| Hotline: 0983.970.780

Ngôn ngữ và văn hóa trong ngôn ngữ từ trường hợp tên gọi K'Ho

Thứ Năm 09/06/2022 , 07:00 (GMT+7)

Nhiều người đến nay vẫn thắc mắc, cớ gì và tại sao lại có hiện tượng lưỡng khả trong thực tiễn sử dụng hai từ K’Ho và Cơ Ho?

K’Ho là dân tộc có nền văn hóa truyền thống độc đáo. Ảnh: ST.

K’Ho là dân tộc có nền văn hóa truyền thống độc đáo. Ảnh: ST.

Từng có ý kiến rằng, nên viết người Cơ Ho, thay vì viết người K’Ho. Bởi trong hệ thống chữ viết tiếng Việt không có phụ âm đầu ghi âm vị K’. Nhưng cũng có ý kiến bảo, hai từ K’Ho và Cơ Ho đều cùng tồn tại, đều có thể sử dụng trong khi viết, không có từ nào là... sai, người dùng muốn viết cách nào thì viết.

Vì đâu nên nỗi?

Nhiều người đến nay vẫn thắc mắc, cớ gì và tại sao lại có hiện tượng lưỡng khả trong thực tiễn sử dụng hai từ K’Ho và Cơ Ho? Tại sao vẫn chưa đạt đến sự thống nhất giữa hai cách viết K’Ho và Cơ Ho? Nguyên nhân nào dẫn đến việc cùng tồn tại cả hai cách viết như hiện nay? Và trong hai cách viết ấy, viết theo dạng nào để không bị mắc lỗi chính tả?

Trước hết, cần phải nói ngay, sở dĩ có sự lưỡng khả và cả sự chưa thống nhất khi sử dụng K’Ho - Cơ Ho là vì chúng được viết bởi hai ngôn ngữ: Tiếng Việt và tiếng K’Ho.

Như chúng ta đã biết, chữ viết tiếng Việt là thứ chữ ghi âm vị, ghi các từ theo nguyên tắc ngữ âm học, nói thế nào thì viết thế ấy. Chữ viết tiếng Việt đơn giản, dễ học, dễ nhớ. Ưu điểm lớn nhất của chữ viết này là một chữ ghi một âm, đọc sao ghi vậy.

Tất nhiên, hệ thống chữ viết tiếng Việt cũng không phải không có những nhược khuyết, ví dụ cùng một âm vị “z” nhưng khi viết lại thể hiện bằng hai ký hiệu khác nhau là “d” và “gi”, chẳng hạn: dàn/giàn, dạt/giạt, dòng/giòng... Mà hiện tượng một âm vị được ghi bằng nhiều hình thức chữ viết như âm vị “z” không phải là hiện tượng duy nhất trong vốn từ tiếng Việt.

Cùng với âm vị “z”, trong hệ thống chữ viết tiếng Việt còn có những cặp phụ âm đầu khác như âm vị “k”, tùy từng trường hợp có thể ghi là “k”, hoặc “c”, hoặc ghi “q”... Nêu ra một vài hiện tượng có phát âm giống nhau nhưng khi viết thì thể hiện bằng những ký hiệu khác nhau như trên để thấy, ngay cùng ngôn ngữ vẫn có những âm vị rất dễ dẫn đến việc mắc lỗi chính tả, hoặc gây nhầm lẫn, khó phân biệt trong những trường hợp cụ thể.

Do vậy, việc tranh luận về tên gọi người K’Ho hay người Cơ Ho, hai từ này viết thế nào là đúng, cũng là thắc mắc rất dễ hiểu. Bởi hai từ K’Ho và Cơ Ho không phải cùng chung một ngôn ngữ.

Viết sao cho đúng?

Ông K’Brừm, một trí thức người K’Ho, chia sẻ: “Tôi là người K’Ho/ An-h kòn cau K’Ho. Tổ tiên tôi là dân tộc K’Ho/ Pàng yau jơi bơtiàn K’Ho. Tôi nhấn mạnh là người K’Ho, dân tộc K’Ho, chứ không phải người Cơ Ho, dân tộc Cơ Ho”.

Theo ông K’Brừm, cách viết người K’Ho/ dân tộc K’Ho thuộc vấn đề từ vựng học và có lý do lịch sử riêng. Sự khác biệt giữa tiếng K’Ho và tiếng Việt cũng có lý do lịch sử của nó. Tiếng Việt là thứ chữ đơn lập, ghi âm vị bằng ký tự Latinh. Trong khi đó, tiếng K’Ho thuộc ngữ họ Môn - Khmer. Cách nói và cách viết của ngôn ngữ K’Ho không hoàn toàn giống như ngôn ngữ tiếng Việt.

Ông Trần Ngọc Biên, giáo viên tiếng K’Ho và tiếng Mạ, nói thêm: “Mặc dù xét trên phương diện ngữ âm thì cả hai từ K’Ho và Cơ Ho đều phát âm giống nhau: Kơ-Ho. Nhưng khi thể hiện bằng ký hiệu K’Ho, nghĩa là người viết đang sử dụng hình thức chữ viết của người K’Ho (một tộc dân gốc Tây Nguyên) để ghi âm vị tiếng K’Ho, còn cách ghi Cơ Ho, tức là người viết đã phiên âm tiếng K’Ho sang tiếng Việt”.

Cũng theo ông Biên, nếu đã phiên âm tiếng K’Ho sang tiếng Việt khi thể hiện ký hiệu K’Ho thì nên thêm dấu gạch nối (-) vào giữa hai từ Cơ-Ho. Tuy nhiên, cách viết này tự thân lại đẻ ra lỗi sai chính tả khi đọc theo tiếng K’Ho.

“Trong ngôn ngữ K’Ho, âm vị “c” đọc là “ch”. Một số cặp từ tiêu biểu thuộc cách đọc này như: Cư Prông đọc là C-hư Prông, Cư Yang Sin đọc là C-hư Yang Sin, Cil đọc là C-hil, Lạc đọc là Lạc-h... Tương tự, nếu viết Cơ Ho thì sẽ đọc là C-hơ Ho”, ông K’Brừm nói rõ.

Nhà Tây Nguyên học, bà Linh Nga Niê Kdam, bày tỏ quan điểm: “Tốt nhất nên viết người K’Ho, dân tộc K’Ho. Như vậy, chúng ta vừa tôn trọng chủ thể văn hóa, vừa không làm phát sinh những lỗi sai chính tả trong khi sử dụng ký hiệu K’Ho”.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt là chuyên mục mới trên báo Nông nghiệp Việt Nam, được đặt theo tên một cuốn sách của Giáo sư Cao Xuân Hạo, nhà ngữ học và là một trí thức tinh hoa của đất nước.

Tên chuyên mục cũng nói hộ sự kỳ vọng kiến tạo và chấn hưng những giá trị đang bị xô lệch bởi cơn bão thời đại vốn lẫn nhiều gió độc. Ở đây, các nhà nghiên cứu và người Việt nói chung quan tâm đến văn hóa dân tộc sẽ góp tiếng nói sâu sắc, chính trực trong một khát vọng chung nhằm góp phần xây dựng những nền tảng quan yếu cho một xã hội tốt đẹp trong hiện tại và cho tương lai.

Rất mong nhận được sự ủng hộ, chia sẻ và cộng tác của những bậc thức giả cùng bạn đọc yêu mến!

Bài viết cho chuyên mục xin được gửi về Báo Nông nghiệp Việt Nam, 14 Ngô Quyền, Hà Nội. Email: baonnvnts@gmail.com.

Hoặc liên hệ người phụ trách chuyên mục: Ông Tô Đức Huy, Trưởng ban Thư ký Tòa soạn; Điện thoại: 0913.378.918; Email: toduchuy75@gmail.com.

NNVN

 

Xem thêm
5 giải pháp cho vụ hè thu đặc biệt khó khăn ở Nghệ An

Vụ hè thu năm nay của Nghệ An đang đứng trước những khó khăn lớn do thời tiết gây ra, nhất là nắng nóng, hạn hán.

Doveco - Lá cờ đầu trong lĩnh vực chế biến nông sản

Từ thành công của nhà máy tại Ninh Bình và Gia Lai, Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) đã khai trương nhà máy thứ ba tại Sơn La vào tháng 5/2023.

Kênh đào Funan Techo Campuchia và bài học hợp tác khai thác sông Mê Kông

Sự quan ngại về kênh đào Funan Techo thể hiện qua phát biểu của một số chuyên gia tại cuộc họp ở Cần Thơ là cần thiết nhưng cần tránh phóng đại.

Việt Nam dẫn đầu về xuất khẩu gạo vào Singapore

Việt Nam xuất khẩu gạo sang Singapore từ lâu, nhưng luôn đứng sau một số nguồn cung khác. Đầu năm nay, gạo Việt Nam đã chiếm vị trí số 1 tại thị trường này.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm