| Hotline: 0983.970.780

Ngư dân 'đi khai, về trình'

Thứ Ba 05/03/2024 , 06:36 (GMT+7)

KHÁNH HÒA Ngư dân tỉnh Khánh Hòa đã nâng cao ý thức trong việc tuân thủ các quy định pháp luật khi khai thác thủy sản trên biển, 'đi khai, về trình' góp phần gỡ 'thẻ vàng'.

Ngư dân Khánh Hòa hiện đã có thói quen đi khai báo và về trình báo với cơ quan chức năng. Ảnh: KS.

Ngư dân Khánh Hòa hiện đã có thói quen đi khai báo và về trình báo với cơ quan chức năng. Ảnh: KS.

Ngư dân đã quen “đi khai, về trình”

Những ngày này, chúng tôi có mặt tại cảng cá Hòn Rớ, xã Phước Đồng, TP Nha Trang (Khánh Hòa) chứng kiến nhiều tàu đánh bắt xa bờ đang hối hả chuẩn bị ngư lưới cụ, nguyên vật liệu sẵn sàng cho chuyến biển mới.

Hiện trong vụ chính đánh bắt cá ngừ đại dương, cá ngừ sọc dưa (từ tháng 11 âm lịch đến tháng 3 âm lịch), cũng là mùa làm ăn các tàu. Nếu ngư dân tổ chức khai thác đúng thời điểm và “trúng” luồng cá di chuyển sẽ trúng đậm. Do vậy, vào mùa này, hầu hết các tàu đánh bắt cá ngừ sẽ bám biển liên tục.

Đối với chuyến biển "xuyên tết" vừa qua, các tàu cập cảng đạt sản lượng cao, có lãi khá đã tiếp thêm động lực cho ngư dân phấn khởi, hăng hái vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo và thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.

Ngư dân Khánh Hòa đánh bắt thủy sản có nguồn gốc rõ ràng, không xâm phạm vùng biển nước ngoài. Ảnh: KS.

Ngư dân Khánh Hòa đánh bắt thủy sản có nguồn gốc rõ ràng, không xâm phạm vùng biển nước ngoài. Ảnh: KS.

Mặt khác, từ khi được phổ biến các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), hầu hết ngư dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã nâng cao ý thức trong việc tuân thủ các quy định pháp luật để góp phần gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC).

Thấy rõ điều này là khi các tàu vươn khơi hay cập cảng đều khai báo đầy đủ các thủ tục cho văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá và trạm biên phòng. Cũng như trước khi bốc dỡ thủy sản, chủ tàu hoặc thuyền trưởng đều tuân thủ nộp nhật ký khai thác cho Ban quản lý cảng cá để làm cơ sở xác nhận, chứng nhận nguồn gốc hải sản.

Ngư dân Nguyễn Văn Hiển, thuyền trưởng tàu cá KH 98299 TS, ở phường Vĩnh Phước (TP Nha Trang) cho biết: “Bây giờ ngư dân chúng tôi đã hình thành thói quen đi khai báo, về trình báo. Trong quá trình đánh bắt thủy sản, tàu luôn bật thiết bị giám sát hành trình cho đến khi trở về bờ; cũng như ghi nhật ký khai thác đầy đủ, rõ ràng và không khai thác, vận chuyển thủy sản cấm. Đặc biệt, ngư dân chúng tôi không xâm phạm vùng biển nước ngoài để khai thác thủy sản”.

Ngư dân Hiển cho biết, tàu luôn bật thiết bị giám sát hành trình trong quá trình khai thác thủy sản trên biển. Ảnh: KS.

Ngư dân Hiển cho biết, tàu luôn bật thiết bị giám sát hành trình trong quá trình khai thác thủy sản trên biển. Ảnh: KS.

Theo ông Hiển, những năm gần đây, ngư dân khai thác cá ngừ được ít hơn, thế nhưng chi phí cho mỗi chuyến đi ngày càng tăng, lợi nhuận thu về giảm. Chỉ có chuyến biển xuyên tết vừa qua, cá ngừ đại dương xuất hiện trên ngư trường khá dày nên hầu hết tàu mới đánh bắt đạt sản lượng.

Mặt khác, từ khi thủy sản Việt Nam bị “thẻ vàng” thì giá cá ngừ xuống thấp, chỉ từ 100 - 115 ngàn đồng/kg đã khiến đời sống của bà con ngư dân gặp nhiều khó khăn. “Tôi rất mong tất cả bà con hãy tuân thủ các quy định, không khai thác thủy sản trái phép, để sớm gỡ được "thẻ vàng". Khi đó, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản thuận lợi, giá cá thu mua ổn định, đời sống của bà con sẽ được nâng lên”, ngư dân Nguyễn Văn Hiển bộc bạch.

Đang cho tàu tiếp nguyên liệu và lấy đá để vươn khơi, ngư dân Cao Xuân Quang, chủ tàu kiêm thuyền trưởng KH 92845 TS, ở xã Phước Đồng (TP Nha Trang) hành nghề lưới rê đánh bắt cá ngừ sọc dưa cho biết, thời gian qua, tàu ông tuyệt đối không vượt ranh giới đánh bắt ra vùng biển nước ngoài như đã ký cam kết. Ngư dân Quang cũng thể hiện quyết tâm lớn cùng ngư dân cả nước sớm gỡ “thẻ vàng” để nghề khai thác thủy sản phát triển bền vững.

Ngư dân Quang cho biết, tàu của ông tuyệt đối không xâm phạm vùng biển nước ngoài. Ảnh: KS.

Ngư dân Quang cho biết, tàu của ông tuyệt đối không xâm phạm vùng biển nước ngoài. Ảnh: KS.

Cách tàu ngư dân Quang không xa, 6 chiếc tàu chủ yếu hành nghề đánh bắt cá ngừ đại dương của ngư dân Lê Văn Tèo, ở phường Xương Huân (TP Nha Trang), cũng đang lần lượt tiếp nguyên vật liệu để vươn khơi.

Ngư dân Lê Văn Tèo cho biết, như các tàu khác, tàu của ông cũng tuân thủ đầy đủ các tục, giấy tờ trình ban quản lý cảng cá và trạm biên phòng để đủ điều kiện xuất bến.

“Thời gian qua, chúng tôi phải làm theo đúng quy định của pháp luật khi tham gia khai thác thủy sản, chứ làm sai thì Ban quản lý cảng cá sẽ không cho tàu cập cảng để buôn bán hải sản”, ngư dân Tèo nói và cho biết thêm, sở dĩ các ngư dân trong tỉnh chấp hành tốt các quy định vì thường xuyên được cơ quan chức năng tuyên truyền về IUU. Hơn nữa, hằng ngày ra vào cảng, ngư dân cũng nghe loa phát thanh nói về hành vi vi phạm khai thác bất hợp pháp. Do đó, nếu ngư dân vi phạm sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt nghiêm, ngay cả việc khai thác thủy sản sai tuyến.

Đồng hành cùng ngư dân

Ông Nguyễn Văn Ba, Trưởng Ban quản lý cảng cá Hòn Rớ cho biết, thời gian qua, qua theo dõi, Ban quản lý nhận thấy bà con ngư dân Khánh Hòa đã nâng cao nhận thức về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp. Đối với Ban quản lý cũng như tàu thuyền ra vào cập cảng, phần lớn đã đi vào nề nếp, ổn định, chấp hành đúng các quy định về chống khai thác IUU.

Ban quản lý cảng cá hướng dẫn nhiệt tình cho các ngư dân. Ảnh: KS.

Ban quản lý cảng cá hướng dẫn nhiệt tình cho các ngư dân. Ảnh: KS.

Để làm được điều đó, theo ông Nguyễn Văn Ba, trước hết, Ban quản lý phải nắm chắc được các quy định của pháp luật. Từ đó xây dựng nội quy, quy chế, công bố các quy trình để làm cơ sở tuyên truyền sâu rộng cho cán bộ, công nhân viên trong Ban quản lý, sau đó đến bà con ngư dân tham gia hoạt động tại cảng. Để từ đó mỗi cán bộ, công nhân viên là một tuyên truyền viên và mỗi ngư dân được tuyên truyền là cầu nối để phổ biến các quy định của pháp luật đến cộng đồng ngư dân.

Bên cạnh đó, trong công tác tiếp và làm việc với ngư dân, Ban quản lý yêu cầu cán bộ, công nhân viên phải có thái độ đúng mực, tôn trọng, giải đáp các ý kiến của ngư dân. Cũng như hỗ trợ ngư dân thực hiện đầy đủ các thủ tục theo đúng quy định pháp luật như khai báo trước 1 giờ, làm thủ tục xuất – nhập, nộp nhật ký khai thác trước khi bốc cá và các vấn đề về an toàn kỹ thuật, an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm…

Ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa cho biết, sau hơn 6 năm kể từ ngày EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam, cả hệ thống chính trị của tỉnh Khánh Hòa cũng đã vào cuộc việc liệt để khắc phục các khuyến nghị. Ngư dân, nhân tố được coi là quan trọng nhất trong việc gỡ “thẻ vàng”, đã đồng hành thực hiện tốt các quy định về chống khai thác IUU.

Cụ thể như lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 98,7%, cũng như duy trì kết nối, vận hành thiết bị theo quy định; hoạt động đúng vùng được phép khai thác; 100% tàu cá cập cảng, rời cảng thực hiện thông báo trước 1 giờ cho Ban quản lý cảng cá theo đúng quy định; công tác thu nộp nhật ký khai thác thủy sản của chủ tàu/thuyền trưởng tại các cảng cá được thực hiện đầy đủ, đúng quy định. Đặc biệt, ngư dân nhận thức rõ việc không vi phạm vùng biển nước ngoài.

Ngư dân lấy đá chuẩn bị vươn khơi bám biển. Ảnh: KS.

Ngư dân lấy đá chuẩn bị vươn khơi bám biển. Ảnh: KS.

Theo ông Nguyễn Duy Quang, để thực hiện tốt công tác chống khai thác IUU trong thời gian tới, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục chỉ đạo các Sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến tới các tổ chức, cá nhân có liên quan, nhất là các chủ tàu, thuyền trưởng thường xuyên hoạt động xa bờ.

Cùng với đó, các đơn vị tập trung nguồn lực triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU như Công điện số 1058/CĐ-TTg ngày 4/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ; Thông báo số 468/TB-VPCP ngày 14/11/2023 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại cuộc họp với Bộ NN-PTNT về một số nhiệm vụ cấp bách, khó khăn cần tháo gỡ trong lĩnh vực thủy sản; Thông báo số 54/TB-VPCP ngày 16/02/2024 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại cuộc họp lần thứ 9 của Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU.

Ngoài ra, các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả kế hoạch triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chống khai thác IUU chuẩn bị đón và làm việc với đoàn thanh tra EC lần thứ 5. Tỉnh cũng sẽ chủ động điều động, bố trí đủ nhân lực và kinh phí bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU cho cơ quan đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ.

Ngư dân Lê Văn Tèo chia sẻ: "Để quản lý đội tàu, tôi luôn động viên tinh thần anh em giữ vững quan điểm bám biển, vươn khơi đúng quy định của pháp luật. Cũng như thường xuyên liên lạc với anh em đánh bắt hải sản trên biển, nhắc nhở mọi người không xâm lấn vùng biển nước ngoài, không tự ý ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình".

Xem thêm
Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối nhiều ngày, ngư dân khốn đốn

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối khiến ngư dân như ngồi trên đống lửa. Nhiều chủ tàu cập cảng tại Quảng Trị rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm