| Hotline: 0983.970.780

Nhiều bất cập quản lý hệ thống thuỷ lợi Bù Đăng

Thứ Tư 11/12/2019 , 08:41 (GMT+7)

Không chỉ có tuổi đời cao, ít được bảo trì, đại tu, các công trình thủy lợi ở Bù Đăng (Bình Phước) còn bị người dân lấn chiếm trái phép.

Trên địa bàn huyện Bù Đăng (Bình Phước) có 30 công trình thủy lợi. Ngoài phục vụ nước tưới tiêu cho hàng ngàn ha cây trồng, các công trình này còn cung cấp nước sinh hoạt cho hàng ngàn hộ dân trong vùng. Tuy nhiên, việc quản lý còn nhiều bất cập nhất là để xảy ra nhiều vụ lấn chiếm, ảnh hưởng đến an toàn công trình.
 

Công trình bị lấn chiếm

Toàn huyện Bù Đăng có khoảng 6.000ha đất nông nghiệp, trồng các loại cây hằng năm và hơn 103.000ha cây lâu năm. Trong đó, có 3.163ha cây trồng các loại được đảm bảo nguồn nước tưới nhờ hệ thống thủy lợi. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nhiều công trình xây dựng lâu, chưa được bảo trì, đại tu, khiến các hạng mục xuống cấp. Bên cạnh đó, một số công trình thủy lợi khác bị người dân lấn chiếm trái phép.

Hồ thuỷ lợi Bra Măng, nằm trên địa bàn các xã Đoàn Kết, Minh Hưng và thị trấn Đức Phong, là một trong số những công trình đang bị dư luận bức xúc khi xảy ra tình trạng lấn chiếm, xây dựng bên trong lòng hồ.

Theo tìm hiểu, hồ Bra Măng có diện tích 15,5ha phục vụ tưới tiêu 174ha cây trồng và phục vụ nước sinh hoạt cho người dân quanh vùng. Khoảng tháng 5/2019, ông Phan Minh S, ở thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng đã thuê máy múc vào khu vực lòng hồ múc đất, cải tạo các ao cũ trong phạm vi lòng hồ chứa, xây dựng trái phép đường điện dọc theo mái hạ lưu trên mặt đập hồ chứa; xây dựng trụ bơm sát chân đập.


Trạm bơm và ao cá thi công trái phép trong lòng hồ thuỷ lợi Bra Măng (hiện trạm bơm đã bị tháo dỡ, ao cá ngừng thi công). Ảnh: Phúc Lập.

Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ thuỷ lợi Bình Phước, đơn vị quản lý công trình đã thành lập đoàn kiểm tra, phối hợp chính quyền địa phương, đến khảo sát và lập biên bản, yêu cầu hộ ông Phan Minh S ngừng thi công, hoàn trả hiện trạng ban đầu. Mặc dù đã được đoàn kiểm tra lập biên bản, yêu cầu ngừng thi công công trình trái phép, nhưng sau đó ông S vẫn cố tình thực hiện.

Sau khi đại diện công ty quản lý công trình tiếp tục nhắc nhở, ông S mới tạm ngừng thi công. Hiện ông S đã hoàn trả hiện trạng ban đầu đối với công trình ao cá và trụ bơm sát chân đập. Tuy nhiên, đường dây điện dọc bờ hồ vẫn còn nguyên. Điều đáng nói, ông S là con trai một vị cán bộ huyện Bù Đăng.

Công trình hồ thủy lợi Đắk Liên với diện tích 30ha trên địa bàn xã Đắk Nhau đang bị 3 hộ dân lấn chiếm, san lấp làm đường đi, khoanh ao thả cá, trồng cà phê. Ngoài ra, vẫn còn 2 hộ dân ở trong phạm vi công trình từ trước đến nay chưa di dời. Hay như tại hồ Bảy Mẫu, thuộc thị trấn Đức Phong rộng 7ha với mực nước ổn định quanh năm, hiện một số hộ dân sinh sống quanh hồ đổ đất lấn chiếm.

Công trình hồ Sơn Phú, xã Phú Sơn đang được nâng cấp, sửa chữa phục vụ tưới tiêu cho diện tích cây trồng quanh khu vực lòng hồ và vùng hạ lưu, với diện tích 192ha. Hồ Phú Sơn sử dụng mặt nước phục vụ Nhà máy nước tập trung tại trung tâm xã Phú Sơn, cung cấp nước cho 185 hộ dân. Ngày 12/6/2019, hai Phòng NN-PTNT và TN-MT phối hợp cùng địa phương kiểm tra tình trạng lấn chiếm lòng hồ, phát hiện 4 hộ có dấu hiệu lấn chiếm lòng hồ.

04-47-57_nh_3
Đường dây điện chạy dọc bờ công công trình thuỷ lợi Bra Măng vẫn còn. Ảnh: Thanh Sơn.

 

Công trình hồ Đắk Liên, trên địa bàn xã Đắk Nhau đang bị các hộ dân lấn chiếm, san lấp làm đường đi, đào đắp làm ao cá, trồng cà phê. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện 3 hộ dân tự ý san lấp, lấn chiếm phần diện tích mặt hồ và 2 hộ tồn tại trong công trình chưa di dời.
Đối với 3 hộ dân tự ý san lấp, lấn chiếm phần diện tích mặt hồ, ngày 21/6/2019, UBND huyện ban hành Quyết định số 933/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ kiểm tra, rà soát hiện trạng để tham mưu UBND huyện xử lý hành vi lấn chiếm và tác động các chức năng của hồ, đập trên địa bàn huyện.
Đối với 2 hộ tồn tại trong công trình chưa di dời, UBND huyện đề nghị Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ thủy lợi Bình Phước tham mưu UBND tỉnh có hướng xử lý di dời hộ dân tồn tại trong phạm vi công trình hồ Đắk Liên.

Và nhiều công trình cần nâng cấp

Không chỉ bị lấn chiếm, nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn huyện xuống cấp, bồi lắng nên hoạt động kém hiệu quả, thiếu nước vào mùa khô.

Cụ thể, hồ Đạ Bo, xã Đồng Nai có diện tích khoảng 40ha, hiện thân đập chính đang bị thấm ảnh hưởng đến quá trình tích trữ nước và mất an toàn vào mùa mưa.

Hồ Sơn Hiệp trên địa bàn xã Thọ Sơn có diện tích 15ha phục vụ tưới 48 ha cây trồng và nước sinh hoạt cho nhân dân xung quanh khu vực.

Hiện hồ Sơn Hiệp bị bồi lắng khoảng 5ha, nguyên nhân do trong quá trình sản xuất, canh tác của người dân, đất từ các vườn, rẫy xói mòn chảy xuống lòng hồ nhưng không được nạo vét thường xuyên nên diện tích bồi lắng tăng theo từng năm.

UBND huyện Bù Đăng đã có báo cáo đề xuất UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí nạo vét, nâng cấp; hồ đang khai thác phục vụ tưới tiêu cây trồng.

Theo báo cáo của UBND huyện Bù Đăng, các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện đã và đang phát huy tốt công năng trong việc khai thác nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt tập trung cho người dân.

Tuy nhiên, trong số 30 công trình thủy lợi trên địa bàn, có 10 công trình không ổn định nguồn nước, thường bị khô hạn khi nắng nóng kéo dài.

Bên cạnh việc các công trình bị người dân lấn chiếm, xây dựng trái phép bên trong lòng hồ, nhiều công trình khác đang bị các hộ dân quanh hồ tận dụng để nuôi trồng thủy sản, nuôi cá lồng bè...

Một vấn đề khác là một số công trình đang xuống cấp, bồi lắng nghiêm trọng nên việc khai thác nguồn nước kém hiệu quả.

Nguyên nhân do các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện hầu hết là đập đất, một số được xây dựng từ nhiều năm. Nhiều công trình thủy lợi đầu tư chắp vá nên sau khi sử dụng một thời gian đã xuống cấp phải sửa chữa.

Thêm vào đó, nguồn kinh phí hạn hẹp nên công tác quản lý, vận hành, duy tu bảo dưỡng chưa được chú trọng đúng mức.

Trước thực trạng này, huyện Bù Đăng đã tăng cường kiểm tra, giám sát thực trạng các công trình thủy lợi, kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xử lý.

Trước mắt, đối với hồ Đạ Bo và hồ Sơn Hiệp, địa phương đã đề xuất cấp trên bố trí nguồn vốn để nâng cấp, sửa chữa nhằm đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa lũ.

04-47-57_nh_4
Trạm bơm xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng, một trong những công trình thuỷ lợi kém hiệu quả. Ảnh: Phúc Lập.

Đề xuất nâng cấp, sửa chữa 5 công trình gồm hồ Ông Thoại ở xã Nghĩa Trung; hồ Đắk Liên tại xã Đắk Nhau; hồ Sơn Hiệp, hồ Thọ Sơn tại xã Thọ Sơn; hồ Hưng Phú tại xã Minh Hưng và xây mới 15 công trình thủy lợi khác tại các xã Đường 10, Thống Nhất, Nghĩa Bình, Bình Minh, Đăng Hà, Phước Sơn.

Đối với trường hợp lấn chiếm, huyện đã phối hợp cơ quan chức năng thành lập đoàn kiểm tra yêu cầu các hộ vi phạm hoàn trả mặt bằng tại vị trí đã tự ý cải tạo. Đồng thời, đã đề nghị Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ thủy lợi Bình Phước có phương án xử lý, di dời đối với các hộ dân có hành vi đào đắp, lấn chiếm diện tích lòng hồ vì mục đích cá nhân.

Liên quan đến công tác quản lý các hồ, đập, UBND huyện đã chỉ đạo UBND cấp xã tăng cường công tác quản lý; thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý đối với trường hợp lấn chiếm lòng hồ. Hiện UBND huyện đang xin chủ trương trồng rừng bán ngập trên diện tích một số hồ, bàu nước như Bàu Cá Rô, bàu Mít thuộc địa bàn xã Thống Nhất.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Bù Đăng, phần lớn các hồ trên địa bàn huyện chưa cắm mốc, không có sổ, ranh giới không rõ ràng, ngay cả chủ hồ không xác định được nên rất khó trong công tác quản lý. Đặc biệt, trong việc xác định người dân có lấn chiếm lòng hồ hay không.

Từ thực tế này, rất khó để các công trình thủy lợi có thể đảm bảo nguồn nước tưới ổn định cho diện tích cây trồng các loại theo thiết kế ban đầu, nhất là vào mùa khô hạn.

Nếu các công trình không được đầu tư sửa chữa, quản lý chặt chẽ sẽ tiếp tục xuống cấp, không khai thác hết hiệu quả diện tích mặt nước và đó là sự lãng phí rất lớn của địa phương.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.