| Hotline: 0983.970.780

Ngôi làng 'ngồi trên ngõ đá có buồn cũng vui...'

Thứ Năm 01/09/2022 , 15:30 (GMT+7)

Những bờ tường đá phủ đầy rêu, những con đường quanh co uốn lượn dưới chân đồi, những vườn cây trái ngát xanh… tạo nên vẻ đẹp bình dị ở ngôi làng cổ Lộc Yên.

Cõi tiên ở Tiên Cảnh

Chỉ nằm cách quốc lộ 40B đoạn qua xã Tiên Cảnh (huyện Tiên Phước, Quảng Nam) chừng hơn 1km nhưng ngôi làng cổ Lộc Yên không có sự ồn ào, nhộn nhịp mà mang vẻ đẹp rất bình lặng, nguyên sơ. Một ngôi làng có tuổi đời hàng trăm năm, dù trong nhịp chảy xô bồ của thời gian vẫn giữ được những nét thuần chất của làng quê Việt.

Empty

Làng cổ Lộc Yên (xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam) hiện có 8 ngôi nhà cổ có tuổi thọ hàng trăm năm với kiến trúc độc đáo. Ảnh: L.K.

Men theo con đường nhỏ với 2 bên là những hàng cây xanh rợp bóng vẫn còn ướt đẫm sương sớm, làng Lộc Yên hiện ra trước mắt với khung cảnh quá đỗi thanh bình.

Anh Đặng Văn Thành, cán bộ văn hóa xã Tiên Cảnh, vừa dẫn chúng tôi đi vừa giới thiệu, so với những ngôi làng cổ trên cả nước thì điểm nhấn nổi bật nhất của Lộc Yên chính là “văn hóa đá”.

Thật vậy, trong làng hầu như từ đường đi, giếng nước, ngõ vào nhà đến bờ tường… đều được tạo bởi một thứ nguyên liệu duy nhất, đó là đá. Đây là loại đá có sẵn ở địa phương, người dân lấy về rồi gọt đẽo thành những phiến nhỏ xếp chồng lên nhau một cách khéo léo, vững chắc mà không cần sử dụng bất kỳ một chất kết dính nào.

Những ai bước chân đến đây cũng không khỏi ấn tượng với những bờ đá, ngõ đá dài ôm lấy những con đường quanh co men theo sườn đồi. Với người dân xưa, những công trình này được dựng lên với chức năng giữ đất, chống xói mòn cũng như là ranh giới ngăn cách giữa các khu vườn. Tất cả tạo nên một nét đặc trưng, làm nên hồn cốt của ngôi làng cổ ở bên dòng sông Đá Giăng.

Anh Thành kể, xứ Tiên Phước xưa được gọi với cái tên mỹ miều là vùng đất “thập ngũ Tiên sa”, gắn liền với huyền tích 15 vị công chúa nhà trời giáng trần xuống nơi đây. Trong đó, làng Lộc Yên thuộc về “nàng” Tiên Cảnh. Làng hình thành từ bao giờ thì không ai nhớ chính xác, chỉ nhớ tầm từ thế kỷ 15 - 16.

Empty

Những bờ tường, đá phủ đầy rêu xanh là ấn tượng đầu tiên khi đến với Lộc Yên. Ảnh: L.K.

Cho đến thời Tây Sơn, làng Lộc Yên mới chính thức được khai sinh với tên gọi ban đầu là Lộc An thôn, do ông Nguyễn Công Tuyết, người làng Tân Phước (Tam Kỳ, Quảng Nam) đưa dân đinh về chốn này khai cơ lập nghiệp, sau đó mới đổi thành Lộc Yên. Trải qua những thăng trầm, biến thiên của lịch sử, cái tên Lộc Yên tồn tại đến ngày nay.

Người làng luôn tin rằng, cái tên Lộc Yên gửi gắm mơ ước, hy vọng của tiền nhân về một nơi chốn an cư luôn yên bình, no ấm. Chẳng thế mà đã bao thế hệ con người đã qua, ngôi làng này vẫn còn lưu giữ được những nét văn hóa độc đáo thửa xưa. Rồi đến cốt cách con người cũng vậy, họ chất phác, hiền lành, sống một cuộc sống dung dị, tuy không giàu có về vật chất nhưng đong đầy tình cảm.

1 trong 4 làng cổ nhất Việt Nam

Nhắc đến làng cổ Lộc Yên sẽ là thiếu sót nếu không nói về những ngôi nhà cổ có niên đại hàng trăm năm. Hiện nơi đây vẫn còn 8 ngôi nhà cổ với kiến trúc theo kiểu 3 gian, 2 chái, lợp mái ngói âm dương xen kẽ nhiều lớp mùa hè mát mẻ, mùa đông ấm áp. Hệ thống kèo, cột, hoành phi… được làm hoàn toàn bằng gỗ mít chạm khắc tinh xảo. Nhà được xây dựng tựa lưng vào núi, mặt hướng ra cánh đồng lúa.

Để lên được những ngôi nhà này phải đi qua ngõ đá dài uốn lượn nhiều tầng bậc. Phía bên trên là những hàng chè tàu, hoa, cây cảnh được cắt tỉa gọn gàng. Từ khoảng sân rộng nhìn ra những hàng cau cao vút, thỉnh thoảng nghiêng mình trong cơn gió nhẹ kéo theo mùi hương dịu nhẹ của núi rừng, của mùi lúa mới. Một cảm giác khoan khoái níu chân du khách.

Empty

Nét đẹp thanh bình ở làng cổ Lộc Yên. Ảnh: L.K.

Bước qua bờ tường với những gốc rêu ẩn mình trong kẽ đá nhú mầm xanh óng ánh, anh Thành dẫn chúng tôi đến ngôi nhà của cụ Đông Viết Mão (84 tuổi). Ở cái tuổi bát tuần nhưng cụ Mão vẫn còn minh mẫn lắm. Nhà cụ có 4 người con, vì cuộc sống mưu sinh nên tất cả đều đã vào miền Nam lập nghiệp. 2 căn nhà cổ rộng thênh thang với mảnh vườn rộng hơn 7.000m3 bây giờ chỉ còn 2 ông bà ra vào sớm tối.

Rót chén nước chè xanh mời khách, cụ Mão chậm rãi kể rằng, căn nhà cổ mà cụ đang sống đã có tuổi đời hơn 200 năm, đến đời cụ đã qua 5 thế hệ lưu giữ. Trải qua bao sương gió, bão bùng nhưng vẫn vững chãi cho đến ngày nay. Ngay sát bên cạnh là 1 căn nhà khác được xây từ thời ông nội cụ Mão. “Trước đây, mọi công việc hoàn toàn bằng thủ công nên phải mất 4 năm ròng rã căn nhà mới có thể hoàn thành”, cụ Mão nói.

Trải qua hàng thế kỷ, 2 căn nhà đã chất chứa không biết bao nhiêu kỷ niệm của cả gia đình, dòng họ. Giờ đây, nó còn là nơi lưu giữ nét văn hóa đặc trưng của vùng đất, con người xứ Quảng xưa. Những giá trị này có lẽ không thể nào đong đếm được. Mỗi lần lễ tết, con cháu khắp nơi lại quây quần về. Dưới mái nhà cổ kính, bên mâm cơm ấm áp, họ lại cùng nhau hoài niệm về những ngày xưa cũ, để nhớ, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của làng và những bậc cha ông đi trước.

Cả làng Lộc Yên hiện nay có hơn 183 hộ với trên 800 nhân khẩu. Đất đai không nhiều nên hầu hết những người trẻ đều lên thành phố, khu công nghiệp làm ăn. Trong ngôi làng phần lớn là những người lớn tuổi và trẻ nhỏ. Cuộc sống trong làng vẫn vậy, vẫn quanh năm gắn bó với ruộng vườn.

Empty

Những vườn trái cây xanh mướt, trĩu quả càng tô điểm thêm cho không gian thanh bình ở làng cổ. Ảnh: L.K.

Lộc Yên được thiên nhiên ưu ái, gió mưa thuận hòa, đất đai màu mỡ. Tận dụng lợi thế này, người dân nơi đây đã đưa nhiều loại cây trái như mít, chuối, thanh trà, lòn bon… về trồng. Qua nhiều năm chăm sóc, giờ đây, đi đến đâu trong làng cũng choáng ngợp bởi màu xanh cây lá, trái cây trĩu cành.

Những vườn trái cây không chỉ tô điểm thêm cho vẻ đẹp của làng cổ Lộc Yên mà còn tạo ra nguồn thu nhập không nhỏ cho người dân ở đây. Dưới vườn cây xanh mát với hàng trăm loại cây trái nào thanh trà, quýt, chuối…, ông Hồ Đức Bộ (67 tuổi) phấn khởi: “Mỗi năm từ vườn trái cây này gia đình tôi cũng có thu nhập trên dưới 100 triệu đồng. Bây giờ lớn tuổi rồi, chỉ cần cuộc sống bình yên, có mảnh vườn tới lui chăm sóc, thêm được thu nhập là còn gì bằng”.

Con cái ông Bộ đều đã lớn khôn, thành gia lập thất. Những ngày tháng bon chen, vất vả trước đây đã qua. Cuộc sống dần khấm khá, bây giờ cũng là lúc hai vợ chồng ông Bộ có thể thảnh thơi, an nhàn hưởng thụ cuộc sống tuổi già. Bên căn nhà nhỏ, vườn cây mướt mờ tươi tốt cùng tình làng nghĩa xóm chan hòa, còn gì hạnh phúc hơn!

Thời gian vẫn cứ trôi, ngoài kia cuộc sống vẫn đang thay đổi từng ngày nhưng Lộc Yên vẫn vậy, vẫn luôn mang trong mình một vẻ đẹp mộc mạc, mê hồn, thiên nhiên, con người hòa hợp. Một lần đến đây, hòa mình vào cảnh sắc, tiếp xúc với những con người mộc mạc, mến khách, bao nhiêu bộn bề, mệt mỏi đều tan biến như câu ca vẫn lưu truyền: “Có duyên lấy được chồng nguồn, ngồi trên ngõ đá có buồn cũng vui”.

Làng Lộc Yên có tổng diện tích tự nhiên 279ha thuộc thôn 4 (xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam). Vào tháng 9/2019, Lộc Yên được vinh dự xếp hạng di tích Quốc gia. Đây là 1 trong 4 ngôi làng cổ và lâu đời ở nước ta. Hiện nay, mỗi năm có khoảng 10.000 lượt khách tới tham quan ngôi làng cổ này.

Xem thêm
Việt Nam chưa đủ thông tin đánh giá tác động của dự án Funan Techo

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định Việt Nam chưa đủ thông tin để có thể đánh giá tác động của dự án Funan Techo.

Bắc Kạn cần hướng đến sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững

FAO tại Việt Nam đánh giá, các hợp tác xã, tổ hợp tác tại tỉnh Bắc Kạn đã cải thiện năng lực tổ chức sản xuất, có nhiều mô hình hiệu quả, thân thiện với môi trường.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khảo sát mỏ cát tại Vĩnh Long

Vĩnh Long Phó Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Vĩnh Long và chủ đầu tư khẩn trương khảo sát, đánh giá lại hiện trạng tại các hộ dân sinh sống khu vực khai thác của 3 mỏ cát.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm