| Hotline: 0983.970.780

Nghịch lý giá sách giáo khoa tăng gấp 2 - 3 lần sau xã hội hóa

Chủ Nhật 02/07/2023 , 20:08 (GMT+7)

Sau 3 năm triển khai, đại bộ phận phụ huynh - những người đã phải chi tiền nhiều hơn để mua sách - vẫn khó cảm nhận được cái lợi của chính sách mới.

Năm học 2023-2024, học sinh khối 4, 8, 11 sẽ học chương trình sách giáo khoa mới.

Năm học 2023-2024, học sinh khối 4, 8, 11 sẽ học chương trình sách giáo khoa mới.

Cao gấp 2 - 3 lần sách cũ

Theo công bố của Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản và Thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC), giá của bộ sách Cánh diều năm học 2023 - 2024 cho các lớp 4, 8, 11 lần lượt là 230.000, 268.000 và 370.000 đồng. Giá này chưa bao gồm sách Tiếng Anh.

Mức giá này cao gấp nhiều lần bộ sách cũ. Cụ thể, giá sách lớp 4 đang sử dụng, theo chương trình cũ, là 87.000 đồng. Như vậy, giá sách mới cao hơn khoảng 3 lần.

Tính trung bình, mỗi cuốn sách thuộc bộ Cánh diều (gồm 13 quyển) có giá khoảng 17.700 đồng, gấp đôi so với giá trung bình của bộ sách cũ, gồm 9 quyển, có giá khoảng 9.600 đồng. Số cuốn tăng thêm trong bộ mới chủ yếu ở các môn Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm.

Cánh diều là một trong 3 bộ sách giáo khoa được phê duyệt trong Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam. Bộ sách là sản phẩm hợp tác xuất bản của 3 đơn vị, trong đó có VEPIC. Đây được xem là bộ sách giáo khoa duy nhất được biên soạn bằng hình thức xã hội hóa tại Việt Nam kể từ sau năm 1975.

Là bộ sách xã hội hóa được thực hiện theo Nghị quyết số 88 của Quốc hội, nhằm xóa bỏ cơ chế độc quyền trong lĩnh vực xuất bản - in - phát hành sách giáo khoa, đồng thời đặt mục tiêu giúp người dân hưởng lợi về giá và chất lượng, tuy nhiên, từ năm đầu tiên được phát hành đến nay, bộ sách thường xuyên nhận ý kiến trái chiều.

TS Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội từng nêu ý kiến gay gắt: “Chúng ta thực hiện xã hội hóa là để có sách giáo khoa tốt hơn, rẻ hơn cho học sinh và giảm chi phí xã hội, chứ không phải cho phép mô hình này hoạt động là để tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp tư nhân, lợi nhuận lớn hơn cho cổ đông tham gia góp vốn và làm khó phụ huynh, học sinh”.

Nhấn mạnh rằng, lĩnh vực giáo dục không thể tạo ra các yếu tố gây bất ổn xã hội, ông Nhưỡng đặt nghi vấn: “Tại sao lại có chuyện xã hội hóa mà sách của tư nhân lại đắt hơn sách của Nhà nước?”.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, đoàn Đà Nẵng cảnh báo về những vụ 'Việt Á' trong giáo dục nếu không kiên quyết phát hiện, xử lý những hiện tượng chạy chọt, đi đêm trong lựa chọn sách giáo khoa.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, đoàn Đà Nẵng cảnh báo về những vụ "Việt Á" trong giáo dục nếu không kiên quyết phát hiện, xử lý những hiện tượng chạy chọt, đi đêm trong lựa chọn sách giáo khoa.

Sách xã hội hóa cao hơn giá thị trường

Xuyên suốt các phiên họp của Quốc hội khóa XV, nghị trường nhiều phen dậy sóng vì chuyện giá sách giáo khoa. Thực tế, là Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Chính phủ và Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo kiểm soát chặt chất lượng và giá sách giáo khoa trên thị trường.

Tuy nhiên, những yêu cầu này chủ yếu tập trung vào đơn vị xuất bản sách lớn nhất là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mà chưa đề cập tới đơn vị tư nhân đang thực hiện bộ sách giáo khoa theo hình thức xã hội hóa.

Trước thềm năm học mới 2023 - 2024, nhiều phụ huynh, thậm chí giáo viên ngỡ ngàng trước giá công bố của bộ sách Cánh diều.

Chẳng hạn, cùng với cuốn sách Tiếng Việt 4 tập 1, bộ sách Cánh Diều có giá 26.000 đồng, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo có giá 21.000 đồng và 22.000 đồng. Như vậy, giá sách bộ Cánh Diều cao hơn tương ứng 24% và 18% hai bộ còn lại.

Tuy nhiên, đó chưa phải kỷ lục tăng giá của bộ sách Cánh diều. Với cuốn Chuyên đề học tập Hóa học 11, giá của Cánh Diều là 15.000 đồng, trong khi hai bộ sách còn lại lần lượt là 8.000 đồng và 9.000 đồng.

2020 - 2021 là năm học đầu tiên sách giáo khoa theo chính sách xã hội hóa đi vào cuộc sống. Tiếc là sau 3 năm, đại bộ phận phụ huynh - những người đã phải chi tiền gấp đôi, gấp ba để mua sách - rất khó cảm nhận được cái lợi của đại diện VEPIC tuyên bố về bộ sách Cánh diều: In trên giấy chất lượng tốt nhất, màu sắc sống động, độ sắc nét cao bảo vệ thị lực học sinh, áp dụng công nghệ hiện đại để chống giả.

Liệu có nhất thiết phải in hình ảnh đẹp nhất làm đẩy giá thành sách giáo khoa lên cao trong khi Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có biện pháp hạ giá sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội. Liệu có quy định nào bắt buộc về màu sắc sống động, độ sắc nét cao nhưng đổi lại, có những cuốn học sinh gần như không “động” đến trong cả năm học như sách Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, sách Giáo dục thể chất tiểu học.

Ngày 14/6 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì phiên làm việc của lãnh đạo Quốc hội với đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đây là một trong 4 chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2023.

Dự kiến đến tháng 8/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe đoàn giám sát báo cáo về vấn đề này. Những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm... sẽ được chỉ ra trước khi sách giáo khoa được bổ sung vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, khi sửa đổi Luật Giá. 

Nhưng đó là câu chuyện của một năm nữa. Còn hiện tại, người dân chỉ đành chấp nhận "bóp mồm bóp miệng" cho con cái được học sách mới.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

[Bài 2] Bức panorama lớn nhất Việt Nam và mối tình Điện Biên của hai nghệ sỹ

Năm 1961, diễn viên trẻ Ngọc Lan tình cờ gặp họa sỹ Ngô Mạnh Lân ở Moscow. Cuộc gặp gỡ định mệnh gắn kết hai nghệ sỹ nhờ mối nhân duyên với Điện Biên Phủ.