| Hotline: 0983.970.780

Ngư trường vắng cá, tổn phí tăng cao

Thứ Năm 23/12/2021 , 08:00 (GMT+7)

KHÁNH HÒA Đang vào mùa "săn" cá ngừ đại dương, nhưng ngư trường vắng cá. Trong khi tổn phí đi biển tăng rất cao khiến nhiều tàu khai thác cá ngừ thua lỗ.

Tổn phí tăng 40 - 50 triệu đồng/chuyến

Những ngày cuối năm 2021, nhiều tàu cá đánh bắt xa bờ ở Khánh Hòa lần lượt trở về cập cảng Hòn Rớ, xã Phước Đồng, TP Nha Trang sau hơn 20 ngày bám biển tại các chuyên "săn" cá ngừ đại dương như ngư trường Trường Sa, nhà giàn DK 1...

Các tàu đánh bắt cá ngừ đại dương trở về cập cảng Hòn Rớ, xã Phước Đồng, TP Nha Trang (Khánh Hòa). Ảnh: KS.

Các tàu đánh bắt cá ngừ đại dương trở về cập cảng Hòn Rớ, xã Phước Đồng, TP Nha Trang (Khánh Hòa). Ảnh: KS.

Theo các chủ tàu, thời điểm này đang vào mùa chính đánh bắt cá ngừ đại dương, cũng là mùa làm ăn của các chủ tàu. Tuy nhiên những chuyến biển đầu mùa, các tàu đánh bắt trở về chưa đạt sản lượng như mong muốn so với mọi năm trước, thậm chí có tàu chỉ đánh được vài tạ cá, thua lỗ.

Ngư dân Lê Văn Dũng ở phường Xương Huân (TP Nha Trang) cho biết, gia đình anh có 6 tàu chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương. Trong đó, 3 tàu vừa cập cảng đánh bắt đạt sản lượng từ 1,8 đến trên 2 tấn; 2 tàu đánh bắt được từ 1,2 - 1,4 tấn. Còn tàu do anh Dũng làm chủ chỉ đánh bắt được 3 tạ.

Đối với các tàu đánh bắt đạt sản lượng, với giá cá ngừ hiện khoảng 130 ngàn đồng/kg, sau khi chia phân nửa lãi cho chủ tàu, mỗi lao động (5 người) kiếm từ 10 - 15 triệu đồng. Còn hai tàu đánh bắt từ 1,2 - 1,4 tấn, sau khi hạch toán lãi không nhiều.

Bởi từ sau dịch bệnh Covid-19, tất cả mọi chi phí cho chuyến biển đều tăng lên, nhất là giá dầu đã lên trên 19 ngàn đồng/lít, khiến tổn phí cho chuyến biển nâng lên từ 100 - 120 triệu đồng, trong khi trước đây chỉ từ 70 - 80 triệu đồng. Vì vậy, đối với tàu của anh Dũng chuyến biển này là thua lỗ nặng.

“Mấy năm trước vào tháng này cá ngừ đại dương chạy khắp ngư trường, tàu tôi đánh bắt sản lượng rất đạt, dao động từ 40 - 50 con (tương đương 2,5 đến 3 tấn), còn trúng đậm có khi lên đến 70 - 80 con. Nhưng nay, hai chuyến biển vừa qua tôi thấy ngư trường có vẻ vắng cá.

Cùng với chi phí tăng cao, ngư dân cho biết các ngư trường hiện nay ngày càng vắng cá. Ảnh: KS.

Cùng với chi phí tăng cao, ngư dân cho biết các ngư trường hiện nay ngày càng vắng cá. Ảnh: KS.

Các bạn tàu đánh bắt sản lượng cũng không đạt bao nhiêu, đa số từ 10 - hơn 20 con là nhiều, ít có tàu đánh bắt được 30 - 40 con trở lên”, ngư dân Dũng bộc bạch và hi vọng chuyến biển tới tàu anh sẽ may mắn đánh bắt trúng luồng cá để kiếm thu nhập, ổn định cuộc sống.

Tàu KH 94356 TS của ngư dân Trần Văn Đài là một trong số tàu chuyến biển vừa qua may mắn đánh bắt được lớn nhỏ 40 con cá ngừ đại dương, sản lượng khoảng 1,5 tấn. Sau khi trừ chi phí, chủ tàu bỏ túi 50 triệu đồng, còn 5 thuyền viên mỗi người khoảng 10 triệu đồng.

Gặp chúng tôi, ngư dân Đài cho biết, tổ của anh có 5 tàu đều ở Hòn Rớ cùng bám biển ở ngư trường đánh cá ngừ nhưng chỉ có 2 tàu đánh bắt được từ 30 - 40 con, có lãi chút ít. Số tàu còn lại chỉ đánh bắt được từ 7 đến hơn 10 con cá ngừ nên thua lỗ.

“Hai năm gần đây, sản lượng cá ngừ đánh bắt ngày càng giảm. Ngư trường ngày càng thấy vắng cá, chứ không còn dồi dào như mấy năm trước. Cũng may 2 chuyến biển vừa qua tàu tôi đều đánh bắt tạm được nên có lãi chút ít, anh em cũng vui khi vươn khơi”, anh Đài chia sẻ.

Chủ tàu chật vật

Hiện các tàu lưới cản (lưới rê) “săn” cá ngừ sọc dưa cũng đang cập cảng, sản lượng trung bình đạt từ 9 - 12 tấn/chuyến biển, cao hơn các chuyến biển trước từ 2 - 3 tấn do đang vào vụ chính đánh bắt. Song do chi phí cho chuyến biển (kéo dài hơn 20 ngày) tăng mạnh, dao động từ 250 - 270 triệu đồng/chuyến, cộng với chất lượng bảo quản cá đạt thấp nên các tàu cũng không có lãi là bao.

Chuyến này, các tàu đánh bắt cá ngừ sọc dưa cũng không có lãi là bao, bởi chi phí chuyến biển tăng cao. Ảnh: KS.

Chuyến này, các tàu đánh bắt cá ngừ sọc dưa cũng không có lãi là bao, bởi chi phí chuyến biển tăng cao. Ảnh: KS.

Ngư dân Dương Văn Quý, đại diện tàu KH 97661 TS ở phường Vĩnh Phước (TP Nha Trang) cho biết, tàu của gia đình ông tổn phí cho chuyến biển này tăng rất cao, lên đến 270 triệu đồng. Tàu đi tốn 5.000 lít dầu (giá trên 19 ngàn đồng/lít) đã mất khoảng 100 triệu đồng, cùng với bốc từ 750 - 800 cây đá, đồ ăn thức uống, lưới… mất thêm 70 - 80 triệu đồng nữa.

Để tàu vươn khơi, mỗi chuyến biển cần từ 11 - 12 lao động/tàu. Khi bước xuống ghe, chủ tàu phải cho mỗi người ứng trước từ 5 - 7 triệu đồng. Đây là điều bắt buộc, bởi nếu không thuyền viên sẽ đi tàu khác. Do đó, nếu chuyến biển đánh bắt không thuận lợi thì mọi tổn phí sẽ do chủ tàu chịu. Nhưng nếu tàu đánh bắt có lãi, nhiều lao động sẽ được chia tiền thêm (trừ tiền đã ứng) và cứ tính theo tỷ lệ lợi nhuận 50/50.

“Các chủ tàu lưới cản bây giờ rất chật vật. Tàu đánh bắt phải giỏi, doanh thu từ 350 triệu đồng trở lên may ra chủ tàu mới có lãi chút ít”, ông Quý nói.

Cũng như tàu ông Quý, tàu KH 93377 TS của ngư dân Huỳnh Văn Cầm ở phường Vĩnh Phước chuyến biển này chi phí lên đến trên 250 triệu đồng.

Tàu về đạt sản lượng 10 tấn cá ngừ sọc dưa. Hiện giá cá được thu mua dao động từ 20 - 50 ngàn đồng/kg (tùy loại). Tuy nhiên do cá bảo quản chất lượng thấp nên tàu ông Cầm bán cá loại 1 (bán chợ) từ 45 - 50 ngàn đồng/kg số lượng chẳng bao nhiêu. Đa số bán cá với giá chỉ từ 20 đến 30 ngàn đồng/kg là nhiều.

Khâu bảo quản cá chưa tốt nên hiện nay tỉ lệ cá đạt chất lượng loại 1 rất ít, giá trị thấp. Ảnh: KS.

Khâu bảo quản cá chưa tốt nên hiện nay tỉ lệ cá đạt chất lượng loại 1 rất ít, giá trị thấp. Ảnh: KS.

Ông Cầm cho biết, sau khi bán cá, doanh thu chỉ đủ chi phí mướn công cho bạn đi biển, chứ chủ tàu không có lời. Từ ngày dịch bệnh Covid-19 tới giờ, tàu làm ăn khó khăn do mướn lao động đi biển rất khó và phải cho lao động ứng tiền trước từ 5 - 7 triệu đồng/người/chuyến.

Trong khi năm nay, tàu nằm bờ đến 3 tháng do ảnh hưởng dịch bệnh và mới bám biển trở lại 2 tháng nay. Trong khi đó, tình hình ngư trường hiện nay cũng vắng cá nên chuyến này tàu đi phải kéo dài gần 1 tháng mới về cập cảng. Mọi năm, vào mùa đánh bắt, ngư trường cá ngừ sọc dưa rất nhiều, tàu đi hơn 20 ngày về doanh thu đã đạt từ 400 - 500 triệu đồng.

Được biết, vụ chính đánh bắt cá ngừ các loại bắt đầu từ tháng 10 âm lịch năm trước kéo dài đến tháng 3 âm lịch năm sau. 

Ông Nguyễn Văn Ba, Phó Ban quản lý cảng cá Hòn Rớ cho biết, thời điểm này đang mùa đánh bắt cá ngừ nên chuyến biển này các tàu lưới cản cập cảng với sản lượng từ 9 - 12 tấn, còn mấy tháng trước chỉ 5 - 7 tấn.

Bên cạnh sản lượng đánh bắt thấp, hiện khâu bảo quản cá chưa tốt, ngư dân bán với giá thấp nên tính ra không lãi nhiều so với mấy tháng trước.

Xem thêm
Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.