Ngày 5/3, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (KNQG), Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) phối hợp cùng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức kỳ họp thứ II Ban điều phối chung (JCC) Dự án “Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam”.
Giảm dần ngân sách hỗ trợ
Theo JCC, Dự án được triển khai từ năm 2022 - 2026, với mục tiêu tăng cường xây dựng chuỗi giá trị cây trồng an toàn (rau, quả) tại vùng triển khai Dự án. Các chỉ số cụ thể của Dự án được đặt ra gồm: Tăng thêm 20% lợi nhuận/đơn vị diện tích cây trồng an toàn của các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp mục tiêu so với thời điểm khảo sát cơ bản; trên 30% các HTX nông nghiệp mở rộng kênh bán hàng so với thời điểm khảo sát cơ bản.
Qua 2 năm triển khai, với cách tiếp cận xây dựng chuỗi giá trị cùng việc nâng cao năng lực cho HTX, cán bộ khuyến nông và các bên tham gia, Dự án đã thu được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận ở cả 5 mục tiêu đặt ra.
Trên cơ sở đó, trong năm 2024, xét theo mục tiêu và chủ trương của Dự án, nhóm chuyên gia JICA đề xuất lựa chọn hỗ trợ, nâng cao năng lực và chuỗi giá trị nông sản cho 21 HTX trong số các HTX có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP (có hoặc không có giấy chứng nhận VietGAP) và hiện mới chỉ bán sản phẩm tại thị trường địa phương (chợ dân sinh), đồng thời có mong muốn phát triển khả năng tiếp cận thị trường hiện đại.
Bên cạnh đó, cách tiếp cận hỗ trợ các HTX của Dự án sẽ thực hiện trên nguyên tắc giảm tài chính theo lộ trình. Cụ thể, năm 2023 hỗ trợ 100% chi phí Dự án, năm 2024 hỗ trợ 50%, năm 2025 không hỗ trợ kinh phí, chỉ hỗ trợ kỹ thuật.
Cụ thể, về nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông, Dự án sẽ tập trung vào các hoạt động như tập huấn cho cán bộ khuyến nông; chỉnh sửa dự thảo học trình, tài liệu giảng dạy (nếu cần) dựa trên kết quả tập huấn.
Ban quản lý dự án cấp tỉnh (PPMU) hỗ trợ cán bộ khuyến nông tiến hành tập huấn cho các HTX; hỗ trợ xây dựng kế hoạch, thực hiện thúc đẩy mở rộng cây trồng an toàn và giám sát các hoạt động.
Về thí điểm quản lý HTX, Dự án sẽ triển khai các hoạt động gồm: Chuẩn bị (đề cử thành viên ban quản lý, tổ chức nhóm sản xuất, thiết lập hệ thống bán hàng tập trung); khảo sát thị trường; lập kế hoạch sản xuất dựa trên nhu cầu thị trường; hướng dẫn tại thực địa cho HTX mục tiêu; rà soát, đánh giá.
Về hoạt động hợp tác giữa các bên liên quan trong chuỗi giá trị: CPMU/PPMU xác định những thách thức và bài học kinh nghiệm để tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn; chia sẻ thách thức, bài học kinh nghiệm cho các bên liên quan trong chuỗi giá trị; lập kế hoạch, triển khai hoạt động nhằm giải quyết những khó khăn, thách thức.
Về nâng cao năng lực thực thi an toàn thực phẩm, CPMU/PPMU sẽ thực hiện kế hoạch hành động bao gồm các hoạt động tăng cường ATTP trong chuỗi giá trị; giám sát việc thực hiện kế hoạch hành động; thường xuyên điều chỉnh kế hoạch hành động.
Nhân rộng hiệu quả khi dự án kết thúc
Tại kỳ họp, ông Tô Việt Châu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế đề nghị, để triển khai hiệu quả Dự án trong năm 2024 và các năm tiếp theo, JCC cần tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin, đặc biệt là những thông tin mang tính định hướng chiến lược để chỉ đạo, điều hành các hoạt động chung của Dự án.
CPMU phối hợp chặt chẽ với JICA, PPMU và chính quyền địa phương để rà soát, đánh giá, tổng kết những nội dung đã triển khai, đảm bảo Dự án được triển khai theo đúng yêu cầu để đạt mục tiêu đề ra.
PPMU cần có sự phối hợp chặt chẽ với CPMU và các đơn vị liên quan tại địa phương triển khai Dự án, hỗ trợ HTX thực hiện mô hình theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo ATTP.
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm KNQG cho rằng, thời gian qua, Trung tâm KNQG với vai trò chủ trì thực hiện Dự án luôn phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia JICA, PPMU, chính quyền các địa phương để thực hiện các hoạt động Dự án theo đúng kế hoạch, tiến độ đề ra.
Phát huy tinh thần đó, trong năm 2024 và các năm tiếp theo, Dự án cần tập trung triển khai nội dung đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông, HTX và các bên tham gia. Bên cạnh đó, tăng cường vận động tài chính từ các chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện Dự án. Về phía Trung tâm KNQG, trong năm 2024 sẽ cam kết dành một khoản kinh phí nhất định để hỗ trợ các địa phương triển khai nội dung hoạt động của Dự án. Đồng thời, tiếp tục tư liệu hóa các tài liệu Dự án phục vụ sản xuất tại Việt Nam dựa trên các điều kiện cụ thể của mỗi địa phương và nông dân (ví dụ tài liệu khử trùng đất bằng năng lượng mặt trời…).
Ngoài ra, chú trọng và tăng cường tổ chức các đoàn tham quan, học tập tại Nhật Bản cũng như Việt Nam. Cụ thể, dự kiến trong năm 2024 sẽ tổ chức 1 đoàn học tập tại Nhật Bản; ngày 14 - 15/3 sẽ tổ chức chuyến tham quan, học tập các mô hình, công nghệ của Nhật Bản tại tỉnh Sơn La cho cán bộ và học sinh Trường cấp ba Nông Nghiệp Nam Định...
Ông Lê Quốc Thanh cũng nhấn mạnh, Dự án tiếp cận theo hướng từng bước giảm dần ngân sách hỗ trợ là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, các chủ thể tham gia dự án phải nghiên cứu giải pháp hỗ trợ ban đầu để duy trì được nhịp hoạt động, nhất là vấn đề tăng cường năng lực cho các chủ thể ở địa phương, hướng tới mục tiêu khi Dự án kết thúc, các hoạt động vẫn được duy trì, thậm chí mở rộng, mang lại hiệu quả thiết thực cho các địa phương.
Bà Yoko Takebayashi, Phó Trưởng đại diện JICA Việt Nam đề nghị, Dự án là một minh chứng về mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa JICA và Bộ NN-PTNT, phản ánh sự đồng lòng cống hiến của các bên trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững và tăng cường an ninh lương thực. Do đó, để đạt được mục tiêu của Dự án, CPMU và PPMU tiếp tục hợp tác bằng cách lồng ghép giữa các chương trình khuyến nông thường xuyên và hoạt động của Dự án.