Nhà máy xử lý rác thải được đầu tư xây dựng trị giá hơn 60 tỷ đồng nguy cơ thua lỗ |
Đây là nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ cao đóng trên địa bàn xã Nghĩa Bình (huyện Nghĩa Đàn), được khởi công tháng 11/2016 đến tháng 7/2017 thì chính thức hoạt động; công suất xử lý hơn 75 tấn rác/ngày. Đến nay nhà máy đã giải quyết được bài toán rác tồn đọng trong nhiều năm qua ở vùng đất Phủ Qùy.
Nhà máy được đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại, khép kín, xử lý rác bằng cách phân loại, đốt và cho ra sản phẩm là gạch không nung và hạt nhựa. Đây là dự án thuộc diện thu hút đầu tư của tỉnh. Ngoài huyện Nghĩa Đàn, còn thu gom rác từ một số huyện khác ở miền Tây về mới đủ công suất hoạt động cho nhà máy.
Nhà máy hoạt động tốt, không gây ô nhiễm môi trường, người dân không có phản ánh gì. Môi trường trong nhà máy rất sạch sẽ, không khí trong lành, có thể ngồi ăn uống, sinh hoạt trong khuôn viên. Tuy nhiên, toàn bộ kinh phí hoạt động của nhà máy vẫn do chủ đầu tự bỏ ra, chưa được địa phương thanh toán theo quy định.
Ông Triệu Tiến Đàm, Giám đốc nhà máy cho biết, mỗi tháng Cty phải bỏ ra 200 triệu đồng cho toàn bộ hoạt động của nhà máy. Ông Nguyễn Đình Trọng, Chủ tịch HĐQT Cty CP Tập đoàn công nghệ T-TECH nói: "Chúng tôi đã nhiều lần gửi công văn cho địa phương đề nghị thanh toán chi phí xử lý rác hơn 1 năm qua nhưng chưa được giải quyết. Nếu cứ kéo dài thì có nguy cơ đóng cửa nhà máy".
Được biết, theo mức giá hiện hành, chi phí xử lý rác khoảng 400.000 đồng/tấn. Trả lời báo chí, ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn cho biết, nguyên nhân huyện chưa chi trả kinh phí cho nhà máy là vì chưa có nguồn tiền, đang ghi nợ nhà máy và chưa biết khi nào mới có tiền.
Ảnh: Phan Sáng |
Ảnh: Phan Sáng |