| Hotline: 0983.970.780

Nơi chúng tôi đến

Người Hoài Đức làm kinh tế trên cao nguyên Lâm Hà

Thứ Tư 19/06/2024 , 09:44 (GMT+7)

LÂM ĐỒNG Không còn nhận ra vùng đất 37 năm trước chúng tôi đặt chân đến nữa. Bởi vùng quê hương mới Hoài Đức hôm nay, từ một 'anh nông dân nghèo' đã thành một 'đại gia'.

Cuối tháng 4 vừa qua, tôi có dịp quay trở lại thăm xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Đây là vùng kinh tế mới do những người con quê huyện Hoài Đức, Hà Tây (cũ) đặt chân đến, khai khẩn vào tháng 8 năm 1987. Thời điểm ấy, tôi là một trong số những cán bộ của huyện Hoài Đức đưa người dân của huyện vào Lâm Đồng xây dựng vùng kinh tế mới, thành lập huyện Lâm Hà, trong đó có xã Hoài Đức, được mang tên huyện cũ.

Tác giả, nhà báo Nguyễn Thị Trâm.

Tác giả, nhà báo Nguyễn Thị Trâm.

Như chưa từng gặp

Đứng trên một mỏm đồi cao, xanh mướt cà phê, tôi phóng tầm mắt ra xung quanh, cảm xúc dâng trào khi trước mắt là một vùng quê trù phú, bình yên. Xen giữa nền xanh ngát của những vườn cây trái là những xóm làng với hàng ngàn ngôi nhà đủ màu sắc. Len lỏi giữa màu xanh ấy là con đường huyết mạch - Tỉnh lộ 725 trải nhựa phẳng lỳ, uốn lượn trập trùng giữa màu xanh ngút mắt, nhìn như những dải lụa vắt vẻo giữa trời mây, non nước. Phía trên, đường dây điện cao thế vươn mình ngất ngưởng. Kỳ ức xưa ùa về… “Thật khó tưởng tượng so với cách đây 37 năm, nơi này đã đổi khác như thế”, tôi thầm nghĩ.

Hồi đó, đoàn chúng tôi từ xã Hoài Đức, Hà Tây (cũ) lên tàu vào Nam, lập khu kinh tế mới. Địa điểm được chọn ban đầu là xã Tân Hà của huyện Lâm Hà, Lâm Đồng. Theo các vị tiền trạm thì thời điểm ấy, vùng này đất đỏ bazan màu mỡ, rộng mênh mông. Mùn lá từng lớp dày hòa quyện với đất đỏ tơi xốp, mùa mưa phải đi ủng lội ngập hết bàn chân, nắng thì xôm xốp thật khó tả. Khí hậu ở đây rất ôn hòa, thường xuyên chỉ từ 24 - 25 độ C, thích hợp với nhiều loại cây trồng.

Đội máy cày khai hoang vùng kinh tế mới tại xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) năm 1989. Ảnh: TL.

Đội máy cày khai hoang vùng kinh tế mới tại xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) năm 1989. Ảnh: TL.

Nhưng, vùng này khi đó còn hoang vắng lắm, mỗi nhà ở một quả đồi rộng hàng chục ha, từ nhà nọ đến nhà kia cách nhau vài cây số. Cơ sở hạ tầng như điện, trường, trạm gần như chưa có, đường đất đỏ là chính, đi lại khó khăn, nếu không kiên trì, quyết tâm thì khó trụ nổi. Sau cả tháng trời, chúng tôi chưa bàn giao xong số dân cho huyện.

Dù đã 37 năm, nhưng đến giờ tôi vẫn nhớ rõ, một buổi tối, nhóm cán bộ chúng tôi đi bộ mấy cây số đến nhà ông Nguyễn Văn Đức, khi đó là Bí thư Đảng ủy xã Cát Quế (Hoài Đức, Hà Tây cũ) - người đưa dân vào xây dựng kinh tế và tiếp tục là Bí thư Đảng uỷ xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà. Khi đó, tôi thấy cả nhà ông Đức đang xúm xít ngồi bẻ lá bắp (ngô) trên nền sân đất. Và sau đó, chúng tôi ở lại ăn cơm, một bữa tối mời khách nhưng nó mới đạm bạc làm sao, một nồi cơm và nồi canh rau, đĩa cá suối nhỏ kho mặn. Chỉ thế.

Những ngày tháng sau đó, người dân Hoài Đức bắt đầu “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, miệt mài lao động, sản xuất trên vùng kinh tế mới. Các loại cây trồng chủ lực là cà phê, dâu tằm, ngô, khoai, đậu, lạc… Sau khi có sản phẩm, mạnh ai người đó tự tìm đường tiêu thụ. Điều may mắn là nhờ đất đai màu mỡ, thời tiết, khí hậu ôn hoà, cộng thêm sự cần cù, chịu khó của mọi người nên mùa màng bội thu, đời sống dần ổn định.

Tác giả (thứ 2 từ trái qua) thăm trường THCS xã Hoài Đức (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) tháng 4/2024.

Tác giả (thứ 2 từ trái qua) thăm trường THCS xã Hoài Đức (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) tháng 4/2024.

Sau đó, người dân của các xã thuộc huyện Hoài Đức gồm Dương Liễu, Cát Quế, Minh Khai, An Khánh, Cộng Hòa, Tân Hòa (huyện Quốc Oai), Tiên Phương (huyện Chương Mỹ) lần lượt tự nguyện cùng vào chung sức xây dựng vùng kinh tế mới. Tính đến thời điểm 2024, riêng xã Cát Quế (huyện Hoài Đức) đã có 360 hộ gia đình, hai xã Dương Liễu và Minh Khai (huyện Quốc Oai) mỗi xã có 140 hộ đã vào huyện Lâm Hà lập nghiệp. Ngày nay, khu dân cư này đã mang tên xã Hoài Đức với 13 thôn, trên 9 nghìn khẩu thuộc huyện Hoài Đức (Hà Tây cũ) đang lập nghiệp trên quê hương mới Lâm Hà.

“Lúc chúng tôi mới vào, nơi đây toàn rừng hoang vu, dấu chân thú rừng chi chít khắp nơi. Đêm xuống, tiếng thú rừng kêu rợn gáy. Nhiều khi chúng chui cả vào nhà, chẳng sợ người. Hai năm đầu, chính quyền chia cho mỗi nhà một khoảnh đất, hỗ trợ mỗi tháng mỗi người 13kg gạo, còn thì tự lo vỡ đất, trồng trọt lấy rau ăn. Giữa thâm sơn cùng cốc, đủ thứ khó khăn, từ sốt rét, bệnh tật đến thú dữ, rắn độc…”, ông Nguyễn Đắc Quế, Trưởng thôn Vũ Hà, xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà nhớ lại.

Những con số ấn tượng

37 năm đã trôi qua, nay trở lại, trong tôi tràn ngập niềm vui, tự hào khi thấy quê hương mới giàu, đẹp, con người hạnh phúc đủ đầy. Để rồi sau đó, lòng tôi chùng xuống khi nghĩ đến những người tiên phong đi mở cõi trong gian khổ trùng trùng, nay không còn, dù biết đó là quy luật.

Chăn nuôi heo công nghệ cao tại xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà. 

Chăn nuôi heo công nghệ cao tại xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà. 

Tôi hỏi thăm và may mắn gặp lại vài người cũ, đó là ông Nguyễn Văn Đức, nguyên Chủ tịch UBND xã Hoài Đức (huyện Lâm Hà) nay đã về hưu, được ăn bữa tối cùng ông, ngay tại nhà, căn nhà xây khang trang chứ không còn tạm bợ như xưa. Cùng ngồi ăn tối còn có ông Nguyễn Khắc Mông, Trưởng thôn Vinh Quang (tên cũ ở xã Cát Quế, huyện Hoài Đức) và ông Nguyễn Đắc Quế, Trưởng thôn Vũ Hà, những người con của quê hương huyện Hoài Đức.

Họ kể cho tôi nghe về chặng đường 37 năm qua, người dân Hoài Đức đã trải qua những khó khăn, thăng trầm như thế nào. Và dù có thế nào, họ vẫn kiên cường trụ vững, vượt qua. Không chỉ thế, còn làm giàu trên vùng đất mới.

Theo ông Đức, xã Hoài Đức (huyện Lâm Hà) có diện tích tự nhiên hơn 39km2, tức hơn 3.900ha, dân số khoảng gần chục ngàn người. Xã có 7 trang trại lớn, trong đó 5 trang trại chăn nuôi với tổng đàn lợn 38.500 con, một trang trại tổng hợp và một trang trại trồng trọt. Kinh tế tập thể thì có 2 HTX dịch vụ nông nghiệp, 8 tổ hợp tác, trong đó có 2 tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm; có 221 hộ kinh doanh dịch vụ, chiếm 35% tổng số hộ của xã. Xã có 7 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sơ chế cà phê, chế biến mắc ca, sửa chữa cơ khí, kinh doanh xăng dầu…

Nuôi tằm là một thế mạnh của nông dân xã Hoài Đức. 

Nuôi tằm là một thế mạnh của nông dân xã Hoài Đức. 

“Ở đây có Công ty Như Tùng của anh Nguyễn Như Tùng, là người con xã Cát Quế, Hoài Đức, hiện là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu cà phê rất thành công. Năm 2023, Công ty xuất khẩu 15.000 tấn cà phê, doanh thu 1.500 tỷ đồng, vào lúc cao điểm mùa vụ có gần 100 công nhân sản xuất, lương bình quân trên 20 triệu đồng/tháng. Hiện Công ty có hàng chục ha cà phê chất lượng cao nằm trên địa bàn xã. Mới đây, Công ty còn đầu tư thêm 300ha tại nước bạn Lào”, ông Đức nói.

Những năm qua, xã Hoài Đức đã tập trung trồng mới, thay thế cây cà phê già cỗi, tái canh, ghép cải tạo cà phê với diện tích gần 2.500ha. Năm 2023 xã trồng thêm 107ha cây mắc ca, đưa tổng diện tích cây trồng này lên 325ha; cây ăn trái có 200ha, sản lượng thu hoạch 385 tấn; hồ tiêu 41ha, sản lượng 155 tấn. Đặc biệt, cây dâu tằm được coi là cây trồng bền vững của xã, năm 2023 xã đã trồng thêm 8ha, đưa tổng diện tích lên 360ha. Các loại cây rau màu khác như ngô, khoai lang... trong năm 2023 đều đạt và vượt kế hoạch 6% trở lên. Hiện xã có 550ha cây rau màu các loại được canh tác ứng dụng công nghệ cao.

Về giáo dục, xã có đủ trường của 3 cấp, tất cả đều đạt chuẩn quốc gia, riêng THCS tỉ lệ tốt nghiệp đạt 100%. Nhìn hệ thống trường học khang trang hôm nay, tôi không khỏi rưng rưng, bồi hồi nhớ thầy giáo Nguyễn Bách Tâm, người cùng đoàn chúng tôi đưa dân vào xây dựng vùng kinh tế mới. Khi đó, vùng đất mới chưa có trường lớp, dân số chưa ổn định, thầy Tâm phải lặn lội từ quả đồi này sang quả đồi khác để ghi danh sách các em trong độ tuổi đi học. Sau đó, thầy lại quay về huyện Hoài Đức để xin kinh phí xây dựng trường.

Cơ sở chế biến mắc ca tại xã Hoài Đức.

Cơ sở chế biến mắc ca tại xã Hoài Đức.

Lúc bấy giờ huyện Hoài Đức còn nghèo lắm, chỉ có 2 triệu đồng để thầy Tâm mang vào xây dựng 4 phòng học tranh tre, vách đất bên sườn đồi. Đó chính là tiền thân của Trường THCS Hoài Đức bây giờ. Đứng nhìn ngôi trường khang trang hôm nay, tôi thầm gọi “thầy Tâm ơi! Giờ đây, ở bên kia thế giới, chắc thầy cũng mãn nguyện với sự nghiệp giáo dục mà thầy hằng mong đợi rồi”.

Nhìn màu xanh ngút ngàn của những vạt đồi cà phê, dâu tằm, những đồi cây mắc ca lừng lững, tôi tin rằng thế và lực của người dân Hoài Đức đang vững chãi đi lên một tầm cao mới.

Theo nghị quyết của chính quyền và nhân dân xã Hoài Đức, năm 2024, xã phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu: Đưa tổng sản phẩm trên địa bàn xã tăng từ 8 - 8,5%; thu nhập bình quân đầu người đạt 66,5 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 1%; đẩy nhanh tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, nâng giá trị sản phẩm thu hoạch đạt 195 triệu đồng/ha. Các chỉ tiêu về văn hóa, y tế, giáo dục đều có chỉ số cao hơn năm trước.

Xem thêm
Hỗ trợ dê, cừu giống cho hộ liên kết chăn nuôi

NINH THUẬN Năm 2024, 260 con dê và 300 con cừu giống (ngân sách nhà nước hỗ trợ 60%) sẽ được bàn giao cho 42 hộ tham gia liên kết tại huyện Ninh Hải và Ninh Phước

ILRI tạo ra nhiều ứng viên vacxin ASFV

Với phương pháp chỉnh sửa nhanh CRISPR/Cas9, Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) đã tạo ra nhiều ứng viên vacxin ASFV hứa hẹn các đặc tính về an toàn và hiệu quả.

Những 'vệ sĩ tí hon' bảo vệ vườn cam ở Cao Phong

HÒA BÌNH Đang len lỏi trong vườn cam của Hợp tác xã 3T Nông sản Cao Phong, tôi bỗng cảm thấy nhột nhột trên cổ, cộm cộm trên lưng, ram ráp ở trên tay…

Giới thiệu nhiều vật tư, công nghệ, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp

TP.HCM Ngày 13/11, tại TP.HCM đã khai mạc Triển lãm quốc tế Sản phẩm, thiết bị, vật tư và phân bón nông nghiệp (Growtech 2024).