nhìn thấy thịt lợn được bày bán lén lút. Bà bán thịt giấu tảng thịt lợn dưới tấm màn, thỉnh thoảng lại dở ra khi có khách đến hỏi mua. Nhìn tảng thịt lợn đã ngả sang màu nhợt nhạt, nhưng vẫn được ra giá 45.000đồng/kg. Bà ta còn phân bua với khách mua là bình thường mọi hôm 1 kg thịt lợn thế này được bán với giá 60.000 đồng, nhưng hôm nay vì đang có dịch nên bán hạ hơn rất nhiều rồi đấy!

Khi PV tìm hiểu bà con xem dịch "tai xanh" năm 2010 xuất hiện trên đất Nam Đàn từ bao giờ? Một người đàn ông mặc áo bộ đội tên Nghị, khoảng 60 tuổi, ngồi ngay tại chốt kiểm dịch xóm 9 Nam Lĩnh nói chắc nịch: Tại xã Nam Lĩnh dịch "tai xanh" xuất hiện cách đây khoảng 40 ngày. Trong xóm ông, lợn nái nhiều hộ sau sốt và bỏ ăn đã lăn đùng ra chết. Bản thân nhà ông cũng chết 2 con lợn nái. Bà Cẩm, hàng xóm cũng chết cả lợn nái và bầy lợn con, nhà bà Loan (xóm 4, Nam Lĩnh) cũng chết mất 3 con lợn nái... Nhiều hộ khi lợn bị chết đã không chôn mà đem vứt bừa bãi vào mương nước chảy ngoài ruộng lúa ở xóm 9, Nam Lĩnh.

Một người phụ nữ bán hàng thịt lợn tại chợ Vạc, trú tại xóm 4, Nam Lĩnh, xin giấu tên cũng cho biết: Nhà tôi nuôi 20 con lợn cũng bị chết dần từ dịp đó đến nay, giờ chỉ còn 1 con. Theo bà, con lợn đầu tiên lăn ra chết cách đây khoảng 40 ngày. Khi thấy bầy lợn ốm, bỏ ăn gia đình có mời cán bộ thú y xã và huyện đến khám bệnh. Qua khám lâm sàng họ chẩn đoán là bệnh Phó thương hàn và kê cho một đơn thuốc nhưng chạy chữa mãi mà không ăn thua. Thấy lợn cứ chết dần mà xót cả ruột gan. Mới hôm qua (ngày 4/5/2010) lại chết tiếp 2 con lợn nhỡ (30kg/con) chồng tôi phải tự đào hố chôn xong...

Những thông tin trên cho thấy, khi Trại lợn giống gốc của tỉnh tại Kim Liên - Nam Đàn dính đòn, dịch "tai xanh" đã xuất hiện trước đó khá lâu tại xã Nam Lĩnh kế bên nhưng không hiểu vì sao Trạm thú y huyện Nam Đàn lại không hề biết để báo cáo lên Chi cục thú y tỉnh Nghệ An xử lý kịp thời ?! 

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mỗi hợp tác xã cần có thương hiệu

TRÀ VINH Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng thương hiệu cho HTX. Làm sao mỗi nhà các thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để họ yêu quý, chăm chút cho HTX.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.